Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội

Thứ Bảy, 13/06/2020, 11:37 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 13/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về  Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, theo Chương trình làm việc, Quốc hội dành 2 ngày để thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện kế hoạch.

Quốc hội
Quốc hội thảo luận tại Hội trường.

Tại phiên họp khai mạc, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Quốc hội đã dành thời gian thảo luận tại tổ về các nội dung trên.

Tiếp theo đó, Chính phủ đã có Tờ trình số 290/TTr-CP ngày 11/6/2020 về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế, cụ thể hóa một số nội dung trong Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, đã được Tổng thư ký Quốc hội gửi các đại biểu qua hệ thống điện tử. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã có báo cáo thẩm tra về các vấn đề có liên quan gửi Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung phát biểu theo các vấn đề đã được nêu trong các Báo cáo của Chính phủ và các Báo cáo thẩm tra, nhất là các kiến nghị về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Ngay đầu giờ sáng đã có 90 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu thảo luận. Các đại biểu bày tỏ đồng tình với báo cáo KT-XH của Chính phủ, đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua, chia sẻ với những khó khăn của người dân, DN, đồng thời đóng góp các ý kiến, giải pháp nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Bà Nguyễn Thị Yến
 

Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT (ảnh) đề xuất không cần nhập khẩu thịt heo. Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, giá lợn hơi hiện heo ở mức cao, dao động 90.000-100.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Yến cho rằng cần có chính sách kiểm soát giá thịt heo, quan tâm hỗ trợ vốn, phòng chống dịch tả heo châu Phi và giải pháp giúp DN, người dân tái đàn heo. Bên cạnh đó, cần kích cung trong nước để bảo đảm nguồn cung, không cần nhập của các nước để tự chủ được nền kinh tế.

Các đại biểu đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị định 100, xử lý nghiêm hành vi uống rượu bia tham gia giao thông; bảo vệ an ninh trật tự; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh nguồn nước; kịp thời khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác "chống dịch như chống giặc"; điều chỉnh lại chỉ tiêu phát triển do tác động của dịch bệnh; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm trong phát triển kinh tế xã hội; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh; khôi phục thị trường du lịch; hỗ trợ người dân, DN tái đàn heo, phòng chống hiệu quả dịch tả heo châu Phi; làm tốt công tác bảo vệ phát triển rừng; đầu tư phát triển kinh tế văn - xã; xây dựng thương hiệu quốc gia đặc sắc, riêng có của Việt Nam; quản lý thu chi ngân sách nhà nước hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau và không để tỉnh nào bị bỏ lại phía sau; đồng thời làm tốt công tác dự báo trước những tác động khó lường về chính trị, an ninh phi truyền thống để có chính sách ứng phó hiệu quả...

P.V

 

 

;
.