Bước đệm quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử

Thứ Sáu, 28/02/2020, 22:03 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, BR-VT liên tục nằm trong Top 10 địa phương có nhiều nỗ lực và đạt hiệu quả trong phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam. Ứng dụng CNTT đã và đang từng bước giúp các cơ quan Nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành; thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC), rút ngắn khoảng cách giữa bộ máy Nhà nước với người dân và DN. Đó là những bước đệm quan trọng trong quá trình xây dựng mô hình chính quyền điện tử của tỉnh BR-VT.

Người dân sử dụng ứng dụng quy hoạch đất đai trên điện thoại do Sở TN-MT cung cấp.
Người dân sử dụng ứng dụng quy hoạch đất đai trên điện thoại do Sở TN-MT cung cấp.

NGƯỜI DÂN, DN ĐƯỢC LỢI

Ngày đầu tuần, tại bộ phận một cửa UBND TP. Vũng Tàu, chị Phan Thị Bình (ngụ tại 212 Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) đến làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Chị Bình cho biết, trước đây, để làm thủ tục này chị phải xếp hàng chờ đợi, nhờ nhân viên hướng dẫn thủ tục, photo các loại giấy tờ cần thiết… Sau đó 2-3 ngày chị mới hoàn thành các thủ tục này. Nhưng bây giờ, tất cả các bước hướng dẫn, giấy tờ, chứng từ cần thiết để làm thủ tục đã có sẵn trên cổng thông tin điện tử của TP. Vũng Tàu, người dân có thể xem và chuẩn bị trước. Ngày trong tuần, vào giờ hành chính, chị Bình chỉ cần đến bộ phận một cửa TP. Vũng Tàu nhấn nút lấy số thứ tự, chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ là thủ tục của chị đã hoàn thành.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của DN về nâng cao chất lượng dịch vụ công, vừa qua Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh đã thử nghiệm hệ thống quản lý cấp phép điện tử phương tiện ra - vào bến cảng đường thủy nội địa. Công tác cấp phép được kết nối trực tiếp với hệ thống thông tin tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cổng thông tin điện tử quốc gia giúp cho các cơ quan chức năng có thể kiểm tra hồ sơ phương tiện trên hệ thống, lịch sử hành trình, lịch sử vi phạm, kết nối đến dữ liệu đăng kiểm... Ông Nguyễn Đỗ Hải Thuận, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết: “Phần mềm quản lý CNTT sẽ đơn giản hóa các TTHC tại cảng bến thủy nội địa giúp người dân, DN có thể giao tiếp mọi nơi, mọi lúc, tiết kiệm thời gian và chi phí trong hoạt động kinh doanh vận tải”.

Lĩnh vực nhiều hồ sơ, thủ tục nhất là lĩnh vực đất đai, đánh giá tác động môi trường, cấp phép khoáng sản… Thời gian trước, những thủ tục này luôn là nỗi ám ảnh của DN thì nay mọi việc đã đơn giản hơn khi ngành TN-MT đưa  nhiều giải pháp về CNTT trong cải cách TTHC. Cụ thể, từ cuối tháng 8/2018 đến nay, Sở TN-MT phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện đề án “Triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích”. Bà Vũ Thị Thanh Vân, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực TN-MT rất chi tiết và nhiều thủ tục. Nhưng nhờ cách làm khoa học, việc áp dụng giải quyết TTHC trực tuyến được xử lý nhanh gọn nên giảm bớt thời gian đi lại cho người dân và DN. Sau khi có kết quả giải quyết hồ sơ, Sở TN-MT có trách nhiệm phê duyệt trên phần mềm cho khách hàng tiện theo dõi kết quả giải quyết hồ sơ. Cuối cùng, Bưu điện theo dõi để nhận kết quả hồ sơ và chuyển trả về tại địa chỉ của khách hàng đối với trường hợp khách hàng có yêu cầu chuyển phát qua bưu điện…

PHÁT TRIỂN THEO MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 5/4/2016. Hiện đơn vị đang sử dụng 2 phần mềm dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận hồ sơ. Các phần mềm này có chức năng rà soát, cập nhật đầy đủ 2.274 TTHC kèm theo bảng, biểu mẫu thuộc thẩm quyền giải quyết của 19 đơn vị. Các TTHC được đăng tải công khai trên trang thông tin dịch vụ công http//dichvucong.baria-vungtau.gov.vn để công dân tiện tra cứu, tìm hiểu từ xa tiến độ giải quyết hồ sơ của mình.

Ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Sở TT-TT cho biết, thời gian qua, toàn tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đẩy nhanh việc triển khai chính quyền điện tử, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm gắn kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, lấy người dân, DN làm trung tâm. 

Theo Sở TT-TT, tính đến tháng 2/2020, tỉnh đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 cho 18 sở, ban, ngành, 8 huyện, thị, thành phố và 64 đơn vị cấp xã, cấp huyện. Cụ thể, TTHC mức độ  3 có 1.043 thủ tục, mức độ 4 có 377 thủ tục. Ngoài ra, tỉnh cũng đã đưa vào vận hành, sử dụng trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh theo hình thức thuê dịch vụ; nâng cấp mạng WAN cho các sở, ngành, địa phương...

Theo ông Lâm, công tác triển khai xây dựng chính quyền điện tử theo Nghị quyết 17/NQ-CP đã đạt được một số kết quả tích cực: từng bước hoàn thiện khung pháp lý về xây dựng Chính quyền điện tử; cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 cơ bản đáp ứng theo lộ trình của Chính phủ và của địa phương… Mục tiêu của BR-VT là lọt vào tốp đầu cả nước về ứng dụng CNTT; đồng thời thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Do đó, từ ngày 1/7/2017, toàn bộ các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã chấm dứt việc chuyển văn bản giấy. Ngoài ra, các đơn vị cũng tăng cường ứng dụng chữ ký số; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh... Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, thành phố, huyện, xã, phường trên địa bàn tỉnh đã xử lý văn bản hoàn toàn trên mạng Internet bằng phần mềm eOffice và liên thông văn bản 4 cấp (từ xã đến Chính phủ); tích hợp chữ ký số trong xử lý văn bản (đã có 14 đơn vị sử dụng chữ ký số); 100% phường, xã, huyện, thành phố ứng dụng phần mềm một cửa điện tử trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ TTHC liên thông. Các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được cấp phát với hơn 8.000 tài khoản người dùng. Khoảng 80% CBCC-VC sử dụng thư công vụ trong trao đổi công việc. Tháng 1/2020, UBND tỉnh cũng đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh BR-VT và kết nối đồng bộ với Cổng dịch vụ công Chính phủ, trong đó công khai việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC của từng cá nhân, tổ chức trên môi trường trực tuyến.

Bài, ảnh: SONG THƯ

;
.