Từ ngày 15-3-2017, các đại diện hộ kinh doanh không được ký vay vốn ngân hàng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) Vũng Tàu. |
Từ ngày 15-3-2017 đại diện hộ kinh doanh không được ký vay vốn tại các ngân hàng. Đây là nội dung của Thông tư 39 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành.
Theo Thông tư 39, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn tại tổ chức tín dụng. Trường hợp vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác, khách hàng vay là cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, DNTN mà cá nhân đó là chủ hộ kinh doanh, chủ DNTN. Trước thông tin này, nhiều hộ kinh doanh tỏ ra khá lo lắng, băn khoăn. Bà Trần Thị Mai, chủ tiệm tạp hóa tại đường Bình Giã, phường Nguyễn An Ninh (TP. Vũng Tàu) cho biết, trên thực tế các hộ kinh doanh vốn ít nên không muốn thành lập DNTN. “Muốn mở rộng kinh doanh, tôi phải vay vốn ngân hàng nhưng tôi không muốn thành lập DNTN vì khả năng của mình hạn chế, không đủ sức quản lý như một DN”, bà Trần Thị Mai nói.
Theo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh, do Thông tư 39 mới ban hành nên hiện tại các ngân hàng đang trong quá trình nghiên cứu để áp dụng. Mặt khác, hộ kinh doanh lâu nay vẫn là đối tượng nhắm tới của các ngân hàng, nên chắc chắn đối tượng này vẫn sẽ được ưu đãi lãi suất thời gian tới.
Theo đại diện chi nhánh Ngân hàng ĐongA bank, chi nhánh BR-VT thì các hộ kinh doanh không nên quá lo lắng về vấn đề này. Tới đây, việc cho vay theo hộ cá nhân sẽ có một số điều chỉnh nhỏ về mặt thủ tục, cụ thể tên đề nghị vay vốn chuyển từ hộ gia đình thành tên cá nhân đứng tên vay. Cũng theo đại diện Ngân hàng ĐongA bank, về lãi suất vay không khác nhiều giữa hộ kinh doanh và cá nhân, dao động 8,5-9%/năm. Tuy nhiên tổ hợp tác, hộ kinh doanh nhiều thành phần sẽ bị tác động, bởi chỉ cá nhân được đứng ra vay. Ông Nguyễn Đức Thuận, tổ hợp tác chăn nuôi gà tại xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) cho rằng, quy định mới sẽ gây khó cho các tổ hợp tác khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để sản xuất, chăn nuôi. Bởi lẽ, việc để một cá nhân đứng ra vay vốn cho tổ hợp tác sẽ rất phức tạp, nhiều rủi ro và cũng không ai chịu trách nhiệm này.
Ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ đầu năm 2017, chủ thể tham gia quan hệ dân sự là pháp nhân và cá nhân. Do đó, Thông tư 39 cũng phải quy định khách hàng vay vốn là pháp nhân và cá nhân. Thông tư 39 được ban hành nhằm khắc phục các bất cập đã nảy sinh trong quá trình thực hiện Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN, đồng thời tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Ông Sơn cho rằng, hoàn toàn không có chuyện bắt buộc thành lập DN mới được vay vốn ngân hàng, văn bản của NHNN không có quy định nào như vậy. Tuy nhiên, theo quy định mới, thay vì vay theo tư cách “hộ” thì các đối tượng trên có thể vay vốn với tư cách cá nhân, bởi theo Bộ luật Dân sự, không còn chủ thể “hộ” nữa. Nếu ngân hàng thương mại tiếp tục ký hợp đồng cho vay “hộ” là trái luật, có nghĩa là hợp đồng vô hiệu. Hay nói cách khác, việc vay vốn sẽ đứng trên danh nghĩa từng cá nhân, cá nhân tự chịu trách nhiệm trả nợ chứ không phải danh nghĩa hộ gia đình, hộ kinh doanh. “Tới đây, NHNN sẽ tập huấn cho các NH thương mại về nội dung mới để bảo đảm hoạt động cho vay vẫn bình thường, không có ách tắc vốn”, ông Sơn nói.
HOÀNG NGA