CHƯA GHI NHẬN CA LÂY NHIỄM TRONG CỘNG ĐỒNG

Thứ Ba, 09/02/2021, 17:39 [GMT+7]
In bài này
.

*Cách ly tập trung toàn bộ F1 liên quan ca nhiễm COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh

*Xét nghiệm toàn bộ các ca F2 ở cộng đồng

*Lập chốt kiểm soát tại các điểm giáp ranh ngay trong chiều 9/2

Ngay trong ngày 8/2, sau khi CDC TP. Hồ Chí Minh công bố ca dương tính COVID-19, trong đó có BN2027 (N.K.T.S 2027 sống tại TP. Hồ Chí Minh, về TP. Vũng Tàu thăm nhà tại đường Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu), ngành y tế đã nhanh chóng truy vết và cách ly tập trung 11 trường hợp F1 có liên quan.

Ngoài ra, 14 ca F2 đã được cách ly ngay tại nhà. Song song đó, ngành y tế đã tiến hành các bước phun khử khuẩn tại khu vực liên quan và nơi ở của gia đình BN2027 ở TP. Vũng Tàu, cũng như nơi ở các ca F1 của trường hợp này.

Tính thời điểm này, BR-VT vẫn chưa có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Sáng 9/2, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã chủ trì cuộc họp khẩn với các thành viên của BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh nhằm có phương án kịp thời đối phó với diễn biến mới và chủ động trong phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh còn yêu cầu khẩn cấp lập các chốt kiểm soát dịch bệnh ở các địa điểm trọng yếu, giáp ranh với các địa phương như đã từng triển khai ở đợt phòng, chống dịch trước. Xét nghiệm toàn bộ các ca F2 đang được cách ly tại nhà.

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI MỌI TÌNH HUỐNG

Báo cáo tại cuộc họp, bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế khẳng định, đến sáng 9/2, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, ngành y tế đã xây dựng các kịch bản cụ thể cho từng tình huống xấu nhất nếu có dịch bệnh xảy ra trong cộng đồng, ở các khu công nghiệp… để chủ động, sẵn sàng ứng phó khi dịch xuất hiện tại các địa điểm trên địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh đã thành lập Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19 đặt tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền, với quy mô 100 giường bệnh. Nhưng trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh, trong trường hợp số bệnh nhân COVID-19 tăng cao vào thời gian tới thì ngành y tế đã có dự tính sẽ sử dụng thêm Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh làm cơ sở điều trị cho bệnh nhân, với khoảng 200 giường bệnh.

“Sở Y tế chỉ đạo cho các địa phương chuẩn bị nguồn nhân lực y, bác sĩ sẵn sàng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại các tuyến đầu của mỗi đơn vị. Hai bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Bà Rịa và Lê Lợi) sẽ cử đội ngũ bác sĩ hỗ trợ cho các địa phương trong công tác điều trị bệnh nhân COVID”, bác sĩ Phạm Minh An nhấn mạnh.

Đến thời điểm này, ngành y tế cũng đã cách ly tập trung các trường hợp F1 do tiếp xúc BN 2027 (N.T.K.S., sống tại TP.Hồ Chí Minh nhưng có về thăm nhà tại TP.Vũng Tàu); và tiến hành mọi công tác phòng dịch tại khu vực có liên quan theo quy định.

Ông Trần Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch.
Ông Trần Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch.

Thông tin thêm về công tác hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19, bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa cho biết, hiện đơn vị có 40 máy thở cỡ lớn và nhỏ, có thể đáp ứng được yêu cầu chữa bệnh cho những trường hợp bị bệnh nặng. Bệnh viện đã thành lập 6 tổ điều trị cho bệnh nhân COVID-19, trong đó có 3 tổ cấp cứu nhanh khi các cơ sở điều trị có yêu cầu hỗ trợ; đồng thời có một tổ y bác sĩ trực thường xuyên tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền để phối hợp với đơn vị này chữa trị cho bệnh nhân. Bệnh viện Bà Rịa còn chủ động liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) nhờ hỗ trợ nếu trên địa bàn tỉnh xuất hiện các ca bệnh nặng.

Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế báo cáo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế báo cáo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Đại tá Trần Văn Sơn, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh nhận định, thời gian tới BR-VT tiếp tục tiếp nhận công dân nước ngoài hồi hương, chuyên gia sang làm việc, công dân trở về từ các vùng có dịch về cách ly tập trung. Vì vậy, ngoài những cơ sở cách ly tập trung của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố cũng cần tìm cho địa phương mình các cơ sở để tiếp nhận và thực hiện cách ly các công dân trên địa bàn mình trong trường hợp xảy ra tình trạng dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Trước mắt, Bộ CHQS tỉnh đã có phương án sử dụng 2 trụ sở (cũ) trực thuộc đơn vị làm nơi cách ly tập trung cho công dân, với sức chứa khoảng 200 người.

“Hiện quân trang phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ CHQS tỉnh còn 900 suất. Tôi kiến nghị UBND tỉnh cấp kinh phí để mua sắm thêm quân trang để bảo đảm an toàn thực hiện việc phòng, chống dịch”, Đại tá Trần Văn Sơn mong muốn.

Tại cuộc họp này, đại diện các sở, ban ngành, địa phương đề xuất nhiều giải pháp nâng cao mức độ và hiệu quả về phòng, chống dịch COVID-19 như: Kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình không đeo khẩu trang nơi công cộng; mở rộng xét nghiệm cho các trường hợp F2; thành lập các chốt kiểm soát phương tiện, người đi ra và vào tỉnh trên các tuyến đường quốc lộ…

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ và thực hiện đúng quy định các biện pháp phòng, chống dịch. Các địa phương thành lập các tổ gồm có lực lượng công an, chính quyền địa phương và y tế để xử phạt các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực y tế được quy định tại Nghị định 117/2020. Đối với trường hợp vi phạm lần đầu thì nhắc nhở, nhưng nếu cố tình vi phạm, bất hợp tác thì phải xử lý nghiêm để làm gương.

Lực lượng UBND phường 1 (TP. Vũng Tàu) nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, hạn chế tu tập đông người nơi công cộng.
Lực lượng UBND phường 1 (TP. Vũng Tàu) nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người nơi công cộng.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành y tế cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị… sẵn sàng áp dụng trong tình huống khẩn cấp nếu trên địa bàn tỉnh xảy ra ca nhiễm trong cộng đồng. Đồng thời, ngành nên vận động đội ngũ y, bác sĩ không nên đón Tết ở xa, nên ở trong tỉnh để trong trường hợp cần thiết thì nhanh chóng huy động được đội ngũ này tham gia công tác phòng, chống dịch.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu ngành y tế xây dựng phương án xấu nhất khi có dịch COVID-19 xảy ra trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh; tiến hành rà soát các trang thiết bị, máy móc, nguồn nhân lực, cơ sở điều trị… bảo đảm đầy đủ và tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch, nếu còn thiếu thì tiếp tục đề xuất UBND tỉnh mua sắm thêm.

Tỉnh BR-VT sẽ mở rộng xét nghiệm COVID-19 đến các trường hợp F2. Trong ảnh: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công dân Việt Nam ở nước ngoài về cách ly tập trung tại Trung đoàn Minh Đạm (huyện Long Điền). (Ảnh minh họa)
Tỉnh BR-VT sẽ mở rộng xét nghiệm COVID-19 đến các trường hợp F2. Trong ảnh: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công dân Việt Nam ở nước ngoài về cách ly tập trung tại Trung đoàn Minh Đạm (huyện Long Điền). (Ảnh minh họa)

Bắt đầu từ ngày 9/2, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ban, ngành phải quản lý chặt chẽ số lượng người đến tỉnh như: khách du lịch, HS-SV từ các tỉnh, thậm chí ở nước ngoài trở về tỉnh đón tết; công nhân, người lao động từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh cận về BR-VT… Mặt khác, các huyện, thị xã, thành phố cần nâng cao vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo với việc đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát những người vừa đến địa phương.

“Đơn vị nào không kiểm soát được tình trạng người lạ đến địa phương để hướng dẫn họ khai báo y tế mà các thành viên trong BCĐ phòng, chống dịch của tỉnh phát hiện được thì người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh”, ông Thọ nhấn mạnh.

Ngoài ra, các địa phương thành lập các tổ và xử phạt ngay các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch; đăng tải các trường hợp bị xử phạt lên các phương tiện truyền thông đại chúng để tạo sức răn đe. Người dân phát hiện những trường hợp nào đi từ vùng dịch về mà không khai báo thì báo cho chính quyền các địa phương sẽ được khen thưởng. Bên cạnh đó, cần thành lập các chốt để kiểm soát người ra, vào tỉnh; đồng thời tăng cường giám sát các trường hợp F2, F3 đang cách ly tại nhà và cho xét nghiệm toàn bộ các trường hợp F2 để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Tính đến 10 giờ sáng 9/2, toàn tỉnh đã truy vết được 31 trường hợp F1, 414 trường hợp F2 và 1 trường hợp F3. Đây là những người trở về từ vùng dịch theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế. Trong số này có 11 trường hợp F1, 14 trường hợp F2 có tiếp xúc gần với bệnh nhân N.T.K.S. (sống tại TP. Hồ Chí Minh nhưng có về thăm nhà tại TP. Vũng Tàu); 1 trường hợp F1 và 2 trường hợp F2 có tiếp xúc gần với bệnh nhân D.T.Y.; 3 trường hợp F1 và 5 trường hợp F2 tiếp xúc với bệnh nhân T.T.A. Hiện các trường hợp F1 đã được đưa đi cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả; các trường hợp F2 đang cách ly tại nhà.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.