Nghiện mua sắm online

Thứ Sáu, 07/04/2023, 19:43 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ trong một buổi sáng, dù đang ở công ty làm việc nhưng đã có 5 đơn hàng được giao cho chị Thu Huyền, nhà ở chung cư Lakeside, Trung tâm Đô thị Chí Linh, TP. Vũng Tàu thành công. Điều đáng nói là, khi shipper (người giao hàng) gọi, chị Thu Huyền không thể nhớ mình đã đặt mua những mặt hàng nào.

Shipper chờ khách lấy hàng tại chung cư Lakeside A2, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu.
Shipper chờ khách lấy hàng tại chung cư Lakeside A2, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu.

Chốt đơn liên tục

Sau giờ ăn tối, dọn dẹp xong là chị Thu Huyền ôm điện thoại “lướt web”. Đây cũng là thời điểm các trang bán hàng trực tuyến thời trang, mỹ phẩm “live stream” nhiều nhất. Không cưỡng lại được trước mẫu váy mới của hãng Reserved vừa mới ra mắt, chị Thu Huyền nhanh chóng đặt mua và chốt đơn. Lướt sang trang chuyên bán giày dép, chị tiếp tục đặt mua đôi sandal để hợp với váy; tiếp đến là túi, son môi… Những đơn hàng chốt và được ship cod (nhận hàng mới trả tiền).

“Thông thường tôi lấy địa chỉ nhà chung cư để nhận hàng, tránh nhận ở công ty vì ảnh hưởng đến công việc. Ở sảnh chung cư có một cái kệ để hàng, shipper chỉ việc ghi tên, số điện thoại người nhận và để lại đó. Tôi chỉ cần chuyển khoản cho shipper. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tôi không kiểm tra được hàng mình mua có đạt yêu cầu chất lượng, mẫu mã hay không và hệ quả là nhiều đồ mua nhưng không sử dụng được”, chị Thu Huyền cho hay.

Trong những giờ nghỉ giải lao, câu chuyện mà chị em công sở thường nói với nhau nhiều nhất là tình trạng “nghiện” mua sắm online thiếu kiểm soát. Chị Thu Huyền đã khiến cả phòng “cười chảy nước mắt” khi hỏi shipper “em giao gì đó” và băn khoăn không biết đơn hàng mình đặt từ khi nào!

Chị Kiều Trang, nhân viên một ngân hàng thương mại tại TP. Vũng Tàu cho hay, không chỉ thời trang, thời gian gần đây chị lại mê sắm đồ bếp, từ nồi, chén, bát, dĩa đến các loại máy như xay sinh tố, máy làm sữa hạt, máy ép trái cây... Thậm chí, nhà chị có đến 2 nồi chiên không dầu, 2 máy xay sinh tố dù rất ít khi sử dụng. “Nhưng cứ vào các trang bán hàng đồ nhà bếp là y như tôi bị mê hoặc, nhất là chén bát gốm sứ Nhật dù tủ bếp không còn chỗ chứa”, chị Kiều Trang cho hay.

Khó kiểm soát chi tiêu

Theo khảo sát, trường hợp như chị Thu Huyền và Kiều Trang không phải là hiếm. Đặc biệt là trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển, các cửa hàng tận dụng tối đa tiện ích công nghệ để live stream bán hàng cộng mới xu hướng mua sắm online ngày càng gia tăng thì tình trạng đặt hàng thiếu kiểm soát tăng cao. Thông tin từ Báo cáo nghiên cứu về thương mại điện tử xuyên biên giới, do Ninja Van Group và DPDgroup thực hiện tại 6 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2022 cho thấy, người tiêu dùng Việt mua trung bình 104 đơn hàng mỗi năm, cao hơn hẳn so với người dân các nước xếp tiếp sau là Thái Lan (75 đơn), Singapore và Philippines (cùng 58 đơn). Trong khi đó, trung bình khu vực là 66 đơn mỗi năm. Trong khi đó, khảo sát của một sàn thương mại điện tử thì có đến 81% người Việt được hỏi cho biết mua sắm online đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ. Người tiêu dùng dành nhiều công sức và thời gian tìm kiếm các ưu đãi kèm theo tốt nhất để tiết kiệm chi tiêu. Các từ khóa như túi xách nữ, dép nữ, sản phẩm dưỡng da, kem chống nắng, son môi... đứng hàng đầu về lượt tìm kiếm.

Tuy nhiên, việc chi tiêu không có kế hoạch đã khiến cho không ít chị em vướng rắc rối trong tài chính. “Đây mới là vấn đề. Do đặt hàng nhiều, lại ship cod nên tôi gần như không kiểm soát được tài chính. Nhiều hôm có 5-6 đơn hàng về cùng lúc đã khiến thẻ ngân hàng của tôi cạn sạch, hoặc tiêu lố vào tiền học của con. Tôi đã buộc phải học cách hạn chế mua sắm dù chưa mấy hiệu quả”, chị Thu Huyền cho hay.

Trong khi đó, đầu năm nay công việc của chồng gặp khó khăn, thu nhập giảm sút, chị Kiều Trang đã khá lúng túng khi phải cáng đáng các khoản chi tiêu của gia đình. Lúc này, chị mới nhận ra tình trạng “vung tay” mua sắm không cần thiết đã ảnh hưởng không nhỏ đến tài chính của gia đình. “Tôi đã bỏ theo dõi các trang bán hàng, buổi tối thay vì lướt các trang mạng thì đi bộ, hoặc xem phim”, chị Kiều Trang chia sẻ.

Theo các chuyên gia tài chính, người tiêu dùng nên cân nhắc, dành thời gian suy nghĩ trước khi quyết định đặt mua sản phẩm và chỉ nên mua khi thật sự cần. Đồng thời cần lập kế hoạch chi tiêu với khoản tiền thu nhập mỗi tháng, ưu tiên cho những việc quan trọng hơn trước. Hạn chế hoặc bỏ theo dõi các trang bán hàng, không xem live stream… cũng là các “mẹo nhỏ” giúp chị em công sở “cai nghiện” mua sắm khá hiệu quả!

Bài, ảnh: LAM GIANG

;
.