Phát triển nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường

Thứ Sáu, 17/02/2017, 22:31 [GMT+7]
In bài này
.
Sản xuất bún ở cơ sở Ánh Loan (phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa).
Sản xuất bún ở cơ sở Ánh Loan (phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa).

Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu, chưa đầu tư hệ thống xử lý môi trường… là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm ở các cơ sở sản xuất truyền thống. Hiện BR-VT đang nỗ lực tìm các giải pháp giúp người dân đầu tư hệ thống xử lý nước thải và đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất.

NGUY CƠ Ô NHIỄM CAO

11 giờ trưa, tại cơ sở sản xuất bún Ánh Loan (tổ 7, khu phố 6, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) các nhân công vẫn đang tất bật làm bún. Những chiếc thùng nhựa dùng để ngâm bột sau một đêm nước đục ngầu và có mùi chua, nước để xả bún sau khi nấu thành sợi… cứ thế xả thẳng xuống sàn rồi chảy ra hầm biogas. Khi hầm chứa đầy thì toàn bộ lượng nước thải này được đẩy vào một cái hố có 3 ngăn và chảy ra kênh Thủ Lựu gần nhà. Chị Hoàng Thị Ánh Loan, chủ cơ sở cho biết, gia đình chị làm nghề làm bún đã 15 năm. Mỗi ngày cơ sở của chị sản xuất khoảng 600kg bún. Toàn bộ nguồn nước sử dụng cho hoạt động sản xuất được lấy từ nước giếng khoan. Chị Loan thừa nhận, gia đình chị làm nghề bún đã lâu năm nhưng chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn.

Ông Trần Quốc Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa cho biết: “Trong số 42 hộ sản xuất hủ tiếu, bánh phở và bún trên địa bàn phường có 20 hộ đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ Bastaf (xử lý bằng 5 ngăn, sau khi xử lý nước đạt loại B trước khi thải ra môi trường). Nhờ vậy tình hình ô nhiễm từ hoạt động sản xuất bún đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, do vẫn còn 22 hộ chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn nên tình trạng ô nhiễm không khí vẫn còn. Dự kiến từ nay đến năm 2018, các hộ còn lại sẽ được đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn”, ông Thanh nói.

Theo Chi cục BVMT tỉnh, các ngành nghề truyền thống có khả năng gây ô nhiễm về nước thải, khói bụi, mùi hôi và tiếng ồn cao như: chế biến hải sản, chế tác đá, làm bún, nấu rượu, dệt lưới… Tại cơ sở chế biến hải sản Hương Đức (khu phố Hải Hà, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền), mỗi ngày có 200 tấn nguyên liệu hải sản được phân loại, sơ chế bước đầu tại đây. Tuy nhiên, với diện tích 240m2 toàn bộ cơ sở chế biến hải sản Hương Đức chưa có hệ thống xử lý nước thải nên nước thải xả thẳng ra biển. Ông Trần Văn Đức, chủ cơ sở này cho biết, cơ sở được xây dựng cách đây 15 năm và đến nay vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở làm nghề hải sản truyền thống ở đây, UBND huyện Long Điền đã có chủ trương di dời 51 cơ sở chế biến hải sản vào khu chế biến hải sản tập trung để bảo đảm vệ sinh môi trường.

CẦN ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ MỚI

Hoạt động của các ngành nghề truyền thống đang gây ra những tác động không nhỏ đến môi trường và trở thành thách thức đối với BR-VT trong quá trình phát triển làng nghề theo hướng bền vững. Bà Cao Thị Minh Phụng, chuyên viên Phòng Chế biến ngành nghề nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) cho biết, các ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu, năng lực trình độ tổ chức quản lý chưa cao, thiếu vốn nên khó đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và BVMT. Đặc biệt, nguồn thải từ các nghề truyền thống trong quá trình sản xuất chưa được xử lý triệt để, dẫn đến tình trạng ô nhiễm ở một số khu vực.

Phát triển làng nghề là chủ trương đúng đắn, nhằm bảo tồn giá trị của văn hóa của vùng nông thôn, tạo nên những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, để khuyến khích cơ sở duy trì và phát triển nghề truyền thống, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đời sống của người dân cần có chiến lược phát triển bài bản. Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định dự án phát triển nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi giai đoạn 2014-2020 và dự án phát triển nghề truyền thống bún Long Kiên phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa giai đoạn 2014-2020. Tại Long Điền, để đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học vào sản xuất, huyện đã quy hoạch 6ha để phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương trong đó sẽ đưa làng nghề làm bánh tráng An Ngãi vào khu tập trung này.

Còn tại các cơ sở sản xuất bún Long Kiên vì nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động này cao nên tính đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 100% kinh phí cho 20/42 hộ sản xuất bún, bánh phở, hủ tiếu đầu tư xây dựng thệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ Bastaf với số tiền gần 2,8 tỷ đồng.

Về tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động tận dụng bã rượu để nuôi heo ở các hộ nấu rượu Hòa Long, TP. Bà Rịa dự kiến sẽ lập đề án khảo sát để hỗ trợ về công nghệ cho những hộ tham gia nấu rượu nhằm nâng cao chất lượng rượu và xử lý ô nhiễm môi trường để phục vụ khách du lịch tham quan làng nghề.

Theo Chi cục BVMT, để phát triển nghề truyền thống theo hướng bền vững, ngoài các giải pháp trên, BR-VT cần có cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút các dự án BVMT, thúc đẩy xã hội hóa công tác BVMT. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ bằng cách chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.