Vận chuyển cá tại cảng cá Phước Tỉnh (huyện Long Điền). Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng bộ huyện Long Điền xác định phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác và bảo quản hải sản sau khai thác là một trong những mục tiêu quan trọng.
Đồng chí Nguyễn Văn Sớm, Bí thư Huyện ủy Long Điền cho biết, trên địa bàn huyện có 1.848 tàu cá, trong đó 1.348 tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90CV trở lên. Lực lượng trực tiếp tham gia đánh bắt trên tàu gần 12 ngàn người, trong đó nhiều tàu được trang bị các thiết bị hiện đại như: máy tầm ngư, máy định vị, máy liên lạc tầm xa… Đặc điểm của hoạt động khai thác hải sản xa bờ trên địa huyện là nghề lưới kéo chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 75,6% tổng số phương tiện đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, đây là nghề khai thác đa loài, không có tính chọn lọc, ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Các nghề khác như lưới vây (khoảng 9,7%), lưới rê (8%), là những loại hình đánh bắt các đàn cá lớn, áp dụng tiến bộ của công nghệ khai thác (dùng ánh sáng điện để tập trung các đàn cá, máy dò cá để xác định sản lượng trước khi thả lưới) nên sản phẩm có chọn lọc, có giá trị kinh tế cao, ít ảnh hưởng đến môi trường và nguồn lợi nhưng lại chiếm tỷ trọng thấp.
Theo thống kê, sản lượng khai thác hải sản trung bình hàng năm trên địa bàn huyện khoảng 85.000 - 90.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng này hiện đang có xu hướng giảm so với trung bình nhiều năm. Nguyên nhân là do thời gian qua, nghề lưới kéo của ngư dân vùng ven biển cả nước ngày càng tăng, khiến nguồn lợi hải sản suy giảm nghiêm trọng. Đây cũng là khó khăn chung của ngành khai thác hải sản cả nước, khi ngư trường ngày càng cạn kiệt. Hơn nữa, số lượng tàu đánh cá của địa phương khá lớn, lại tổ chức khai thác chưa phù hợp với phương thức đánh bắt xa bờ. Sản lượng đánh bắt cao nhưng khâu bảo quản, chế biến còn theo dạng thủ công nên chất lượng sản phẩm thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Mặt khác, các cơ sở chế biến, sản xuất trên địa bàn huyện đa số ở dạng quy mô nhỏ, công nghệ chế biến ở dạng thô, sơ chế hoặc bán thành phẩm. Vì vậy, sản phẩm sản xuất ra có giá trị thấp, sức cạnh tranh chưa cao.
Trước thực trạng trên, huyện Long Điền xác định phải đẩy mạnh tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh hải sản. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong khai thác hải sản; thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nghề khai thác hải sản, giảm dần số tàu cá ven bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm khai thác. Huyện ủy, UBND huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng quản lý chặt chẽ việc đóng mới tàu cá, không phát triển tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15m, công suất dưới 90CV. Huyện cũng tích cực củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ, đội đánh bắt hải sản, hình thành cộng đồng quản lý nghề cá tại địa phương.
Huyện Long Điền đang kiến nghị UBND tỉnh có các chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi cho chủ phương tiện muốn chuyển nghề lưới kéo sang các nghề khác; Hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá trên 90CV, thay đổi ngư cụ, khai thác ở vùng biển khơi; Hỗ trợ ngư dân ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ khai thác tiên tiến, đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ khai thác. Với những đối tượng có nhu cầu chuyển đổi phương thức đánh bắt, nghề nghiệp, huyện Long Điền đang thực hiện các chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ tham gia sản xuất trong các khu công nghiệp chế biến.
“Huyện Long Điền xác định phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực, các hoạt động hỗ trợ phục vụ cho khai thác hải sản bền vững, gắn khai thác hải sản với bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc”, đồng chí Nguyễn Văn Sớm nói.
ĐỨC NGUYÊN