Phương án chống dịch phải phù hợp tình hình thực tế

Chủ Nhật, 02/08/2020, 21:04 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 2/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần kiên quyết khoanh vùng dập dịch và giãn cách xã hội ở khu vực có dịch trong cộng đồng cũng như chúng ta phải thực hiện được mục tiêu kép trong lúc toàn cầu gặp khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp, sau khi dịch bệnh quay lại tại Đà Nẵng từ ngày 24/7, số trường hợp mắc gia tăng và lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng. Đặc biệt, trong ngày 31/7/2020, số trường hợp mắc đạt mức kỷ lục từ đầu vụ dịch với 82 trường hợp mắc, trong đó có 56 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng.

Không để nền kinh tế tăng trưởng âm
Cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng Bảy và 7 tháng năm 2020.
Nêu rõ dịch COVID-19 đang trở lại phức tạp, nặng nề hơn, Thủ tướng nhấn mạnh phải bình tĩnh, quyết tâm chỉ đạo để tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm soát dịch bệnh, không để đứt gãy nền kinh tế, không để nền kinh tế tăng trưởng âm. Về kinh tế-xã hội cả nước, qua số liệu thống kê, Thủ tướng đánh giá kinh tế Việt Nam không tăng cao trong tháng Bảy, nhưng có tăng trưởng và khả quan. Tuy vậy, do dịch bệnh nên các biện pháp có sự điều chỉnh, trước mắt là ngăn chặn dịch lây lan, không được để dịch bùng phát trên diện rộng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bảo đảm đạt tốt nhất các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra. Cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tốt cả chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng nới lỏng có kiểm soát; đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, nhất là đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; giữ chỉ số giá tiêu dùng không quá 4%...
Trong bối cảnh khó khăn trước mắt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn về kinh tế-xã hội, bảo vệ mọi thành phần kinh tế, nhất là hệ thống doanh nghiệp, chống đổ vỡ, chống thâu tóm, không để tình trạng thất nghiệp trên diện rộng.
 

Do dịch bệnh tại Đà Nẵng có khả năng xuất hiện từ đầu tháng 7 và đã qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm với 2 thời điểm có thể gây bùng phát dịch là từ 5-8/7/2020 và từ 16-20/7/2020. Tại Đà Nẵng, có khả năng có nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau và còn nhiều trường hợp mắc bệnh khác hiện đang ở ngoài cộng đồng, đồng thời việc truy vết F0 đầu tiên là rất khó khăn.

Các trường hợp bệnh được ghi nhận trong cộng đồng tới thời điểm hiện tại hầu hết đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại các bệnh viện của TP. Đà Nẵng, là bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế và các trường hợp có tiếp xúc gần với các trường hợp nói trên.

Thời gian qua là cao điểm của mùa du lịch và có rất nhiều hành khách từ các địa phương đã đi/đến Đà Nẵng. Có khoảng 1,4 triệu người đã đến Đà Nẵng từ 1-29/7/2020, trong đó có khoảng 800.000 người có đi đến khu vực 3 bệnh viện tại thành phố (khoảng 46.000 trường hợp đến khám; chữa bệnh tại 3 bệnh viện). Các trường hợp đến Đà Nẵng từ tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất từ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Do vậy, nguy cơ xuất hiện các trường hợp mắc tại các địa phương khác là rất cao, đặc biệt là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

6 người tử vong do COVID-19
Tính đến 18 giờ ngày 2/8: Việt Nam có tổng cộng 620 ca mắc COVID-19, trong đó 307 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng từ ngày 25/7 đến nay: 173 ca. Việt Nam cũng đã có 6 trường hợp tử vong (bệnh nhân 428; 429; 437; 475; 499; 524 - các bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền nặng).
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 94.216 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 920 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.249 người, cách ly tại nhà/nơi lưu trú: 79.047 người.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương cố gắng của ngành y tế, Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều địa phương trong khoanh vùng, triển khai biện pháp chống dịch. 

Với đợt dịch này, hiện đã xác định trung tâm dịch ở Đà Nẵng và có liên quan đến Quảng Nam, trong đó tập trung vào các bệnh viện. Tuy nhiên, dự báo dịch COVID-19 sẽ phức tạp và lan rộng nếu không khoanh vùng dập dịch quyết liệt.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành không được lơ là chủ quan, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chống dịch. Các bệnh viện có biện pháp phòng chống dịch, hạn chế người tử vong do dịch. Tranh thủ từng giờ từng phút truy vết, xét nghiệm y tế diện rộng những trường hợp về từ Quảng Nam, Đà Nẵng, hướng dẫn người dân chủ động khai báo y tế.

“Yêu cầu các lãnh đạo bình tĩnh chủ động ngăn chặn kiên quyết và hiệu quả làn sóng COVID-19 thứ hai, tinh thần là không để lây lan trên diện rộng, không để những ổ dịch mới mà phát hiện muộn, không được ngăn chặn”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng kêu gọi người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tập trung đông người. Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý những người tung thông tin giả, tin đồn, gây hoang mang dư luận. “Không làm thái quá ngăn sông cấm chợ, tuyên bố cách ly xã hội khi chưa có phương án cụ thể, chưa có ổ dịch. Cần tính toán giãn cách, cách ly xã hội với quy mô hợp lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, với những ổ dịch cụ thể thì phải làm kiên quyết trong phạm vi thôn, xóm, còn không phải ổ dịch thì mở cửa hoạt động bình thường - trừ những ổ dịch lớn như ở Đà Nẵng, Quảng Nam.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm soát trường hợp nhập cảnh trái phép, cơ sở lưu trú. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phối hợp khởi tố tất cả trường hợp nhập cảnh, lưu trú trái phép, đặc biệt các đường dây đưa người vào Việt Nam trái pháp luật. Thủ tướng cũng đồng ý cấp phương tiện để 400 người mắc kẹt ở Đà Nẵng được về các địa phương, cách ly nếu cần thiết.

Tổ chức thi tốt nghiệp THPT an toàn
Về Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương chưa có dịch hoặc dịch bệnh ít nghiêm trọng có phương án tổ chức kỳ thi an toàn. Đối với các địa phương có mức độ dịch bệnh nghiêm trọng, tiếp tục rà soát, thống nhất phương án vừa bảo đảm an toàn phòng dịch, vừa bảo đảm quyền lợi cho học sinh.
 
HOÀNG PHỐ - ĐỨC TUÂN
;
.