Y tế phải gần dân để điều trị F0 tại nhà

Thứ Ba, 07/12/2021, 18:23 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ sau khi nhận được cuộc gọi từ người dân về tình trạng vừa xét nghiệm nhanh và có kết quả dương tính, trạm y tế lưu động của địa phương, nơi F0 cư ngụ đã có mặt. Cùng với việc dán biển cảnh báo ngay trước cửa nhà của F0, 1 túi thuốc điều trị tại nhà dành cho F0 và bản hướng dẫn chi tiết về triệu chứng, số điện thoại liên hệ khi cần thiết cũng được cấp phát tận nhà F0.

F0 kể trên chỉ có triệu chứng nhẹ như đau mỏi cơ, mất khứu giác, hiện đang sống cùng chồng và con nhỏ, trong căn nhà khép kín tương đối rộng rãi, có 2 phòng ngủ và 1 phòng sinh hoạt chung, qua thẩm định, đủ điều kiện để cách ly, điều trị tại nhà.

Với cách thức như vậy, trong thời gian gần đây, hàng ngàn F0 nhẹ, không triệu chứng trên địa bàn tỉnh đã được chỉ định điều trị tại nhà, giảm áp lực cho các bệnh viện điều trị COVID-19 của tỉnh.

Để đạt được hiệu quả trong điều trị F0 tại nhà và tránh những tình huống phát sinh do diễn biến của dịch phức tạp, đòi hỏi phải có sự vào cuộc sâu sát của tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế, tổ y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn.

Đó cũng chính là lưu ý của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp với 5 tỉnh, thành có số ca mắc COVID-19 tăng cao trong thời gian gần đây. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, các địa phương trong quản lý, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà phải chặt chẽ, khoa học và luôn bảo đảm “y tế phải gần dân nhất”. Nhằm đáp ứng với tình hình dịch bệnh, khi số ca F0 tăng cao, thậm chí, mỗi xã, phường có thể có nhiều trạm y tế, nhiều tổ y tế lưu động thay vì chỉ 1 như hiện nay để quản lý chặt chẽ danh sách các ca bệnh, theo dõi sát từng bệnh nhân nhằm sẵn sàng chuyển tuyến kịp thời.

Trong công tác điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, cần phân loại bệnh nhân, người có nguy cơ, tuân thủ điều trị theo tháp 3 tầng, có sự liên thông chặt chẽ với nhau giữa các tầng, có khoảng giữa tầng 1 là 1+, tầng 2 là 2+ và tầng để quản lý, giám sát chặt chẽ ca bệnh, chuyển tuyến kịp thời.

So với cả nước, trong thời gian gần đây, BR-VT được đánh giá là một trong những tỉnh phát sinh ca mắc mới cao, tuy  nhiên, qua số liệu thống kê, khảo sát từ cơ quan chuyên môn, đa phần bệnh nhân đều ở tầng 1, mức độ nhẹ, không triệu chứng, số bệnh nhân thuộc tầng 2 tương đối ít và rất ít bệnh nhân thuộc tầng 3. Số bệnh nhân chuyển nặng giảm mạnh so với trước. Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.000 ca COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện; khoảng hơn 4.000 trường hợp F0 đang quản lý, theo dõi và cách ly tại nhà. BR-VT cũng thuộc nhóm đầu của cả nước về tỷ lệ tiêm vắc xin cao.

Tuy nhiên, diễn biến dịch COVID-19 vẫn được dự báo khó lường, khi ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước có chuyển biến xấu, số ca mắc tăng cao, tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong cũng có xu hướng tăng. Vì vậy, dù độ bao phủ vắc xin cao, số bệnh nhân chuyển nặng của tỉnh không nhiều nhưng không vì thế mà chủ quan.

Việc triển khai điều trị F0 tại nhà đòi hỏi lực lượng y tế cơ sở phải nỗ lực hơn nhiều lần so với trước trong công tác quản lý, theo dõi, giám sát chặt bệnh nhân. Ở một số địa bàn tập trung đông dân cư như TP. Vũng Tàu, TX. Phú Mỹ… rất cần tăng cường thêm các trạm y tế, tổ y tế lưu động để chia nhỏ địa bàn quản lý, giảm tải số ca F0 cho mỗi trạm, tổ y tế lưu động. Các địa phương cũng cần linh hoạt điều tiết nguồn nhân lực, cơ động từ nơi ít bệnh nhân để hỗ trợ tăng cường cho nơi nhiều bệnh nhân, tránh quá tải cục bộ. Bên cạnh đó, về phía người dân, ngoài thực hiện 5K cũng cần theo dõi sát tình trạng, diễn tiến triệu chứng bệnh của chính mình và người thân khi là F0 để liên hệ ngay với nhân viên y tế khi có biểu hiện bất thường, vượt tầng.

Nhằm bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế, BR-VT sẽ nhận được sự hỗ trợ nhân lực từ Bệnh viện Việt Đức. Đây chính là nguồn lực hỗ trợ có chuyên môn cao giúp BR-VT triển khai việc điều trị bệnh nhân COVID-19 hiệu quả ở các tầng, kể cả F0 điều trị tại nhà. 

Với diễn biến dịch việc quản lý, điều trị F0 tại nhà, điều quan trọng nhất vẫn là sự chủ động phối hợp của chính người dân và sự sâu sát của y tế cơ sở. Người dân cần được hướng dẫn đúng, đủ về kiến thức để chủ động theo dõi, phát hiện sớm, qua đó tránh trở nặng, giảm tải cho các tầng điều trị, từ đó giảm tử vong.

HẠ VY

;
.