Cơ hội để ngành du lịch bứt phá

Thứ Sáu, 06/01/2023, 18:13 [GMT+7]
In bài này
.

Bà Rịa-Vũng Tàu đang nỗ lực quảng bá thương hiệu, đưa vào khai thác thêm nhiều sản phẩm mới và không ngừng xây dựng hình ảnh du lịch an toàn, có trách nhiệm với kỳ vọng sẽ mang lại sự bứt phá trong năm 2023.

Đoàn khách Ấn Độ trải nghiệm dịch vụ ngân châm nước khoáng nóng tại Minera Hot Springs Bình Châu (huyện Xuyên Mộc).
Đoàn khách Ấn Độ trải nghiệm dịch vụ ngân châm nước khoáng nóng tại Minera Hot Springs Bình Châu (huyện Xuyên Mộc).

Lan tỏa thương hiệu điểm đến

Năm 2022, Việt Nam đã được vinh danh ở hơn 40 hạng mục tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương. Việt Nam được bình chọn là “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á”. Ở cấp địa phương, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, Huế, Vũng Tàu... đều nhận được các giải thưởng.

Điều này cho thấy Việt Nam đã xây dựng thương hiệu điểm đến. Việc đưa nhiều hình ảnh, video giới thiệu quảng bá trên các kênh truyền thông quốc tế đã giúp khách nước ngoài hình dung và hiểu hơn về văn hóa, danh thắng, con người Việt Nam. 

Theo phân tích dữ liệu của Google, lượng tìm kiếm với điểm đến Việt Nam luôn ở mức cao, có thời điểm tăng trên 400% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú cũng bắt đầu tăng, trong đó khách đến từ các quốc gia như Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Canada... tìm kiếm thông tin về Việt Nam nhiều.

Thống kê của Tổng cục Du lịch cũng cho thấy, ngoài phân khúc khách truyền thống là Hàn quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc, năm 2022, Việt Nam cũng ghi nhận dòng khách đa số đến từ Thái Lan, Campuchia, Singapore, Malaysia. Đặc biệt, các hãng bay, công ty lữ hành từ các nước Trung Đông, Ấn Độ cũng thực hiện nhiều chuyến khảo sát, tìm hiểu dịch vụ tại TP.Hồ Chí Minh, Phú Quốc, miền Trung và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đồng hành cùng các DN từ Ấn Độ đến khảo sát dịch vụ tại Bà Rịa-Vũng Tàu, chúng tôi nhận thấy, họ rất quan tâm đến văn hóa, lịch sử, yếu tố truyền thống, sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp trọn gói và ẩm thực. 

Ông Ticku Sandeep, đại diện Yatra.com - công cụ tìm kiếm du lịch và đại lý du lịch trực tuyến của Ấn Độ - cho biết, ông rất ấn tượng với Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi đây khái quát lịch sử đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam nói chung và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng, rồi nét văn hóa độc đáo, con người yêu lao động và bức tranh kinh tế-xã hội phát triển của Bà Rịa-Vũng Tàu...

“Nét phóng khoáng, rộng mở trong văn hóa miền biển và tín ngưỡng đa dạng của Bà Rịa-Vũng Tàu làm tôi hào hứng muốn trở lại nhiều lần nữa. Đặc biệt, hệ thống nghỉ dưỡng cao cấp trải dọc bờ biển đủ đầy dịch vụ. Tôi tin người dân Ấn Độ cũng sẽ bị thu hút bởi điều này”, ông Ticku Sandeep đánh giá.

Nhóm các DN tàu biển Singapore khảo sát Khu di tích Bạch Dinh (TP. Vũng Tàu).
Nhóm các DN tàu biển Singapore khảo sát Khu di tích Bạch Dinh (TP. Vũng Tàu).

Lạc quan vào tương lai

Với những yếu tố lạc quan trên, giới chuyên gia cho rằng năm 2023, không khó để du lịch Việt Nam bứt phá. Tuy nhiên, cần nâng cấp sản phẩm, đổi mới và xây dựng sản phẩm mới để tăng tính trải nghiệm, cân bằng điểm đến, lựa chọn đối tượng du khách cho phù hợp sau COVID-19.

Theo ông Võ Thanh Mỹ, Giám đốc Vietravel chi nhánh Vũng Tàu, những kỳ nghỉ độc đáo, gây ngạc nhiên và thích thú, trải nghiệm và hòa mình khám phá một nền văn hóa hay những nét mới của một vùng đất lạ, du lịch để cân bằng sức khỏe tinh thần chắc chắn sẽ thu hút du khách. Bên cạnh đó, sau giai đoạn “bùng nổ” du lịch hậu dịch, du khách sẽ ổn định tâm lý trở lại và có xu hướng đắn đo hơn trong chi tiêu. Do đó, du khách sẽ tận dụng những chính sách ưu đãi, chương trình khuyến mại khi đặt tour, dịch vụ nghỉ dưỡng. DN cần năng động bám sát nhịp đập thị trường với chiến lược sản phẩm, giá cả phù hợp.  

Ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ, sau 9 tháng du lịch cả nước nói chung và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng bùng nổ khách nội địa, thì 3 tháng cuối năm tình hình có vẻ trầm lắng. Ngoài nguyên nhân thói quen của người Việt thường tập trung cho giai đoạn nước rút công việc những tháng cuối năm, việc lượng khách giảm mạnh lặp lại chu kỳ mùa thấp điểm là điều người làm du lịch không mong muốn. Để xóa chu kỳ cao điểm-thấp điểm, ông Hải cho rằng, phải luôn tạo mới mẻ thông qua chuỗi sản phẩm mới và sự kiện không chỉ nội tỉnh mà còn liên tỉnh, liên vùng.

“Thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ phối hợp với 18 Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long thành lập nhóm liên kết. Từ đó sẽ bàn bạc đưa ra định hướng về chiến lược sản phẩm, dịch vụ, sự kiện đặc sắc khai thác thế mạnh của các tỉnh, thành hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững”, ông Hải nhấn mạnh.     

Năm 2023, Trung Quốc tuyên bố mở cửa biên giới, đồng nghĩa với các tuyến outbound (đưa người Việt du lịch nước ngoài) toàn thế giới đã mở. Các tour du lịch quốc tế có thể triển khai bán được ngay từ đầu năm. Song dự kiến, mùa hè sẽ bùng nổ các tuyến trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, làm thế nào để chính sách về thị thực, nhập cảnh thuận lợi nhất. Tiếp nữa là cần đẩy mạnh chiến dịch truyền thông để người dân, du khách nước ngoài biết nhiều hơn về những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam. Điều này kỳ vọng lượng khách du lịch nước ngoài sẽ chia đều về thời gian và tăng mạnh vào cuối năm khi mùa đông đến trên toàn cầu.

Bài, ảnh: KIM VINH

---------------

Năm 2023, sẽ đón 8 triệu lượt khách quốc tế

(VTCN) Dù xác định năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng, ngành du lịch Việt Nam vẫn đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch. Trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.

Theo nhiều DN, trước dịch, Việt Nam đã đón 18 triệu lượt khách quốc tế. Hiện nay, dù tình hình thế giới nhiều bất ổn, ảnh hưởng đến du lịch, song các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore đã thu hút khách quốc tế rất tốt trong năm 2022. Để hiện thực hóa mục tiêu này, điều cấp thiết là phải sớm tháo gỡ những nút thắt về chính sách visa, đẩy mạnh quảng bá điểm đến, xóa bỏ các rào cản kỹ thuật như mua bảo hiểm COVID-19 để tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

MINH HƯƠNG

;
.