Thay đổi quy hoạch sử dụng đất để phù hợp với địa phương

Thứ Sáu, 29/07/2022, 20:32 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều người dân khi soi quy hoạch mới vỡ lẽ, đất của mình từ quy hoạch đất ở bỗng chuyển sang đất trồng cây hàng năm.  Lãnh đạo Sở TN&MT khẳng định, việc thay đổi quy hoạch sử dụng đất không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người dân, mà chỉ nhằm mục đích đáp ứng sự phát triển kinh tế của địa phương. 

Việc thay đổi quy hoạch sử dụng đất trong kỳ quy hoạch này không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người dân địa phương.  Trong ảnh: Cán bộ địa chính huyện Châu Đức xử lý hồ sơ đất đai cho người dân
Việc thay đổi quy hoạch sử dụng đất trong kỳ quy hoạch này không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người dân địa phương. Trong ảnh: Cán bộ địa chính huyện Châu Đức xử lý hồ sơ đất đai cho người dân

Người dân bất ngờ 

Tháng 3/2022, anh Lê Thanh Tứ (TP. Hồ Chí Minh) mua thửa đất số 585, tờ bản đồ số 11 tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ với diện tích 1.000 m2. Trước khi mua, anh có kiểm tra quy hoạch sử dụng đất cho thấy khu đất này phủ hồng toàn bộ (quy hoạch đất ở nông thôn), trên bìa đất xác nhận đã có 100m2 đất thổ cư. Vì vậy, anh yên tâm xuống tiền 2,4 tỷ đồng để sở hữu lô đất đó. Nhưng bất ngờ thay, 3 tháng sau, gia đình có việc cần tiền anh rao bán lô đất trên, nhiều khách hỏi nhưng không ai mua. “Bí quá, tôi cầm sổ đỏ để vay ngân hàng. Khi ngân hàng kiểm tra quy hoạch đất để định giá cho vay thì tôi mới tá hỏa là đất của mình đã chuyển từ màu đỏ (đất ở nông thôn) sang màu vàng (quy hoạch đất trồng cây hàng năm)”, anh Tứ nói.

Tương tự như vậy, tháng 1/2022, chị Nguyễn Thị Liên (xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) mua một lô đất tại xã Phước Long Thọ (huyện Đất Đỏ), tại tờ bản đồ số 18, thửa 1273 trong đó có 100m2 đất ở nông thôn và 74,2m2 đất trồng cây lâu năm nhưng đã quy hoạch đất ở toàn bộ. Tháng 6/2022, chị Liên có ý định xây nhà nhưng soi lại quy hoạch thì đất này đã chuyển sang đất trồng cây lâu năm.

Theo khảo sát của phóng viên, nhiều người dân tại BR-VT có đất quy hoạch đất ở nông thôn nên đã chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư và đã xây nhà. Tuy nhiên, quy hoạch giai đoạn mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lại chuyển sang đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người dân nhưng ảnh hưởng đến giá trị đất đai do: không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được tách thửa và làm giảm giá trị đất… 

Ông Lê Minh Kha, Trưởng phòng TN-MT huyện Đất Đỏ cho hay, “Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 huyện Đất Đỏ” được UBND tỉnh phê duyệt ngày 1/4/2022. Theo đó, tổng diện tích đất tự nhiên của huyện được quy hoạch là 18.974,31 ha, trong đó đất nông nghiệp là 14.199,64 ha, chiếm 74,41%; đất phi nông nghiệp là 4.782,06ha, chiếm 25,2%; chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp 1.226,53ha; còn lại các loại đất khác. “Chủ trương mới của huyện là điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất ở dọc theo các tuyến đường giao thông, bảo đảm hạ tầng, thuận tiện sinh hoạt sản xuất. Tuy nhiên, trong việc quy hoạch này có một số thửa đất bị chuyển đổi từ quy hoạch đất ở nông thôn thành đất nông nghiệp. Đối với những thửa đất thay đổi quy hoạch nhưng trước đó người dân đã chuyển sang thổ cư thì người dân vẫn được phép xây nhà ở bình thường trên phần đất đã có thổ cư”, ông Kha khẳng định.

Trong khi đó, tại huyện Châu Đức, địa phương có hơn 82% diện tích đất nông nghiệp cũng đang được điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Ông Lê Văn Dũng, Trưởng phòng TN-MT huyện Châu Đức cho biết, đặc thù Châu Đức là huyện nông nghiệp nên chủ yếu người dân sử dụng đất ở kết hợp sản xuất nông nghiệp. Do đó, thường một thửa đất lớn 2-3 ha thì chỉ có khoảng 1% là đất ở nông thôn. “Nếu như những thửa đất này đưa vào quy hoạch sử dụng đất ở 100% thì không phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất đối với đất ở của huyện. Do đó, trong kỳ quy hoạch này, đối với những thửa đất có nhà ở riêng lẻ nằm xen kẽ trong các khu vực sản xuất nông nghiệp thì huyện không đưa vào quy hoạch đất ở nữa. Theo đó, quy hoạch mới chỉ tôn trọng hiện trạng, nghĩa là diện tích đất ở đã được nhà nước công nhận thì vẫn được thống kê đưa vào chỉ tiêu đất ở trong kỳ quy hoạch 2021-2030. Còn lại sẽ quy hoạch thành đất nông nghiệp”, ông Dũng cho biết.

Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt “Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050” cho 8 đơn vị huyện, thị, thành phố. Hiện UBND tỉnh đang lập “Quy hoạch tỉnh BR-VT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022. Sở TN-MT đề nghị sau khi “Quy hoạch tỉnh BR-VT” được phê duyệt, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, khảo sát các khu vực có kiến nghị, phản ánh của người dân để xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với hiện trạng, định hướng phát triển, kết nối hạ tầng khu vực… thống nhất quy hoạch đất và quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới.

Thay đổi để phù hợp với định hướng phát triển 

Trả lời về việc vì sao có sự thay đổi trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Lê Anh Tú, Phó Giám đốc Sở TN-MT khẳng định, đầu tiên việc thay đổi quy hoạch sử dụng đất là đúng theo quy định tại Điều 13 Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, quy hoạch sử dụng đất là do nhà nước quyết định. Luật Quy hoạch và Luật Đất đai hiện nay quy định hệ thống quy hoạch sử dụng đất chỉ còn quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, không còn quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện do UBND huyện lập, thông qua HĐND cùng cấp trước khi trình cho UBND tỉnh phê duyệt. Trước khi trình thông qua HĐND cùng cấp, UBND tỉnh phê duyệt, UBND cấp huyện phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện theo quy định.

Việc thay đổi quy hoạch sử dụng đất sẽ dẫn đến thực trạng một số khu vực trước đây thuộc quy hoạch đất ở nông thôn, sau khi công bố quy hoạch mới lại chuyển sang quy hoạch đất nông nghiệp. Ông Lê Anh Tú cho rằng, việc thay đổi này là do định hướng phát triển của địa phương thay đổi. Có thể, giai đoạn trước khu vực đó được quy hoạch là khu dân cư hoặc đất ở, giai đoạn này định hướng thay đổi không bố trí quy hoạch dàn trải, mở rộng mà tập trung theo các tuyến đường giao thông để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kết nối… “Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các lĩnh vực và bảo đảm định hướng phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh và phù hợp với chỉ tiêu phân bố đất của các địa phương, các cấp, bắt kịp xu thế phát triển của các vùng lân cận và khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai.

Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong từng giai đoạn có ý nghĩa quan trọng trong định hướng phát triển của địa phương, đặc biệt trong việc xác định lại quy hoạch sử dụng đất để thu hút các dự án đầu tư. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất… và giám sát, thanh tra, đưa công tác quản lý đất đai ở địa phương vào nề nếp.  

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.