KINH TẾ BIỂN LÀ ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN

Kỳ 3: Để trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

Thứ Sáu, 31/03/2023, 19:22 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Với những định hướng, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng, BR-VT đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, hướng đến hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia trong tương lai gần.

Các tuyến giao thông kết nối được đầu tư đồng bộ giúp BR-VT khai thác lợi thế về kinh tế biển. Trong ảnh: Cầu Mỏ Nhát (TX.Phú Mỹ) - dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Ảnh: CTV
Các tuyến giao thông kết nối được đầu tư đồng bộ giúp BR-VT khai thác lợi thế về kinh tế biển. Trong ảnh: Cầu Mỏ Nhát (TX.Phú Mỹ) - dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Ảnh: CTV

Hướng tới tăng trưởng xanh

Theo Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 24-NQ/TW), trong bối cảnh tổng thể của vùng Đông Nam Bộ, tiểu vùng ven biển được xác định gồm khu vực Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) và tỉnh BR-VT là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển. Cụ thể, bao gồm phát triển cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu, du lịch biển, đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ; phát triển Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.

Nhận thức được tầm quan trọng của mình, tỉnh đã triển khai thực hiện Nghị quyết về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với tinh thần xuyên suốt là “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh”. Đồng thời, với những chủ trương, chính sách, chiến lược cụ thể, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên biển để phát triển nền kinh tế biển mạnh và bền vững, thời gian qua BR-VT đã bám sát tình hình thực tiễn, phát huy và tận dụng có hiệu quả những thế mạnh vượt trội của địa phương.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, để hướng đến phát triển kinh tế biển vững mạnh, tỉnh đã và đang tập trung đẩy mạnh huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả cho phát triển theo mục tiêu đã xác định. Cùng đó, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển và một số lĩnh vực tiên phong, mũi nhọn; xây dựng tốt môi trường đầu tư kinh doanh, công khai, minh bạch các thông tin và thủ tục hành chính.

Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện chuyển đổi số và đô thị thông minh; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới hình thành một số DN địa phương đủ năng lực để tham gia liên kết, liên doanh với các tập đoàn kinh tế lớn, tận dụng hiệu ứng lan tỏa của các khu kinh tế ven biển để nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển.

Mới đây, Bộ KH-ĐT cũng đã thông qua Quy hoạch tỉnh BR-VT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo quy hoạch này, mục tiêu đến năm 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức, đặc biệt là phát huy tối đa vai trò, vị trí của BR-VT trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến năm 2050, BR-VT trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; đồng thời là trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam bộ.

Quy hoạch đồng bộ, hiện đại

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu trên, BR-VT tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo 4 vùng chức năng gồm: 3 vùng lãnh thổ trên đất liền và 1 vùng không gian biển - hải đảo, đồng thời hình thành các trục kinh tế động lực. Đó là vùng chức năng công nghiệp - dịch vụ - đô thị - cảng biển, BR-VT sẽ phát triển theo hướng Bắc - Nam. Trong vùng chức năng này sẽ tập trung phát triển công nghiệp, cảng biển và phát triển đô thị với động lực kinh tế chủ yếu dịch vụ phục vụ công nghiệp và cảng biển, dịch vụ đa ngành; Kết nối chặt chẽ về không gian kinh tế với vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng Đông Nam Bộ; gắn kết với hành lang kinh tế Đông Tây phía Nam của quốc gia (Mộc Bài - TP.Hồ Chí Minh - Vũng Tàu) và với hành lang kinh tế Xuyên Á. Cũng trong vùng chức năng này, BR-VT sẽ tập trung hình thành 2 động lực phát triển là trục động lực phát triển dọc sông Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng, QL51, trục động lực phát triển mới dọc cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh.

Thu hút đầu tư có chọn lọc nhằm đưa BR-VT phát triển xanh, bền vững. Trong ảnh: Sản xuất Polyropylene tại Công ty Hyosung.
Thu hút đầu tư có chọn lọc nhằm đưa BR-VT phát triển xanh, bền vững. Trong ảnh: Sản xuất Polyropylene tại Công ty Hyosung.

Vùng chức năng du lịch và đô thị du lịch ven biển theo hướng Đông Bắc - Tây Nam chủ yếu phát triển du lịch, các dịch vụ phục vụ du lịch. Vùng chức năng nông nghiệp và cân bằng sinh thái nằm ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh. Vùng không gian biển và hải đảo, tỉnh sẽ quy hoạch phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; phát triển điện gió trên vùng biển gần bờ ngoài khơi các huyện Xuyên Mộc và Đất Đỏ.

Đặc biệt, tỉnh cũng xác định đa dạng hóa và chủ động khai thác các nguồn lực để đầu tư cho một số lĩnh vực kinh tế biển mũi nhọn; đồng thời, hình thành hệ sinh thái logistics không chỉ cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải mà cả cho sân bay quốc tế Long Thành; phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng trở thành ngành kinh tế chủ lực, hỗ trợ ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác của tỉnh phát triển...

Để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, BR-VT xác định phát triển hạ tầng giao thông là một trong các giải pháp trọng yếu. Đáng chú ý theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ có tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84km. Sau năm 2030, tỉnh sẽ xây dựng 2 tuyến đường sắt đô thị, gồm: Tuyến Metro kết nối các trung tâm đô thị Vũng Tàu - Bà Rịa - Phú Mỹ với đô thị Long Thành (thuộc tỉnh Đồng Nai); tuyến MonoRail kết nối các đô thị du lịch ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu để phục vụ du lịch.

Với cảng hàng không, sân bay, BR-VT định hướng phát triển Cảng hàng không Côn Đảo và 2 sân bay chuyên dùng là sân bay Gò Găng (thay thế sân bay Vũng Tàu hiện hữu) và sân bay Đất Đỏ.

Về cảng biển, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, BR-VT sẽ có 7 khu bến và các bến cảng ngoài khơi. Cùng với đó là hành lang vận tải thủy nội địa tuyến Vũng Tàu - Thị Vải – TP. Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ, với quy mô vận tải hàng hoá đến năm 2030 đạt khối lượng vận tải khoảng 31,5 - 35,5 triệu tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, tỉnh cũng ưu tiên tạo lập môi trường sống an toàn, trong lành, có chất lượng cao; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, kinh tế phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, trung hòa cac-bon và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”. “BR-VT hướng tới sự phát triển năng động và bền vững, trên cơ sở bảo đảm các yếu tố then chốt: “Hạ tầng tốt, môi trường tốt, nhân lực tốt”, ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, BR-VT đặt mục tiêu đến năm 2030 cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam bộ và của quốc gia, đến năm 2030 trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức.  Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 khoảng 8,4-8,6%/năm. GRDP bình quân đầu người (không tính dầu khí) đến năm 2030 khoảng 18.000-18.500 USD. Cơ cấu kinh tế (GRDP) đến năm 2030: công nghiệp - xây dựng 58,0-58,5%; dịch vụ 29,0-29,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 6,0-6,5%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) khoảng 6,5-6,7%.
Đến năm 2050, BR-VT trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; đồng thời là trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ.

NHÓM PV KINH TẾ

;
.