Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển

Thứ Tư, 17/02/2021, 20:18 [GMT+7]
In bài này
.

Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP), cảnh sát biển, hải quân đóng chân trên địa bàn tỉnh còn là người bạn đồng hành, là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Cán bộ quân y Hải đoàn 128 - Quân cảng Sài Gòn kiểm tra sức khỏe cho ngư dân tàu cá QNg96739TS gặp nạn tại vùng biển Trường Sa hồi tháng 12/2020.
Cán bộ quân y Hải đoàn 128 - Quân cảng Sài Gòn kiểm tra sức khỏe cho ngư dân tàu cá QNg96739TS gặp nạn tại vùng biển Trường Sa hồi tháng 12/2020.

Bà Rịa-Vũng Tàu được coi là thủ phủ đánh bắt thủy, hải sản vùng Đông Nam Bộ với hơn 5.800 tàu cá, trong đó có 3.000 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, đồng thời là nơi tập trung nhiều tàu cá khắp nơi về neo đậu. Xác định hình ảnh mỗi tàu, thuyền mang trên mình lá cờ đỏ sao vàng giữa biển khơi chính là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc, lực lượng BĐBP, cảnh sát biển, hải quân đóng chân trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng công tác dân vận nhằm giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân để họ yên tâm bám biển.  

Tùy theo đặc điểm công tác, mỗi lực lượng có cách làm dân vận riêng, phù hợp điều kiện thực tiễn tại địa phương. Đơn cử, chương trình dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 (phường 11, TP. Vũng Tàu) được triển khai từ năm 2017 đến nay, đã trở thành một trong những chương trình lớn, nổi bật, tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng. Thực hiện chương trình này, năm 2020, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã lồng ghép hoạt động tặng quà, học bổng cho con em ngư dân nghèo với cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” tại Trường THCS Phước Thắng (phường 11, TP. Vũng Tàu). Các em HS tham gia thi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến biển, đảo Việt Nam; đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền biển, đảo... 

Cuộc thi đã góp phần giúp các em HS thêm hiểu hơn về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã trao 60 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho các HS có hoàn cảnh khó khăn. Em Khổng Thị Yến Nhi (lớp 8/10, Trường THCS Phước Thắng) xúc động nói: “Suất học bổng thiết thực này giúp em có thêm tiền mua dụng cụ học tập, đồng thời là niềm động viên để cha mẹ em vững tâm theo nghề biển”.

Bên cạnh đó, các lực lượng còn thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, thông tin, tuyên truyền cho ngư dân về những nội dung cơ bản của Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”... Nhờ đó, ngư dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo; khai thác, sản xuất trên biển đúng quy định của pháp luật. 

Ông Phạm Văn Lễ, chủ tàu cá BV76745TS (phường 5, TP. Vũng Tàu) bày tỏ: “Nhờ các chú bộ đội tuyên truyền, phổ biến, tôi hiểu được ý nghĩa của việc treo cờ trên tàu chính là thể hiện trách nhiệm của mình trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Do đó, mỗi khi chuẩn bị ra khơi, tôi luôn nhắc nhở thuyền viên treo cờ trước khi xuất bến”.

Ngoài ra, các lực lượng BĐBP, cảnh sát biển, hải quân cũng chú trọng thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn ngư dân. Với phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và chỉ huy tại chỗ), Vùng 2 Hải quân cử lực lượng túc trực 24/24 để tiếp nhận thông tin báo nạn của ngư dân. Khi ngư dân báo nạn, đơn vị lập tức xác định tọa độ nơi tàu gặp nạn, sự cố của tàu, nhiên liệu và lương thực thực phẩm trên tàu… để có biện pháp ứng cứu kịp thời, đồng thời giữ liên lạc với tàu thuyền gặp nạn để nắm bắt tình hình, động viên ngư dân trong thời gian chờ lực lượng đến ứng cứu. Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, Vùng 2 Hải quân đã cứu nạn 21 tàu cá với 85 ngư dân bị nạn trên biển; sửa chữa, khắc phục hỏng hóc cho 52 tàu cá, cung cấp 6 tấn lương thực, thực phẩm, nước ngọt; khám, sơ cấp cứu, điều trị, cấp thuốc cho 131 ngư dân bị tai nạn, ốm đau trên biển… 

Đại tá Đỗ Văn Yên, Chính ủy Vùng 2 Hải quân khẳng định, cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân luôn tạo điều kiện thuận lợi để cho bà con ngư dân yên tâm đánh bắt thủy hải sản trên các ngư trường truyền thống, góp phần cùng các lực lượng bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thực hiện chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, các đơn vị phối hợp với Sở NN-PTNT các tỉnh thực hiện 11 buổi tuyên truyền cho hơn 200 tàu cá với 1.600 ngư dân; phát 13.500 tờ rơi, 4.000 cờ Tổ quốc, 550 áo phao, 1.000 khẩu trang y tế cho ngư dân.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

;
.