Cảnh giác trò kêu gọi từ thiện để lừa đảo

Thứ Tư, 22/05/2024, 16:56 [GMT+7]
In bài này
.

Lợi dụng lòng tin của mọi người, các đối tượng đã mạo danh tài khoản của những người kêu gọi từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nhà hảo tâm. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác đối với thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện trên mạng xã hội.

Đối tượng N.Q.C. giả danh đội thiện nguyện có thể giải cứu người bị lừa qua nước ngoài để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng N.Q.C. giả danh đội thiện nguyện có thể giải cứu người bị lừa qua nước ngoài để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lấy hình ảnh người khác để kêu gọi từ thiện

Tháng 3 vừa qua, chị T.T.H. (xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ) phát hiện câu chuyện về vụ tai nạn của mình xảy ra vào tháng 5/2020, đã bị một tài khoản Facebook đăng lên mạng để kêu gọi từ thiện. Chị H. cho biết, cách đây 4 năm, khi còn là HS lớp 10, Trường THPT Trần Hưng Đạo, xã Tân Hải (TX.Phú Mỹ), trên đường đi học về, chị bị tai nạn giao thông. Sau vụ tai nạn, chị phải phẫu thuật cắt chân trái, bị thương tật 87%.

Do hoàn cảnh khó khăn, để có tiền phẫu thuật, gia đình chị H. đã kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội. Nhờ đó, chị H. đã có đủ tiền để phẫu thuật và lắp chân giả. Thế nhưng, 4 năm sau, chị H. phát hiện trang Facebook có tên “Phật Tại Tâm-Ni Sư Phúc Lành” đăng lại hình ảnh và câu chuyện về vụ tai nạn của chị, với mục đích kêu gọi từ thiện, có dấu hiệu lừa đảo.

Bài viết đưa thêm những chi tiết không đúng sự thật kèm theo đó là số điện thoại, số tài khoản ngân hàng cá nhân với tên người tiếp nhận tài trợ là Nguyễn Tiến Dũng (bị mạo danh là cha của người bị nạn). Sau khi phát hiện, chị H. và một số người thân đã vào trang Facebook trên để lại bình luận và xác nhận việc kêu gọi trên là giả mạo, đồng thời, trình báo cơ quan công an.

Mới đây, ngày 10/4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Đức đã lập hồ sơ xử lý N.Q.C. (SN 1994, trú TP.Hồ Chí Minh) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng C. lên mạng Facebook giả danh đội thiện nguyện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà N.T.L. (trú huyện Châu Đức) số tiền 160 triệu đồng. Sau khi biết bị lừa, nạn nhân đã đến công an trình báo.

Có thể bị xử lý hình sự

Công an tỉnh cho biết, hiện nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng phức tạp, khó lường với thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi. Trong đó, lừa đảo kêu gọi từ thiện là một hình thức rất đáng lên án khi lợi dụng lòng tốt của những nhà hảo tâm để thu lợi, gây mất niềm tin của người dân đối với các hoạt động thiện nguyện thật.

Các đối tượng thường đăng bài về các cá nhân khác nhau, có hoàn cảnh thương tâm, khó khăn, hoạn nạn, bệnh tật... để kêu gọi giúp đỡ, nhưng số tài khoản và tên chủ tài khoản ngân hàng nhận tiền ủng hộ của nhà hảo tâm thì cùng một người.

Một phương thức khác là đối tượng đăng tải, chia sẻ bài viết cùng nội dung về một hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, bệnh tật... nhưng tên người thân (chủ tài khoản ngân hàng) đứng ra nhận tiền ủng hộ lại khác nhau. Với thủ đoạn này, không ít người bị đối tượng lừa đảo lợi dụng lòng hảo tâm để trục lợi.

Do đó, để lòng tốt được trao gửi đúng chỗ, những người có tấm lòng thiện nguyện nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.

Luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Cảnh cho biết, khoản 1, Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình như sau: Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Do đó, khi sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác với mục đích giúp đỡ thì người sử dụng những thông tin, hình ảnh cá nhân đó phải được sự đồng ý của người được giúp đỡ.

Ngoài ra, hành vi sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác để kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội với mục đích lừa đảo còn bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội danh này có khung hình phạt từ 3 năm đến tù chung thân, nhưng nếu lợi dụng kêu gọi từ thiện để phạm tội sẽ tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN

;
.