Thúc đẩy chuyển đổi xanh trong vận tải thủy
Dự án sà lan điện CMA CGM mở đầu xu hướng vận tải thủy không phát thải tại Việt Nam. Bà Rịa-Vũng Tàu, với lợi thế cảng biển và sông ngòi, có cơ hội dẫn dắt chuyển đổi xanh trong logistics nội địa.
![]() |
Dự án sà lan điện CMA CGM mở đầu xu hướng vận tải thủy không phát thải tại Việt Nam. |
Bước khởi đầu cho vận tải thủy xanh
Tuyến vận tải container bằng sà lan điện đầu tiên của Việt Nam do Tập đoàn CMA CGM triển khai đã chính thức đi vào vận hành. Tuyến này nối từ các KCN Bình Dương đến cảng Gemalink sử dụng sà lan điện hoàn toàn do hãng tự phát triển.
Mỗi chuyến đi, sà lan có thể chở 180 TEU hàng hóa, hoạt động khứ hồi trên tuyến dài 180km. Với tần suất khai thác ổn định, tuyến vận tải này dự kiến giảm phát thải khoảng 778 tấn CO2 mỗi năm. Đặc biệt, sà lan có thể sạc tại trạm điện mặt trời đang được lắp đặt ngay tại Gemalink.
Ông Xavier Leroi, Giám đốc CMA CGM tại Việt Nam, nhận định, chúng tôi lựa chọn cảng Gemalink vì đây là một trong những cảng nước sâu hiện đại và năng động nhất Đông Nam Á. Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế tự nhiên và chiến lược để trở thành điểm khởi phát cho mạng lưới vận tải thủy xanh.
Dự án cũng đánh dấu sự hợp tác giữa CMA CGM và tập đoàn Nike, một trong những “ông lớn” yêu cầu khắt khe về chuỗi cung ứng không phát thải. Theo ông Leroi, mô hình này sẽ tiếp tục được mở rộng, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Bộ, nơi kết nối sản xuất-xuất khẩu qua hệ thống cảng.
Việc CMA CGM chọn Bà Rịa-Vũng Tàu để khai mở tuyến sà lan điện là một tín hiệu tích cực, không chỉ với môi trường mà còn với sự dịch chuyển chiến lược logistics của Việt Nam. Khi chi phí xanh dần trở thành yếu tố cạnh tranh toàn cầu, Bà Rịa-Vũng Tàu đang sở hữu “lá bài chiến lược” để vươn lên.
Nếu được đầu tư đồng bộ về chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực, trong 5-10 năm tới, Bà Rịa-Vũng Tàu có thể trở thành hình mẫu vận tải thủy không phát thải đầu tiên của cả nước.
![]() |
Với hệ thống cảng nước sâu lớn nhất nước, Bà Rịa-Vũng Tàu đang là địa phương có điều kiện lý tưởng để phát triển vận tải thủy xanh. |
Hạ tầng “vàng” cho vận tải xanh
Với hơn 300km sông rạch có thể khai thác giao thông, cùng hệ thống cảng biển nước sâu thuộc loại lớn nhất cả nước, Bà Rịa-Vũng Tàu đang là địa phương có điều kiện lý tưởng để phát triển vận tải thủy xanh.
PGS.TS Nguyễn Xuân Khang, chuyên gia logistics thuộc Đại học GT-VT TP.Hồ Chí Minh phân tích: Bà Rịa-Vũng Tàu có đầy đủ điều kiện “3T” để phát triển vận tải thủy không phát thải: Tiếp cận cảng biển quốc tế, tiềm năng năng lượng tái tạo, và tầm nhìn trong quy hoạch hạ tầng giao thông đa phương thức.
“Nếu được đầu tư bài bản, Bà Rịa-Vũng Tàu có thể trở thành trung tâm trung chuyển bằng phương tiện xanh, giúp giảm áp lực đường bộ, đặc biệt trong bối cảnh cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và các tuyến ven biển đang gần hoàn thành và đưa vào sử dụng”, PGS.TS Nguyễn Xuân Khang khẳng định.
Cùng đó, hiện tỉnh cũng đang nghiên cứu phương án phát triển tuyến thủy nội địa chuyên dùng cho container kết nối các KCN tại Phú Mỹ-Tóc Tiên-Mỹ Xuân với cảng Gemalink, TCIT và CMIT, nhằm tối ưu chi phí logistics và phát triển bền vững.
Cần tầm nhìn dài hạn và liên kết vùng
Dù giàu tiềm năng, vận tải thủy xanh vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam, đặc biệt là về hạ tầng và khung pháp lý. Thiếu trạm sạc, thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật cho phương tiện điện là rào cản chính. Hiện, chi phí đầu tư một sà lan điện cao gấp 2-3 lần so với sà lan chạy dầu, khiến DN còn dè dặt. Nếu có chính sách ưu đãi như vay vốn xanh, miễn giảm phí cầu cảng hoặc hoàn thuế đầu tư hạ tầng sạc, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn hơn trong chuyển đổi.
Ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng Giám đốc cảng Gemalinkchia sẻ, DN đang đầu tư hệ thống điện mặt trời để cung cấp nguồn năng lượng sạch cho đội sà lan điện. Nhưng nếu không có khung chính sách rõ ràng và các chương trình thí điểm từ Bộ Xây dựng, rất khó để nhân rộng.
Để phát triển vận tải thủy xanh, tỉnh cần có chiến lược tích hợp vào quy hoạch phát triển giao thông giai đoạn 2025-2035. Trong đó, nên xác định các tuyến vận tải điện ưu tiên, bố trí quỹ đất làm trạm sạc dọc sông Thị Vải, sông Dinh.
Bên cạnh đó, liên kết vùng với TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương cần được đẩy mạnh, nhằm phát huy hiệu quả luồng xanh logistics kết nối sản xuất và xuất khẩu bằng tuyến vận tải sạch, tiết kiệm.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Bà Rịa-Vũng Tàu đang đứng trước cơ hội rất lớn để đi trước, đón đầu xu thế vận tải xanh. Nếu có bước đi chiến lược, tỉnh hoàn toàn có thể trở thành trung tâm hậu cần xanh của miền Nam, cạnh tranh với cảng biển khu vực.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN