Ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" - Bước chuẩn bị cho du lịch trở lại "bình thường mới"

Thứ Sáu, 09/07/2021, 23:18 [GMT+7]
In bài này
.

Ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” được Tổng cục Du lịch vận hành từ tháng 5/2021. Mục đích “nhắc nhở” doanh nghiệp (DN), du khách phòng dịch chặt chẽ, góp phần nâng mức độ an toàn cho điểm đến phục vụ mục tiêu quảng bá Việt Nam an toàn ra thế giới. Đây là một bước chuẩn bị chờ đợi ngày du lịch hoạt động trở lại “bình thường mới”.

Nhân viên khách sạn Annata (165 Thuỳ Vân, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) niêm yết mã QR-Code ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” tại quầy lễ tân.
Nhân viên khách sạn Annata (165 Thuỳ Vân, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) niêm yết mã QR-Code ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” tại quầy lễ tân.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sau hơn 2 tháng triển khai ứng dụng trên, lượng DN tiếp cận chưa nhiều. Để tăng lượng DN sử dụng ứng dụng nhằm nâng độ an toàn vùng, Sở Du lịch tổ chức đi từng khách sạn hướng dẫn thực hiện.

CHUẨN BỊ CHO NGÀY DU LỊCH TRỞ LẠI

Ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” được Tổng cục Du lịch công bố chính thức vào tháng 10/2020. Giao diện ứng dụng có các thư mục như bản đồ, điểm check in, hệ thống cơ sở lưu trú, công ty lữ hành và các công cụ tiện ích như giới thiệu điểm đến, thắng cảnh các vùng miền, mua sắm, thông tin phản ánh… Đặc biệt trong phần hướng dẫn bản đồ, du khách dễ dàng tìm địa điểm muốn đến bằng cách gõ tên tỉnh, thành lập tức trên giao diện sẽ hiển thị toàn bộ danh sách cơ sở dịch vụ đã tham gia đăng ký an toàn. Đến tháng 5 vừa qua, Tổng cục Du lịch kết nối liên thông với hệ thống thông tin nghiệp vụ của Tổng cục Quản lý Thị trường để phối hợp tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời phản ánh của du lịch khi gặp tình trạng ép giá, quảng cáo không đúng thực tế, hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm… trong hành trình du lịch. Du khách sử dụng điện thoại thông minh hệ điều hành iOS và Android đều dễ dàng tải ứng dụng này.

Một điểm quan trọng để có thông tin đầu ra cho ứng dụng là các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải tạo tài khoản tại địa chỉ http://safe.tourism.com.vn. Khi đăng ký thành công, mỗi ngày cơ sở tiếp tục tự đánh giá an toàn phòng dịch 1 lần bằng cách đối chiếu biện pháp phòng dịch tại cơ sở rồi điền vào bảng an toàn phòng dịch với 15 tiêu chí. Đồng thời cơ sở sẽ được cấp một mã QR để in ra, dán ở những địa điểm thuận tiện, dễ quan sát như lễ tân, quầy thu ngân, cửa ra vào để du khách checkin kiểm tra mức độ an toàn.

Theo Tổng cục Du lịch, việc đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 có ý nghĩa quan trọng kết nối thông tin kiểm soát dịch bệnh từ các cơ sở dịch vụ ở địa phương đến các cơ quan quản lý ở Trung ương, nâng ý thức cảnh giác phòng chống dịch bệnh. Các cơ sở lưu trú, lữ hành, ẩm thực dù tạm ngừng hoạt động, không kinh doanh vẫn phải đăng ký và đánh dấu vào mục “Cơ sở kinh doanh tạm ngừng hoạt động” trên hệ thống để cơ quan quản lý nắm được cơ sở nào ngừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đây là công cụ hữu ích giúp cơ sở quảng bá hình ảnh an toàn, đồng thời hỗ trợ du khách lựa chọn những dịch vụ đáp ứng tiêu chí an toàn phòng dịch và uy tín được Tổng cục Du lịch xác nhận trên hành trình trải nghiệm, khám phá mọi điểm đến trên đất nước Việt Nam nhờ tính năng quét mã QR để kiểm tra. Ứng dụng trên sẽ được Tổng cục Du lịch duy trì xuyên suốt trong và sau dịch, trở thành công cụ quảng bá du lịch Việt Nam an toàn ra thế giới.

“CẦM TAY CHỈ VIỆC” ĐỂ DN THỰC HIỆN

Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch, đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc DN, cơ sở dịch vụ đăng ký ứng dụng trên trước hết là để đếm được về mặt cơ học những cơ sở dịch vụ vẫn đón khách và thực hiện chặt chẽ quy trình phòng dịch. Bên cạnh đó, trên ứng dụng có tích hợp hiển thị bản đồ vị trí, tên gọi, địa chỉ, hình ảnh cơ sở khi tham gia đăng ký đánh giá an toàn phòng dịch. Đây là cách quảng bá hữu hiệu cho cơ sở vì được cơ quan quản lý cao nhất về du lịch là Tổng cục Du lịch xác nhận.

Cuối tháng 5, Bộ VH-TT-DL đã có văn bản đôn đốc các tỉnh, thành triển khai vận động khối DN du lịch tăng cường đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 trên ứng dụng. Ngay sau đó, BR-VT cũng triển khai công văn hướng dẫn và yêu cầu DN, cơ sở du lịch dịch vụ tự giác chấp hành. Sở Du lịch thống kê đến ngày 9/7 có 350 cơ sở dịch vụ trên toàn tỉnh đã tham gia đánh giá an toàn, trong đó có 263 cơ sở lưu trú. Theo Sở Du lịch, toàn tỉnh có 1.280 cơ sở lưu trú, số lượng cơ sở tham gia đánh giá như vậy là quá ít, mới chỉ được 20% tổng số cơ sở lưu trú toàn tỉnh.

Do vậy, Sở Du lịch sẽ đồng loạt ra quân tổ chức hướng dẫn DN thực hiện kết hợp kiểm tra công tác phòng chống dịch. “Hiện nay, Sở đã cử chuyên viên đến các cơ sở lưu trú được xếp hạng sao để hướng dẫn cơ sở thực hiện. Đối với khối cơ sở lưu trú chưa được xếp hạng sao, tại công văn số 6251/UBND-VP, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho UBND các huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong công tác phòng chống dịch bệnh, Sở Du lịch sẽ đôn đốc các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ”, bà Trần Thị Thu Hiền cho biết thêm.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch, hơn 90% cơ sở lưu trú toàn tỉnh đã tạm ngưng hoạt động. Những cơ sở còn hoạt động nằm trong nhóm phục vụ khách chuyên gia công tác dài ngày tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Một số khách sạn 4-5 sao duy trì hoạt động để duy tu cơ sở, giữ hạng sao. Quá trình kiểm tra Sở Du lịch nhận thấy tất cả các cơ sở lưu trú đang hoạt động đều thực hiện chặt chẽ  quy định phòng, chống dịch, tuân thủ “5K” trong phục vụ, niêm yết bảng QR Code khai báo y tế tại quầy lễ tân, lối ra vào, khu vực công cộng và yêu cầu nhân viên, khách lưu trú quét mã khai báo y tế hàng ngày.

 

 

 
;
.