![]() |
Tăng giá xăng dầu, ngay cả các lĩnh vực kinh doanh như du lịch cũng sẽ chịu tác động lớn.
Trong ảnh: Du khách tham gia tour khám phá Thừa Thiên-Huế do Vietravel tổ chức. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC
|
Đề xuất của Bộ Tài chính về mức tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đang gây nên nhiều lo lắng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng mức tăng như đề xuất là chưa phù hợp, gây áp lực lên nền kinh tế và đẩy giá cả hàng hóa tăng cao. Trong khi các DN sản xuất, kinh doanh cảm thấy rõ áp lực về chi phí đầu vào.
LỢI BẤT CẬP HẠI
Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường. Quan điểm của VCCI nên rõ, nếu mục tiêu chính sách là hạn chế tác động môi trường thông qua việc hạn chế tiêu thụ xăng dầu, thì việc tăng thuế không mang lại hiệu quả đáng kể.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI phân tích, năm 2016 mức đóng góp của thuế bảo vệ môi trường trong tổng thu ngân sách là 4,1%, với 99% trong số đó đến từ xăng dầu. Nếu cộng cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, và thuế VAT thì mức đóng góp của ngành xăng dầu vào khoảng 9,8% tổng thu ngân sách. Nếu mức thuế mới kịch khung được áp dụng và loại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình thì mức đóng góp lên đến khoảng 15% tổng thu ngân sách. Vì thế, đại diện VCCI đánh giá, về dài hạn, việc nới khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm bảo đảm thu ngân sách sẽ là giải pháp lợi bất cập hại. Điều này sẽ làm giảm áp lực chuyển đổi hệ thống tài chính quốc gia theo hướng bền vững hơn.
![]() |
Việc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ làm cho vật giá tăng theo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm lợi thế cạnh tranh của các DN. Trong ảnh: Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood). Ảnh: QUANG VŨ |
Chưa kể, các ngành sản xuất trong nước như vận tải, thủy sản, nông nghiệp... sẽ chịu tác động đầu tiên. Là nhiên liệu đầu vào nên tỷ trọng xăng dầu trong cơ cấu giá thành một số ngành là đáng kể. Chẳng hạn, với ngành vận tải, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 25-35% đối với xe chạy xăng, 35-45% đối với xe chạy dầu. Tương tự ngành thủy hải sản tỷ trọng này là 33-59% cơ cấu giá thành. Trong nông nghiệp chi phí vận chuyển hàng hóa cũng thường chiếm từ 35-40% cơ cấu giá thành… Các ngành này có nhiều đối tượng yếu thế và đang trong giai đoạn hiện đại hóa, chuyển từ thủ công sang cơ giới. Nếu chi phí xăng dầu tăng có thể làm giảm động lực chuyển đổi cơ giới hóa của nông dân.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, hiện nay thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng đang là 3.000 đồng, nếu có tăng thì cũng nên thêm 1.000-2.000 đồng cho mỗi lít. "Môi trường đã tới giới hạn không thể chịu đựng được, cần phải tổ chức bảo vệ, xử lý nước thải, chất thải... Thủ tướng đã nói chi tiêu ngân sách sách phải công khai rõ ràng vì tiền của dân. Không thể có tình trạng thu nhưng cuối cùng không chi cho môi trường", ông nói.
![]() |
Khách hàng sử dụng dịch vụ vận tải của Công ty TNHH Vận tải và dịch vụ du lịch Hoa Mai.
|
DOANH NGHIỆP NÓI GÌ?
Theo các DN, mức tăng 8.000 thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu như đề xuất trong dự thảo là cao. Đối với các DN mà điều kiện sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu đang thực sự cảm thấy lo lắng.
Ông Lê Văn Đào, Giám đốc điều hành Công ty vận tải Hoa Mai cho rằng: Nếu xăng tăng giá như dự thảo của Bộ Tài chính, DN vận tải không tăng giá vé thì sẽ lỗ mà tăng giá thì giảm khách, giảm sức cạnh tranh. Do đó, với những DN chuyên kinh doanh trong lĩnh vực vận tải như Hoa Mai đã phải tính đến bài toán cắt giảm các loại chi phí để giữ giá cước. Bởi chi phí xăng chiếm tới 20-25% trong giá thành vận tải.
Còn đại diện một hãng taxi trên địa bàn tỉnh cho biết, mặc dù chưa có thông tin chính thức về việc điều chỉnh tăng thuế đối với xăng dầu nhưng DN này cũng rất lo lắng. Theo tính toán, nếu xăng tăng giá thì giá cước taxi có thể sẽ tăng thêm khoảng 2.000 đồng/km. Theo đại diện hãng taxi này, nếu giá xăng dầu tăng ở mức cao như đề xuất trong dự thảo Luật sẽ gây “sốc” cho DN vận tải. Vì vậy, nếu có điều chỉnh thì Bộ Tài chính cũng nên xây dựng lộ trình tăng dần để thị trường điều chỉnh, thích ứng.
Không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cảm thấy lo lắng, nhiều đơn vị, DN dù lĩnh vực kinh doanh không chịu chi phối trực tiếp bởi giá xăng dầu cũng cảm thấy không yên tâm. Ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP DIC số 4 cho biết, hiện công ty của ông đang thực hiện, thi công rất nhiều công trình xây dựng lớn. Các công trình đều sử dụng các loại máy móc có sử dụng xăng, dầu như máy bơm, máy đầm, máy trộn… Tính trung bình, mỗi tháng tiêu hao khoảng gần 20 triệu đôtiền xăng, dầu. Nếu tăng giá xăng dầu lên 4.000-8.000 đồng/lít thì ước tính khoản chi phí này sẽ tăng thêm 30%. Đáng lo ngại hơn là khi xăng dầu tăng giá thì tất vả các loại hàng hóa, vận chuyển cũng tăng theo; tiền nhân công, lao động cũng phải được nâng lên. Trong khi đó, việc sử dụng vật tư cho các công trình xây dựng của DIC 4 là rất lớn và hơn 600 người lao động làm việc thường xuyên trên công trường cũng không phải là con số nhỏ. “Do đó, việc tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến DN. Chúng tôi cảm thấy hoang mang”, ông Thắng nói.
Các DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, lữ hành cũng bày tỏ quan điểm lo ngại sẽ phải tăng chi phí đầu vào, làm tăng giá tour nếu xăng tăng giá như đề xuất của Bộ Tài chính. Ông Võ Thanh Mỹ, Giám đốc Vietravel chi nhánh Vũng Tàu, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành tỉnh cho biết, xăng dầu là một trong những yếu tố cấu thành nên giá tour. Do đó, nếu xăng dầu tăng giá thì sẽ đội chi phí đầu vào và làm cho tour có thể tăng giá. Việc tăng giá xăng quá cao như đề xuất của Bộ Tài chính không chỉ làm thiệt hại đối với DN lữ hành mà tất cả các DN và người dân đều bị ảnh hưởng. Thậm chí nó có nguy cơ làm cho chỉ số lạm phát tăng cao. “Theo tôi, việc tăng giá xăng dầu cần phải có lộ trình cụ thể và tăng từ từ, không nên tăng nhanh và quá cao như đề xuất của Bộ Tài chính để DN kịp thích ứng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, tránh gây nên những cú sốc cho DN”, ông Mỹ nói.
Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường do Bộ Tài chính công bố mặt hàng xăng sẽ phải gánh từ 3.000 - 8.000 đồng thuế bảo vệ môi trường trên mỗi lít so với mức 1.000 - 4.000 đồng/lít như hiện nay. Nhiên liệu bay bị áp khung mức thuế từ 3.000 - 6.000 đồng/lít so với hiện nay là 1.000 - 3.000 đồng/lít. Dầu diezel từ mức hiện tại là 500 - 2.000 đồng/lít thì dự kiến bị đẩy lên 1.500 - 4.000 đồng/lít. Các loại dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn áp khung 900 - 4.000 đồng/lít,kg trong khi mức hiện nay chỉ là 300 - 2.000 đồng/lít,kg. Các sản phẩm mới được đưa vào diện chịu thuế là xăng E5 và xăng E10 cũng bị đánh thuế bảo vệ môi trường với khung áp dụng 2.700-7.200 đồng/lít xăng E5 và 2.500 - 6.800 đồng/lít xăng E10. |
PHAN HÀ, QUANG VŨ