Đông Nam Bộ phải đột phá, tiên phong và liên kết thực chất

Chủ Nhật, 05/05/2024, 17:51 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đông Nam Bộ phải “tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả” để tiếp tục phát huy vai trò về phát triển kinh tế-xã hội, với khí thế mới, cách làm mới, tư duy, phương pháp luận mới và cách tổ chức thực hiện mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính-Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng trao Quyết định Quy hoạch vùng  cho lãnh đạo các địa phương vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: BÁO TÂY NINH
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính-Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng trao Quyết định Quy hoạch vùng cho lãnh đạo các địa phương vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: BÁO TÂY NINH

Sáng 5/5, tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng, với nội dung trọng tâm là tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành một ngày trước đó.

Về phía tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tham dự hội nghị có ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh.

Đẩy nhanh dự án liên kết, rà soát cơ chế đặc thù vùng

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, từ tháng 11/2023, khi Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ được giao các nhiệm vụ cụ thể đến nay, Hội đồng vùng đã hoàn thành được 20 nhiệm vụ, đạt 53% được giao. Về 29 dự án quan trọng, liên kết vùng, đã khởi công 4 dự án; đang triển khai thủ tục đầu tư 5 dự án. Riêng dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh cơ bản các dự án xây lắp đã khởi công. Dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành đang trong quá trình thi công, tổng khối lượng gói thầu hiện đạt khoảng 80,05%. 

Các dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ đang được đẩy mạnh triển khai. Trong ảnh: Thi công đường Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Các dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ đang được đẩy mạnh triển khai. Trong ảnh: Thi công đường Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Về cơ chế đặc thù, Bộ KH-ĐT đề xuất, kiến nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách và tập trung bố trí nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính nhất quán và hiệu lực, hiệu quả các nhóm chính sách. Trong đó, tập trung vào giải pháp huy động nguồn lực, nhất là đối với các địa phương có khả năng thu lớn, tạo điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường sắt đô thị, cao tốc, quốc lộ và Vành đai 4 TP.Hồ Chí Mính đi qua địa bàn các tỉnh; đồng thời ưu tiên các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài, làm cơ sở phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ KH-ĐT công bố Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi ranh giới Quy hoạch  gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh.
Mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước; là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, phát thải cac-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại. 

Tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát 5 điểm được nổi bật trong kết quả thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và hoạt động của Hội đồng vùng trong năm qua, như: tổ chức thực hiện và hoàn thiện thể chế được tiến hành nhanh chóng với tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận mới. Các số liệu thống kê cho thấy vùng Đông Nam Bộ có diện tích nhỏ nhưng đóng góp lớn, quan trọng cho cả nước, nhất là về các động lực tăng trưởng truyền thống; tiến độ xây dựng sân bay Long Thành, xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc; việc thúc đẩy các dự án, như trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm thương mại tự do tại khu Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) được thực hiện nhanh chóng…

Trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 cụm “từ khóa” trong tổ chức thực hiện Quy hoạch vùng và các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội: Tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả.

Cơ chế, chính sách phải thông thoáng, đổi mới, hiện đại; hạ tầng chiến lược phải tiến nhanh lên hiện đại; quản trị phải thông minh, phù hợp xu thế phát triển mới.

Cùng với đó, phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức) và đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện hơn 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực).

Cần huy động nguồn lực tổng thể, bao gồm nguồn lực Trung ương, nguồn lực địa phương, nguồn lực xã hội, nguồn vốn FDI, vốn hợp tác công tư, các cơ chế đổi mới, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư và mọi nguồn lực của xã hội.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải chủ động, mạnh mẽ, tích cực hơn nữa trong nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để triển khai Quy hoạch và các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.

PHÚ XUÂN

 
;
.