Phát triển tương xứng với vai trò cảng đặc biệt quốc gia

Thứ Năm, 28/03/2024, 18:48 [GMT+7]
In bài này
.

Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia. Trong đó, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) giữ vai trò then chốt, cửa ngõ trung chuyển quốc tế lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế, tương xứng với vai trò, chức năng cảng đặc biệt quốc gia.

 Hệ thống cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trên trục cửa ngõ kết nối hàng hải quan trọng của Việt Nam ra thế giới với mớn nước sâu có thể tiếp cận tàu container trên 20 ngàn TEU. Trong ảnh: Siêu tàu HMM LE HAVRE với chiều dài 400m, sức chở 24 ngàn TEU cập cảng Gemalink.
Hệ thống cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trên trục cửa ngõ kết nối hàng hải quan trọng của Việt Nam ra thế giới với mớn nước sâu có thể tiếp cận tàu container trên 20 ngàn TEU. Trong ảnh: Siêu tàu HMM LE HAVRE với chiều dài 400m, sức chở 24 ngàn TEU cập cảng Gemalink.

Quy hoạch cảng bài bản, đồng bộ

Trong phương hướng phát triển sẽ khai thác vai trò hệ thống cảng đặc biệt quốc gia, cảng cửa ngõ quốc tế CM-TV gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu và hành lang kinh tế xuyên Á, là cửa ngõ ra biển chủ yếu của khu vực Đông Nam Bộ.

Bên cạnh phát triển hệ thống cảng biển, địa phương cũng phát triển hệ thống cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của hệ thống cảng biển với các cụm cảng cạn trong hành lang vận tải TP.Hồ Chí Minh - Vũng Tàu, gồm cụm cảng cạn Mỹ Xuân, Phú Mỹ - Phước Hòa, cảng cạn Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ III) và cảng cạn Phước Hòa.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cảng cạn của Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trên hành lang vận tải TP.Hồ Chí Minh - Vũng Tàu với năng lực thông qua hàng hóa đến năm 2030 khoảng từ 530 -750 ngàn TEU/năm. Ngoài ra, cụm cảng Phú Mỹ - Phước Hòa, cảng cạn Phú Mỹ và cảng cạn Phước Hòa đều nằm trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư.

Trong đó, cảng cạn Phú Mỹ kết nối với đường KCN, đường liên cảng CM-TV, được quy hoạch với diện tích 30 - 40ha tới năm 2030 và năng lực lực thông qua hàng hóa đạt 300 - 400 ngàn TEU. Tổng mức đầu tư dự kiến cho cảng cạn này khoảng 1.050-1.400 tỷ đồng.

Cảng cạn Phước Hòa có phương thức kết nối đa dạng với đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đường thủy nối với kênh Rạch Ông và luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải. Ngoài ra, cảng cạn cũng kết nối với ga cuối đường sắt khu vực Cái Mép (theo quy hoạch). Tới năm 2030, cảng cạn có tổng diện tích từ 15-20ha và năng lực thông qua hàng hóa đạt 150-200 ngàn TEU/năm.

Bên cạnh phát triển hệ thống cảng biển, địa phương cũng phát triển hệ thống cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng cạn Phú Mỹ.
Bên cạnh phát triển hệ thống cảng biển, địa phương cũng phát triển hệ thống cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng cạn Phú Mỹ.

Để CM-TV trở thành cảng trung chuyển quốc tế

Theo ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cụm cảng CM-TV hiện chiếm hơn 16% tổng lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng biển toàn quốc và 35% lượng hàng container cả nước, 50% lượng hàng container khu vực phía Nam, chỉ đứng sau cảng Cát Lái của TP. Hồ Chí Minh. CM-TV cũng là 1 trong 23 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 250 ngàn  tấn, thuộc nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới. Hàng năm đóng góp cho ngân sách Trung ương hơn 20 ngàn tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu. Điều đó cho thấy tiềm năng cụm cảng CM-TV đủ sức để trở thành cảng trung chuyển quốc tế, thu hút các hãng tàu lớn và cạnh tranh với các cảng nước sâu khác trong khu vực và thế giới.

Thế mạnh then chốt của cảng biển khu vực CM-TV thuộc nhóm cảng biển số 4. Hiện trên thế giới có 3 liên minh hãng tàu lớn đang hoạt động là 2M, Ocean Alliance và The Alliance thì CM-TV hiện là một trong những cảng lớn mà cả 3 liên minh trên đều có tuyến dịch vụ. Từ đầu năm 2021 đến nay, những tuyến dịch vụ có hành trình dài ngày đặc biệt là tuyến Á-Âu đều do những siêu tàu vận chuyển. Nhờ vào khả năng tiếp nhận tàu cỡ lớn mà các cảng ở CM-TV có thể tiếp nhận được những tàu có sức chở từ 14.000 TEU, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến các cảng châu Âu chỉ còn từ 23 đến 31 ngày.

Thời gian quay vòng cảng thấp nhất trong ASEAN, lại đa dạng tuyến, rút ngắn thời gian trực tiếp từ cảng khu vực CM-TV đi thẳng qua châu Â, vì vậy, cảng có khả năng kết nối với các khu vực cảng lân cận bằng đường thủy và đường bộ rất thuận tiện. Hơn thế nữa, hệ thống cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trên trục cửa ngõ kết nối hàng hải quan trọng của Việt Nam ra thế giới với mớn nước sâu có thể tiếp cận tàu container trên 20 ngàn TEU, hệ thống cảng CM-TV đảm nhận 70-80% sản lượng hàng hóa xuất khẩu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hệ thống cảng CM-TV đảm nhận 70-80% sản lượng hàng hóa xuất khẩu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong ảnh: Xếp dỡ container tại Cảng TCIT.
Hệ thống cảng CM-TV đảm nhận 70-80% sản lượng hàng hóa xuất khẩu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong ảnh: Xếp dỡ container tại Cảng TCIT.

Sở hữu những lợi thế trên, song theo đánh giá từ các chuyên gia cảng biển, một trong những “điểm nghẽn” của CM-TV để trở thành cảng trung chuyển quốc tế có tầm cỡ khu vực và thế giới đó là, hệ thống cụm cảng CM-TV đang bị chia cắt. Cầu cảng chưa gắn kết, hàng hóa từ tàu nhỏ chuyển sang tàu lớn không có sự liên thông, chưa thật sự là cảng trung chuyển. Bên cạnh đó, cảng còn thiếu tổ chức kiểm tra chuyên ngành tại chỗ; chưa có một hệ sinh thái logistics và một hệ thống giao thông kết nối liên vùng đa phương thức; chi phí logistics cao, thời gian thông quan kéo dài.

Do đó, để CM-TV thật sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế mang tầm cỡ khu vực và thế giới, trước mắt cần phải giải quyết được các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông kết nối cảng; quan tâm phát triển hạ tầng logistics sau cảng như trung tâm phân phối, nơi tập kết cho xe tải, công rỗng, cảng cạn; nâng cấp, nạo vét các tuyến luồng để thuận tiện cho các tàu lớn cập cảng; các dịch vụ cảng biển như hải quan, kiểm dịch,  cần được đồng bộ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đang tập trung nguồn lực giải quyết các điểm nghẽn, tận dụng các thế mạnh nhằm đạt mục tiêu đưa CM-TV trở thành cảng trung chuyển quốc tế, mang tầm cỡ thế giới trong tương lai gần nhất. Đó là, đã và đang xây dựng quy hoạch mạng lưới giao thông đồng bộ, liên hoàn với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh tạo thành một mạng lưới thông suốt, hiệu quả với đủ các loại hình vận tải gồm đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và cả đường sắt. Đồng thời tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An kết nối đường liên cảng CM-TV, đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh và nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

;
.