NGHỊ QUYẾT SỐ 21/2020/NQ-HĐND

Phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp

Thứ Tư, 03/08/2022, 19:53 [GMT+7]
In bài này
.

Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND (NQ21) về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có hiệu lực từ tháng 12/2020 đã góp phần đáp ứng nhu cầu liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại giá trị gia tăng cao, giúp nông dân có thu nhập ổn định.

HTX Bưởi da xanh Sông Xoài, TX. Phú Mỹ đang hướng tới hình thành vùng nguyên liệu sản xuất.
HTX Bưởi da xanh Sông Xoài, TX. Phú Mỹ đang hướng tới hình thành vùng nguyên liệu sản xuất.

Hình thành vùng sản xuất theo chuỗi

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền) có diện tích canh tác hơn 200ha với sản lượng lúa trung bình hàng năm khoảng 3.960 tấn. Đây được xem là cánh chim đầu đàn của kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh và là một trong những đơn vị đầu tiên hình thành liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay HTX cũng mới có gần 40ha lúa liên kết sản xuất với DN.

Ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX cho biết, mặc dù được đánh giá là một trong những đơn vị làm ăn có hiệu quả, song đầu ra của sản phẩm vẫn phụ thuộc vào thương lái và sự biến động của thị trường. Do đó, sản phẩm vẫn thiếu tính ổn định, bền vững. Điển hình như trong đại dịch COVID-19 năm 2021, đầu ra khó khăn khiến giá lúa bị ảnh hưởng lớn. Do đó, việc triển khai NQ21 có ý nghĩa quan trọng. Đây là cơ sở để từng bước đưa sản phẩm của nông dân ra thị trường theo chuỗi liên kết sản xuất.

Theo ông Thành, quy mô sản xuất của đa số HTX còn manh mún, nhỏ lẻ, việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Bên canh đó, các HTX vẫn thiếu nguồn lực để hoạt động, khả năng huy động vốn hạn chế, việc tiếp cận vốn tín dụng còn ít. “Nếu người dân, HTX còn sản xuất tự phát, không liên kết trong sản xuất kinh doanh thì thường rơi vào cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Việc người dân cùng nhau liên kết để tham gia HTX và HTX liên kết với DN để hình thành chuỗi giá trị sẽ hạn chế được những yếu kém hiện nay”, ông Thành nhấn mạnh.

HTX Bưởi da xanh Sông Xoài là một trong những đơn vị được UBND TX. Phú Mỹ lựa chọn để triển khai chuỗi liên kết cung ứng vật tư - dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm cho bưởi da xanh theo NQ21. Ông Hồ Hoàng Kha, Phó Giám đốc HTX cho biết, đã tập hợp được 30 hộ với 38ha để tiên phong phát triển dự án. Các hộ này đã nắm được kiến thức về kinh tế tập thể cũng như chuỗi liên kết sản phẩm. Qua các đợt tập huấn, hướng dẫn, các hộ cùng nhau chia sẻ về kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật và định hướng phát triển bưởi hữu cơ.

Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại HTX An Nhứt, huyện Long Điền.
Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại HTX An Nhứt, huyện Long Điền.

Về lâu dài, HTX sẽ mở rộng quy mô lên 200ha và hướng tới tạo thành vùng nguyên liệu bưởi da xanh của toàn TX. Phú Mỹ. HTX đã và đang hỗ trợ tuyệt đối cho bà con nông dân. Trong đó, đơn vị tập trung tuyên truyền, hướng dẫn những quy định, tiêu chuẩn và cách thức sử dụng nguồn vốn, kỹ thuật sản xuất để việc liên kết sản phẩm mang lại hiệu quả tốt nhất.

“Việc hình thành chuỗi liên kết cũng sẽ giúp mở rộng kênh bán hàng, từ đó tạo thành vùng nguyên liệu lớn làm tiền đề để tìm kiếm nhiều đối tượng khách hàng, mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu. Bên cạnh đó, sẽ tạo điều kiện để nông dân cùng nhau chia sẻ kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao trình độ sản xuất. Đặc biệt là phát triển khâu sau thu hoạch để tận dụng tối đa sản phẩm của địa phương, tạo ra nhiều ngành nghề đi kèm, từ đó tạo công ăn việc làm cho người lao động”, ông Kha nói thêm.

Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), tỉnh đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm một số loại cây trồng như hồ tiêu, ca cao, lúa, bắp, chuối, thanh long... Tuy nhiên, tổng diện tích canh tác tham gia liên kết còn thấp (chỉ 1.882ha/105.189ha, chiếm 1,8% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh). Số lượng nông dân tham gia liên kết tỷ lệ chưa cao (trên 1.800 người/305.085 người, chiếm 0,59% số lao động nông thôn), tỷ lệ bao tiêu sản phẩm qua hợp đồng liên kết thấp.

Ngày 3/8, Sở NN-PTNT đã tổ chức hội nghị phổ biến và hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến khích, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2022 theo Nghị quyết 21/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh.
Theo nghị quyết này, các bên tham gia sẽ được nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, nghiên cứu xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường; hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị; xây dựng công trình hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng mô hình liên kết điểm bao gồm: chi phí mua giống, thiết bị, vật tư thiết yếu cho các hợp tác xã, trang trại để xây dựng mô hình liên kết điểm nhưng không quá 1 tỷ đồng/1 mô hình.
Bên cạnh đó, các bên tham gia còn được hỗ trợ 100% kinh phí nhưng không quá 2 tỷ đồng/mô hình, đối với mô hình liên kết điểm tại huyện Côn Đảo và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác, sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã cho các bên tham gia liên kết; hỗ trợ 40% chi phí nhưng không quá 300 triệu đồng/1 dự án liên kết khi áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).
Đối tượng tham gia liên kết và hỗ trợ phát triển liên kết là nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân liên quan.

Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, mối liên kết giữa DN và nông dân còn thiếu bền vững, tình trạng phá vỡ hợp đồng thường xuyên xảy ra. Nông dân không thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng, không bán lại sản phẩm cho DN, mà trữ lại chờ giá cao mới bán, hoặc bán cho DN khác với giá cao hơn. Điều này khiến DN không những mất đi khoản chi phí đầu tư ban đầu cho người dân mà còn bị động trong khâu thu mua, tiêu thụ nông sản, thậm chí mất uy tín với đối tác do đã ký hợp đồng trước đó nhưng không đảm bảo hợp đồng. Bên cạnh đó, DN, HTX vẫn còn lúng túng trong việc lập dự án liên kết, xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất kinh doanh, có những hợp đồng liên kết còn mang tính hình thức.

Sự ra đời của NQ21 sẽ góp phần giải quyết những tồn tại, khó khăn hiện nay và đẩy mạnh thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, NQ21 còn là cơ sở để lập, thẩm định, bố trí ngân sách hỗ trợ thực hiện các dự án liên kết hàng năm. “Chi cục đang phối hợp với các huyện, thị, thành phố tuyên truyền phổ biến về NQ21 cho người dân, DN trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các địa phương đã lập kế hoạch và tổ chức cho chủ thể có điều kiện, nhu cầu tham gia thực hiện theo quy định hiện hành”, ông Đăng thông tin thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.