Cảng biển khởi sắc

Chủ Nhật, 21/10/2018, 16:12 [GMT+7]
In bài này
.

9 tháng đầu năm 2018, lượng tàu vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) tăng 40% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó hơn 50% tàu trọng tải lớn (trên 80.000 tấn). Kết quả này cho thấy những dấu hiệu lạc quan, tích cực, tạo đà để kinh tế cảng biển phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TX.Phú Mỹ).
Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TX.Phú Mỹ).

Những ngày này, cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) khá nhộn nhịp. Hàng đoàn xe tải nối đuôi nhau vào khu vực cầu cảng vận chuyển hàng. Tại cầu cảng, tàu Guthorm Maersk, trọng tải 11.000 Teus, cập cảng lúc 3 giờ sáng để làm hàng đi Mỹ. Cảng TCIT đã phải huy động tối đa nhân lực và phương tiện, thiết bị khẩn trương bốc xếp hàng hóa, giải phóng tàu trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, vào tháng 6-2018, cảng TCIT đã đón tàu One Stork, trọng tải 139 ngàn tấn, sức chở lên đến 14.028 Teus của hãng tàu Ocean Network Express (ONE). Việc tàu One Stork cập cảng TCIT đã đánh dấu mốc cho sự phát triển dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển trực tiếp từ cảng TCIT nói riêng và Việt Nam nói chung đến các cảng của Mỹ mà không qua cảng trung chuyển. Ông Trần Khánh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng thành viên cảng TCIT cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, do nhu cầu xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa tăng cao, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh của hàng nội địa trong những tháng đầu năm 2018 đã giúp cảng TCIT nhộn nhịp hơn. Sản lượng thông qua cảng đạt khoảng 1,1 triệu Teus, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là năm thứ 3 liên tiếp TCIT đã vượt mốc hơn 1 triệu Teus hàng hóa XNK thông qua cảng. Trong số 21 tuyến dịch vụ hiện hữu tại khu vực Cái Mép, TCIT đang đón 10 tuyến dịch vụ quốc tế, bao gồm: 7 tuyến đi Mỹ và Canada, 1 tuyến đi châu Âu, 2 tuyến nội Á. Ngoài ra, hàng tuần, TCIT đón 4-5 chuyến nội địa và 10 tuyến sà lan đi Campuchia. 

Tương tự, từ đầu năm đến nay, cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cũng tấp nập tàu vào “ăn hàng”. Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc CMIT cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, CMIT đón 180 chuyến tàu mẹ cập cảng, với tổng sản lượng thông qua cảng đạt hơn 1 triệu Teus, tăng 10% so với năm 2017. Trước đó, vào tháng 5-2018, cảng CMIT đã được Bộ GT-VT và Cục Hàng hải Việt Nam cho phép tiếp nhận tàu trọng tải 194.000DWT/sức chở 21.500 Teus cập cảng hàng tuần. Theo kế hoạch, các hãng tàu sẽ đưa tàu loại này vào CMIT làm hàng trong năm 2019.

Tàu trọng tải lớn cập cảng CMIT (TX. Phú Mỹ) làm hàng. 
Tàu trọng tải lớn cập cảng CMIT (TX. Phú Mỹ) làm hàng. 

Thống kê của Sở GT-VT cho thấy, 9 tháng đầu năm 2018, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 49,9 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó hàng container đạt 18,6 triệu tấn (tương đương 2,07 triệu Teus), tăng 19%. Để có kết quả này, ngoài nguyên nhân do tình hình XNK từ đầu năm đến nay tăng trưởng ấn tượng, thì việc tăng cường các giải pháp gỡ khó cho hoạt động cảng cũng được các cơ quan chức năng tích cực triển khai. Cụ thể như, Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện 11 thủ tục hành chính đối với tàu thuyền vào và rời cảng biển tại toàn bộ 25 cảng vụ hàng hải. Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 31/101 thủ tục hành chính nhằm gỡ bỏ các rào cản không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Trong 5 năm trở lại đây, cụm cảng nước sâu CM-TV liên tục nằm trong danh sách các cảng có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới, với mức tăng đạt 22,7%, cao thứ 6 trên thế giới và cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam, đến nay, mục tiêu cụm cảng CM-TV trở thành cảng trung chuyển quốc tế vẫn chưa đạt được. Lực cản của mục tiêu trên là do công suất cảng còn thấp, hạ tầng kết nối liên cảng thiếu, chưa đồng bộ; hạ tầng đường thủy từ TP.Hồ Chí Minh đến CM-VT chưa hoàn thiện. Các DN vận tải biển vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do các dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải triển khai chậm do vướng mắc trong thủ tục về bảo vệ môi trường. Do đó, để CM-TV đạt được mục tiêu trở thành cảng trung chuyển quốc tế, cần có các giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cụ thể như: Không đầu tư mới cảng container tại CM-TV; đầu tư hoàn thiện hạ tầng cứng và hạ tầng mềm của cảng; đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong khu vực cảng; điều chỉnh giảm khung giá áp dụng cho dịch vụ xếp dỡ hàng trung chuyển quốc tế để cạnh tranh hơn so với các cảng trong khu vực; bảo đảm tiến độ các công trình hạ tầng giao thông kết nối cảng…

Bài, ảnh: THANH NGA

;
.