KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (14/10/1930 -14/10/2021)

Điểm tựa của nông dân

Thứ Tư, 13/10/2021, 20:35 [GMT+7]
In bài này
.

Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, các cấp Hội Nông dân (HND) trên địa bàn tỉnh đã đồng hành, trở thành điểm tựa vững chắc của nông dân trong hành trình phát triển kinh tế.

Nhờ sự hỗ trợ, kết nối của HND các cấp, gần 70% sản lượng nhãn của gia đình ông An Đình Doan, ấp Phú Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đã được tiêu thụ.
Nhờ sự hỗ trợ, kết nối của HND các cấp, gần 70% sản lượng nhãn của gia đình ông An Đình Doan, ấp Phú Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đã được tiêu thụ.

Cầu nối tiêu thụ nông sản

Là địa phương có khoảng 450ha diện tích trồng nhãn, ước tính sản lượng hàng năm của huyện Xuyên Mộc đạt khoảng 3.000 tấn. Trong tháng 7/2021, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gần 2.000 tấn nhãn của bà con nông dân gặp khó khăn về đầu ra. HND đã chủ động tìm cách kết nối tiêu thụ cho bà con.

Ông An Đình Doan, nông dân trồng nhãn tại ấp Phú Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc cho biết, với 1,6ha trồng nhãn xuồng cơm vàng, sản lượng năm vừa rồi của gia đình đạt khoảng 14 tấn. Thông qua kênh kết nối của HND tới người tiêu dùng, trên 60% sản lượng đã được tiêu thụ dễ dàng. Ông Doan cho biết: “Nếu không có sự liên kết, hỗ trợ này gia đình tôi đành đổ bỏ vì nhãn đã chín rộ rồi”.

Chia sẻ về việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, ông Dương Tấn Linh, Chủ tịch HND huyện Xuyên Mộc cho biết, HND huyện đã phối hợp chặt chẽ với các Chi hội địa phương, hội viên nông dân để kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nhãn cho nông dân qua các trang mạng facebook, zalo; hàng ngày thống kê, tổng hợp sản lượng nhãn của các hội viên. “Chúng tôi ưu tiên kết nối, tiêu thụ sản phẩm của hộ nào đã tới kỳ thu hoạch, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nông dân. Nhờ tích cực, chủ động trong khâu kết nối với các đơn vị trong và ngoài tỉnh, hàng ngàn tấn nhãn của bà con nông dân trên địa bàn huyện đã được tiêu thụ”, ông Dương Tấn Linh nói.

Ngay khi dịch bệnh xảy ra, HND tỉnh đã tham gia ký kết chương trình phối hợp với Sở NN-PTNNT, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên liên kết tiêu thụ nông sản. HND các cấp đã nhanh chóng thành lập, duy trì 56 “Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân”; duy trì 16 điểm tiêu thụ nông sản... Tại huyện Châu Đức, với tinh thần “chia sẻ yêu thương cùng vượt qua đại dịch”, các cấp HND trong huyện đã phối hợp giới thiệu đầu mối thu mua, hỗ trợ thu hoạch, chuyên chở và bán nông sản cho nông dân. Trong đó, hàng chục tấn cá nước ngọt tại xã Suối Rao được HND địa phương kết nối với các DN, điểm bán thực phẩm tiêu thụ. Đồng thời, HND cũng giữ vai trò cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ cho bà con tại địa phương trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. 

Tại TP.Bà Rịa, TX.Phú Mỹ, HND cấp cơ sở cũng đã đứng ra kết nối, tiêu thụ được hàng trăm tấn rau xanh các loại cho hội viên nông dân. Ông Nguyễn Phương Duy, Chủ tịch HND xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa cho biết, đơn vị  đã phối hợp cùng UBND, UBMTTQ Việt Nam xã, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên… chung tay hỗ trợ, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, DN trong tỉnh hỗ trợ tiêu thụ rau giúp bà con. Ngoài ra, HND cũng đã kết nối, liên kết với một số đơn vị như Công ty TNHH Âu Cơ, DN địa phương và các hội thiện tâm… Nhờ đó, toàn bộ sản lượng rau tại địa phương sản xuất ra đều được tiêu thụ kịp thời, không bị tồn đọng.

Gian hàng tiêu thụ nông sản của HND xã Suối Rao, huyện Châu Đức trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 vừa qua.
Gian hàng tiêu thụ nông sản của HND xã Suối Rao, huyện Châu Đức trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 vừa qua.

Giúp nông dân tiếp cận công nghệ số

Tháng 8/2021, HND tỉnh đã phối hợp với Sở TT&TT, Sở NN-PTNT, Bưu điện tỉnh và Bưu chính Viettel Vũng Tàu ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (Voso và Postmart). Ông Trần Văn Mảng, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới đa số nông dân, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Để thích ứng với tình hình mới, HND tỉnh đã phối hợp các Sở, ngành nhằm tìm ra phương pháp tháo gỡ khó khăn. Theo đó, ngoài chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ cao, KHKT vào sản xuất nông sản hàng hóa sạch, an toàn, chất lượng, việc số hóa sản phẩm nông nghiệp là điều cần thiết nhằm phát triển bền vững, lâu dài trong tình hình mới. Để thực hiện tốt việc chuyển đổi, Ban Thường vụ HND tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, từng bước nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên nông dân ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Đến nay, đã kết nối được 3.380 hộ có sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch điện tử; tiêu thụ 210 tấn các sản phẩm nông nghiệp qua sàn thương mại điện tử.

“Dịch bệnh đã gây ra nhiều thách thức cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản cho người nông dân, nhưng đây cũng là cơ hội để người nông dân nhận thấy tầm quan trọng của việc liên kết, hợp tác trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tích cực đổi mới công tác vận động, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng, năng lực kinh doanh nông nghiệp cho nông dân. Từng bước hình thành những nông dân chuyên nghiệp, làm chủ quá trình sản xuất nông nghiệp”, ông Mảng thông tin thêm.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

;
.