Nan giải nhân lực cứu nạn hàng hải

Chủ Nhật, 19/05/2024, 18:02 [GMT+7]
In bài này
.

Ngành cứu nạn hàng hải hiện đối mặt với thách thức lớn trong việc tuyển dụng nhân lực cho công tác cứu nạn hàng hải.

Các thuyền viên cứu nạn hàng hải của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải khu vực III cứu nạn và đưa về bờ một thuyền viên bị nạn trên biển.
Các thuyền viên cứu nạn hàng hải của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải khu vực III cứu nạn và đưa về bờ một thuyền viên bị nạn trên biển.

Theo lãnh đạo Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Việt Nam (VMRCC), dù dự kiến đón nhận tàu cứu nạn mới vào quý III/2024, việc tuyển dụng thuyền viên cho các tàu này đang gặp nhiều khó khăn.

VMRCC đã thông báo tuyển dụng 15 thuyền viên nhưng mới chỉ tuyển được 7 người. Số lượng hồ sơ ứng tuyển không nhiều và việc tìm kiếm sĩ quan cho tàu cứu nạn đặc biệt khó khăn. Điều này không khó hiểu vì công tác cứu nạn hàng hải là một nghề khắc nghiệt và nguy hiểm.

Một đại diện từ Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải khu vực III, cho biết: “Trong khi các phương tiện vận tải biển tìm nơi trú ẩn an toàn thì đội ngũ cứu nạn phải đến những vùng biển có thời tiết nguy hiểm để thực hiện nhiệm vụ. Các tai nạn, sự cố hàng hải thường xảy ra vào thời điểm mưa bão, sóng gió,…”.

Bên cạnh môi trường làm việc khắc nghiệt, tính chất nghề nghiệp của thuyền viên yêu cầu họ phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và không ổn định.

Đây là một trong những lý do khiến việc tuyển dụng trở nên khó khăn. Mức thu nhập cũng là một yếu tố khiến lãnh đạo VMRCC phải trăn trở. Cùng một chức danh, mức lương của thuyền viên đi tàu hàng có thể cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với tàu cứu nạn. Do đó, để thu hút và giữ chân những sĩ quan có kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ giỏi về làm cứu nạn không phải là điều dễ dàng.

Lãnh đạo Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải khu vực III chia sẻ thêm: “Mới đây, chúng tôi tuyển được thuyền viên trẻ, nhưng sau một năm, họ đã bỏ việc vì lý do xa quê và muốn tìm công việc có mức thu nhập cao hơn để phụ giúp gia đình”.

Một vấn đề khác mà ngành cứu nạn hàng hải đang đối mặt là xu hướng già hóa nhân lực. Độ tuổi trung bình của thuyền viên trực tiếp tham gia cứu nạn hiện ở khoảng 35-50 tuổi. Thậm chí, có những thuyền viên 57-58 tuổi vẫn làm việc do nhu cầu công việc và thiếu người thay thế, mặc dù theo luật, họ có thể nghỉ hưu từ 55 tuổi.

Lãnh đạo VMRCC khẳng định rằng, thuyền viên tàu cứu nạn chuyên dụng phải là người tinh thông nghiệp vụ, được huấn luyện thường xuyên với các giáo án riêng và phải có lòng dũng cảm, yêu nghề, sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Chính những yêu cầu khắt khe này khiến việc tuyển dụng người phù hợp với công việc trở nên khó khăn hơn.

Trong bối cảnh đầy thử thách này, việc tìm ra các giải pháp để thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao cho ngành cứu nạn hàng hải đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bài, ảnh: CHƯƠNG NGUYỄN

 
;
.