Cách tính giá điện mới như thế nào?

Thứ Sáu, 22/03/2019, 16:05 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 20-3, Bộ Công thương đã công bố tăng giá điện thêm 8,36%. Ngành điện đã chủ động đo ghi đồng hồ ngay sau khi có quyết định tăng giá điện của Bộ Công thương để làm cơ sở tính toán giá điện chính xác. 

Nhân viên Công ty Điện lực BR-VT lắp đặt công tơ điện cho người dân.
Nhân viên Công ty Điện lực BR-VT lắp đặt công tơ điện cho người dân.

Theo giá điện Bộ Công thương công bố ngày 20-3, với mức tăng 8,36%, giá điện tăng từ 1.720 đồng lên 1.850 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang: từ 0-50kWh có mức giá 1.678 đồng/kWh; từ 51-100kWh giá 1.734 đồng/kWh; từ 101 - 200 kWh giá 2.014 đồng/kWh; từ 201-300 kWh giá 2.536 đồng/kWh; từ 301-400 kWh giá 2.834 đồng/kWh; từ 401 kWh trở lên áp dụng giá 2.927 đồng/kWh. Giá bán lẻ điện sinh hoạt dùng công tơ thẻ trả trước là 2.461 đồng/kWh. 

Đối với các ngành sản xuất, giá bán lẻ điện cấp điện áp từ 110kV trở lên, trong giờ bình thường là 1.536 đồng/kWh, giờ thấp điểm là 970 đồng/kWh và giờ cao điểm là 2.759 đồng/kWh. Với cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV, giờ bình thường là 1.555 đồng/kWh, giờ thấp điểm là 1.007 đồng/kWh và giờ cao điểm là 2.871 đồng/kWh. Cấp điện áp từ 6kV đến dưới 22kV, trong giờ bình thường là 1.611 đồng/kWh, giờ thấp điểm là 1.044 đồng/kWh và giờ cao điểm là 2.964 đồng/kWh.

Nhân viên Điện lực Long Điền kéo dây điện tại khu vực xã Tam Phước, huyện Long Điền.
Nhân viên Điện lực Long Điền kéo dây điện tại khu vực xã Tam Phước, huyện Long Điền.

Theo mức tăng này, với 6 bậc thang sử dụng cho khách hàng sinh hoạt, người dân sẽ phải trả thêm số tiền dao động từ 7.000 đồng đến hơn 77.000 đồng/tháng tùy mức độ sử dụng. Cụ thể, với bậc 1 từ 0-50kWh, người tiêu dùng sử dụng đến 50kWh sẽ chịu chi phí tăng thêm khoảng 7.000 đồng; bậc 2 từ kWh 51-100 kWh, người tiêu dùng sử dụng đến 100 kWh phải trả thêm khoảng 14.000 đồng; bậc 3 từ 101-200 kWh, người tiêu dùng nếu sử dụng đến 200 kWh phải trả thêm 31.600 đồng; bậc 4 từ 201-300 kWh, khách hàng sử dụng đến 300 kWh phải trả thêm khoảng 53.100 đồng; với mức trên 400kWh, khách hàng trả thêm khoảng 77.200 đồng.  

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 370 ngàn khách hàng sử dụng điện. Để bảo đảm tính giá điện đúng, chính xác cho DN, người dân, ngay sau khi Bộ Công thương công bố giá điện mới, Công ty đã chỉ đạo Điện lực các địa phương tiến hành chốt số điện tại công tơ điện đến ngày 20-3 và theo dõi để chốt số điện theo chu kỳ ghi điện hàng tháng sau ngày 20-3 làm cơ sở tính giá điện mới. Khách hàng sử dụng điện thuộc đối tượng nào sẽ được tính giá điện theo đối tượng đó và giá bán điện vẫn được thực hiện theo phương pháp nội suy theo 6 bậc giá điện đã quy định. Đối với điện sinh hoạt, tổng số điện trong tháng sẽ được chia cho 30 ngày trong tháng và số điện từ đầu tháng đến 20-3 tính theo giá cũ, số điện sau ngày 20-3 được tính theo giá mới. “Chẳng hạn, khách hàng A (định mức 1 hộ) có lượng điện năng tiêu thụ trong tháng là 350kWh với ngày ghi điện của tháng 4 là 7-4; ngày ghi điện kỳ trước (tháng 3-2019) là ngày 7-3 và ngày áp dụng giá bán điện mới là ngày 20-3. Cách tính tiền điện sẽ được tính như sau: Số ngày sử dụng điện thực tế là 31 ngày (từ 8-3 đến 7-4), trong đó, số ngày sử dụng theo đơn giá cũ là 12 ngày (từ 8-3 đến 19-3) với sản lượng điện tiêu thụ theo đơn giá cũ là 135kWh (350kWh x 12 ngày/31 ngày), số ngày sử dụng điện theo đơn giá mới là 19 ngày (từ ngày 20-3 đến 7-4) với sản lượng điện tiêu thụ theo đơn giá mới là 215kWh (350 kWh-174 kWh). Như vậy, 135kWh sẽ được áp dụng theo bậc thang giá cũ và 215kWh sẽ được áp dụng theo bậc thang giá mới”, ông Trần Thanh Hải giải thích.

Riêng với DN, ngành điện chốt số điện đúng ngày 21-3 và số điện sử dụng đến ngày 21-3 bao nhiêu kWh sẽ tính theo mức giá cũ, còn số điện sử dụng sau ngày 21-3 sẽ tính theo giá điện mới. Đối với người nghèo, các hộ chính sách, sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng, Chính phủ hỗ trợ hơn 50.000 đồng/tháng.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.