10 NĂM THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG "NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM":

Hàng Việt đã chinh phục niềm tin người tiêu dùng

Thứ Ba, 28/05/2019, 19:11 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động, hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng; là động lực để DN nâng cao chất lượng và sự cạnh tranh trên thị trường, đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. Đó là đánh giá tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2009-2019, do UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức sáng 28-5.

Đồng chí Phạm Tấn Công, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DN Trung ương, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Cuộc vận động, giai đoạn 2009-2019.
Đồng chí Phạm Tấn Công, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DN Trung ương, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Cuộc vận động, giai đoạn 2009-2019.

CẢ CỘNG ĐỒNG CÙNG VÀO CUỘC

Ông Nguyễn Kế Toại, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho biết, sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam) đã giúp các DN, nhà sản xuất nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng... Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, các cấp hội, ban, ngành liên quan đã đưa cuộc vận động đến gần hơn với người tiêu dùng, giúp họ có cái nhìn tích cực hơn đối hàng Việt Nam. Kết quả, các cấp Hội LHPN đã vận động 989.520 chị em sử dụng hàng trong nước đạt chất lượng cao; Sở Công thương tổ chức 151 phiên chợ hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh, thu hút hơn 1 triệu lượt khách tham quan, mua sắm, đạt tổng doanh thu hơn 82,7 tỷ đồng; mở 5 điểm bán hàng Việt với tên gọi “ Tự hào hàng Việt” tại các huyện: Đất Đỏ, Châu Đức, Long Điền, Côn Đảo và TX. Phú Mỹ… Bên cạnh đó, công tác đấu tranh ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quy định ATTP cũng được đẩy mạnh.

Đồng chí Bùi Thanh Nghĩa, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân xuất sắc trong 10 năm thực hiện cuộc vận động (giai đoạn 2009-2019).
Đồng chí Bùi Thanh Nghĩa, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân xuất sắc trong 10 năm thực hiện cuộc vận động (giai đoạn 2009-2019).

10 năm triển khai Cuộc vận động cho thấy, hàng Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường nội địa. Các hệ thống bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã trở thành cánh tay nối dài đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm hàng hóa được cải thiện về mẫu mã, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời các DN không ngừng thay đổi cách thức phân phối hàng hóa, triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mãi kích thích sức mua. 

Ông Trần Khánh Ngọc, Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu cho biết, hơn 10 năm hoạt động, kinh doanh tại BR-VT, Co.op Mart Vũng Tàu luôn tích cực hưởng ứng Cuộc vận động bằng chương trình khuyến mãi “Tự hào hàng Việt” được tổ chức định kỳ vào tháng 9 hàng năm tại siêu thị; đưa hàng Việt về phục vụ các bà con vùng sâu, vùng xa, công nhân lao động tại KCN và huyện Côn Đảo; tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn với hơn 250 mặt hàng Việt có chất lượng, bảo đảm an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng và giá cả hợp lý.

Còn ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Phương Khoa (40 Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) cho biết, khi tham gia Cuộc vận động, Công ty có nhiều cơ hội phát triển thị trường và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Đây là động lực giúp công ty tiếp tục đầu tư thêm máy móc, thiết bị để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Cụ thể, Công ty đã đầu tư hơn 400 triệu đồng mua máy massa thịt để rút ngắn quy trình ướp thịt dambon từ 7-8 ngày xuống còn 48 tiếng; 1,2 tỷ đồng mua lò sấy, hấp, hun khói của Đức để tăng công suất lên gấp 2 lần so với lò cũ, chất lượng cao hơn, tỷ lệ hao hụt giảm, góp phần giảm giá thành và cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập cùng loại.

Khách hàng chọn mua hàng tại điểm bán hàng cố định “Tự hào hàng Việt” tại huyện Châu Đức. Ảnh: VÂN ANH
Khách hàng chọn mua hàng tại điểm bán hàng cố định “Tự hào hàng Việt” tại huyện Châu Đức. Ảnh: VÂN ANH

ĐỂ HÀNG VIỆT LUÔN LÀ LỰA CHỌN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG

Mặc dù cuộc vận động đã được tỉnh BR-VT triển khai có hiệu quả, góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, tại hội nghị, đại diện các địa phương, DN cho rằng, để Cuộc vận động tiếp tục được triển khai sâu rộng hơn nữa cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường sự sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, các DN, nhà sản xuất trong việc thực hiện Cuộc vận động, trong đó gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các DN đẩy mạnh đầu tư về dây chuyền công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến về mẫu mã, xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nếu các DN không chủ động nâng cao chất lượng sản xuất, tăng liên kết chuỗi để phát triển thị trường sẽ bị “lép vế” ngay trên chính sân nhà.

Nệm Hera - thương hiệu nệm của doanh nhân Việt Nam. Trong ảnh: Nhân viên cửa hàng nệm Hera (đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Vũng Tàu) đóng gói sản phẩm cho khách hàng.
Nệm Hera - thương hiệu nệm của doanh nhân Việt Nam.
Trong ảnh: Nhân viên cửa hàng nệm Hera (đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Vũng Tàu) đóng gói sản phẩm cho khách hàng.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Kế Toại, hiện nay hàng nhập lậu vào Việt Nam giá rẻ, mẫu mã phong phú là thách thức lớn đối với các DN sản xuất chân chính trong nước. Trong đó, nhiều DN vẫn còn chưa tích cực hưởng ứng cuộc vận động, chưa chú trọng khai thác thị trường nội địa. Công tác đấu tranh phòng chống gian lận thương mại chưa đạt yêu cầu, tình trạng hàng gian, hàng giả, không bảo đảm ATTP vẫn tồn tại nhiều trên thị trường, gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và giảm uy tín của hàng Việt.

Nhiều chương trình quảng bá hàng Việt tạo lan tỏa
Chương trình bán hàng bình ổn giá, các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt đã tạo nguồn cung sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Từ năm 2009 đến nay, Trung tâm XTTM tỉnh đã thực hiện 291 chương trình hỗ trợ DN thực hiện Cuộc vận động gồm: Tổ chức 10 hội chợ triển lãm trên địa bàn tỉnh; tham gia 54 hội chợ triển lãm trong nước; tổ chức 126 đợt/357 điểm bán hàng Việt; xây dựng 9 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” và 1 mô hình phân phối đặc thù phục vụ sản xuất và tiêu dùng tại huyện Côn Đảo; tổ chức, tham gia 29 chương trình kết nối giao thương, hội thảo... Kết quả, tổng doanh thu đạt khoảng 217 tỷ đồng, 344 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết trị giá 119,6 tỷ đồng.

Do đó, để cuộc vận động đi vào chiều sâu, thời gian tới, cần đôn đốc các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tăng cường thực hiện nhiệm vụ được phân công; thường xuyên phổ biến các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết để DN nắm bắt, tận dụng được lợi thế và nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho DN. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy mạnh đưa hàng Việt vào các kênh phân phối hiện đại, truyền thống; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu…

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.