Giảm đà tăng giá thức ăn chăn nuôi

Thứ Năm, 07/04/2022, 17:52 [GMT+7]
In bài này
.

Từ đầu năm đến nay, thức ăn chăn nuôi (TACN) cho gia súc, gia cầm, thủy sản đều tăng mạnh, nhất là vào thời điểm khi xăng dầu tăng giá, biến động đó lại càng căng thẳng hơn. Mặc dù, giá nguyên liệu đầu vào đã có chính sách giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) đối với một số nguyên liệu TACN như: lúa mì từ 3% xuống 0%, bắp từ 5% xuống 2%, nhưng vẫn không kìm được đà tăng giá. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn tới lợi ích của người chăn nuôi, tới việc hạ giá thành các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, như: thịt heo, gia cầm và các loại cá, tôm nuôi trong các ao hồ.

Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, nước ta hiện đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng chế biến TACN công nghiệp. Trung bình mỗi năm cả nước sử dụng từ 32-33 triệu tấn TACN cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Trong đó, hơn 7 triệu tấn TACN do các hộ nông dân tự phối trộn, còn lại là sản phẩm của các dây chuyền sản xuất TACN công nghiệp. Được biết, giá nguyên liệu thông thường trong chế biến TACN công nghiệp chiếm khoảng 80-85% giá thành sản xuất, nhưng lại chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, lên đến 70-80% giá thành, nhất là các loại như bắp, lúa mì, đỗ tương.

Mỗi năm, ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp tối đa 4,5-5 triệu tấn bắp hạt, 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn củ mì làm TACN; trong khi nhu cầu hàng năm cần tới 27-28 triệu tấn nguyên liệu, chủ yếu là bắp, đậu tương, lúa mì, dầu thực vật (vốn không phải là các loại cây trồng thế mạnh của Việt Nam). Khi giá nguyên liệu TACN nhập khẩu gia tăng, thì giá thành sản xuất, chế biến và giá bán TACN thành phẩm lập tức tăng theo. Từ đó dẫn đến giá TACN công nghiệp của nước ta luôn cao hơn mặt bằng chung của thế giới và khu vực, khiến các sản phẩm thịt, trứng, sữa… sản xuất trong nước phải chịu lép vế về giá so với hàng nhập khẩu cùng loại. Mặt khác, giá cước vận chuyển đường biển, các chi phí logicstic thời gian gần đây cũng tiếp tục tăng. Đây chính là những nguyên nhân đẩy giá TACN công nghiệp ở nước ta tiếp tục duy trì ở mức cao.

Hiện nay, sự tồn tại của nghịch lý giữa giá TACN và giá sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là gia cầm khá lớn, khiến các hộ chăn nuôi, nhất là nhiều trang trại bị thua lỗ. Nếu tình trạng này không được khắc phục sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn cung sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, giá lương thực, thực phẩm thế giới sẽ tiếp tục leo thang do nguồn cung bị thắt chặt, giá dầu và cước phí vận chuyển khó ổn định trong thời gian dài và nhu cầu các mặt hàng chủ lực bật tăng mạnh mẽ khi các nền kinh tế phục hồi hậu COVID-19.

Nhận định về thực trạng ngành chăn nuôi nước ta, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, thời gian qua, ngành chăn nuôi nước ta có sự phát triển nhanh, nhưng kém ổn định, bởi thực chất là ngành “ăn đong” nguyên liệu TACN nhập khẩu. Trong khi, giá TACN khó có thể hạ xuống và còn ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng tiếp vì giá nguyên liệu thế giới chưa giảm. Trước tình hình đó, việc tìm các giải pháp để giảm đà tăng giá TACN là một yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi các địa phương, các ngành phải vào cuộc một cách quyết liệt, hiệu quả.

Theo đó, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, mà một trong các các giải pháp đó là cần một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu TACN trong nước một cách căn cơ, bài bản, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu. Những lợi thế về đất đai canh tác, khí hậu và kinh nghiệm của nông dân nước ta, bảo đảm đủ điều kiện để ngành nông nghiệp tăng cường mở rộng diện tích trồng đậu tương, bắp, kể cả bắp công nghệ sinh học (thành phần chính trong TACN công nghiệp) để chủ động nguồn nguyên liệu và giảm giá thành sản xuất, chế biến TACN.

Các chuyên gia về nông nghiệp nước ta cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần tận dụng các phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp (rơm rạ, bã mía), trong chế biến thủy, hải sản để sản xuất, chế biến TACN công nghiệp (ước tính, hiện có cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp chưa được sử dụng hiệu quả, bị vứt bỏ lãng phí). Đồng thời, các hộ chăn nuôi, các trang trại cần chủ động bổ sung TACN cho gia súc, gia cầm bằng các biện pháp tự phối trộn, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp để hạ giá thành sản phẩm.

HOÀNG LÊ

;
.