Nhu cầu tiêu thụ thịt gà còn thấp

Chủ Nhật, 15/01/2023, 22:00 [GMT+7]
In bài này
.

Sức tiêu thụ gia cầm dịp Tết Nguyên đán 2023 chậm hơn nhiều so với mọi năm. Nguyên nhân được cho là nguồn cung tăng mạnh, trong khi sức mua giảm.

Sức tiêu thụ tại trang trại gà của ông Nguyễn Minh Lý (xã Tóc Tiên,  TX. Phú Mỹ) còn chậm.
Sức tiêu thụ tại trang trại gà của ông Nguyễn Minh Lý (xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) còn chậm.

Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Hữu Tuấn (ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng nuôi 11 ngàn con gà giống Minh Dư-Bình Định. Thế nhưng dù đã cận Tết, hơn 90% đàn gà vẫn chưa thể xuất bán bởi giá đang ở mức thấp và sức tiêu thụ chậm hơn nhiều so với mọi năm.

Với mức giá chỉ 50 ngàn đồng/kg gà trống và 60 ngàn đồng/kg gà mái, ông Tuấn ước tính lỗ gần 150 triệu đồng cho vụ nuôi này. “Thời điểm này mọi năm, đàn gà đã được thương lái thu mua hết, nhưng năm nay các trang trại đều ứ đọng, khó tiêu thụ, càng để càng lỗ”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Lý (ấp 1, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) cũng thông tin, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán gia đình ông đã thả nuôi 1.400 con gà giống Minh Dư-Bình Định, giảm gần 1.500 con so với các năm trước. Thời điểm này năm ngoái, gia đình ông đã xuất được hơn 1.000 con gà, thì đến nay chỉ bán được 200 con.

Theo thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT) tổng đàn gia cầm 6,488 triệu con, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Dự kiến nguồn cung ứng gia cầm ra thị trường Tết Quý Mão là 2.500 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ; sản lượng trứng ước đạt 18 triệu quả, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm chăn nuôi và cơ cấu các loại thịt cho thị trường nội tỉnh trong dịp Tết dự kiến: thịt gia cầm 1.600 tấn, trứng gia cầm khoảng 13 triệu quả.

Sau thời gian dịch bệnh ổn định, người chăn nuôi đã mạnh dạn tái đàn, tăng đàn khiến số lượng gia cầm trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, trong khi sức tiêu thụ năm nay khá chậm khiến gia cầm tại các trang trại đang bị ứ đọng, khó tiêu thụ. Kênh tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc đang bị siết chặt để kiểm soát, hạn chế dịch bệnh. 

Ngoài ra, thị trường tiêu thụ còn bị cắt khúc qua nhiều khâu trung gian, thiếu doanh nghiệp mạnh đứng ra làm đầu mối tổ chức các khâu từ sản xuất đến giết mổ, phân phối sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm gia cầm an toàn, người dân vẫn chủ yếu nuôi theo cách truyền thống và phụ thuộc vào thương lái.

Hiện nay, giá thức ăn chiếm khoảng 60-70% giá thành sản xuất, nếu không tiêu thụ được trong thời điểm này, người chăn nuôi nắm chắc thua lỗ. 

Bài, ảnh: PHONG HIẾU

 
;
.