.

Bán thức ăn online đắt hàng

Cập nhật: 06:58, 11/04/2020 (GMT+7)

Trong thời gian tạm nghỉ việc hoặc làm việc tại nhà do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều chị em phụ nữ “khéo tay, hay làm” đã nghĩ ra cách kiếm tiền từ việc nấu thức ăn bán online. Nhờ vào sự khéo léo, năng động mà nghề tay trái này trở thành thu nhập chính giúp gia đình không bị “hẫng hụt” nguồn tài chính do phải nghỉ việc tạm thời để phòng, chống dịch COVID-19.

Chị Hải chia xúc xích theo các đơn hàng để giao cho khách.
Chị Hải chia xúc xích theo các đơn hàng để giao cho khách.

ĐA DẠNG MÓN ĂN

5 giờ sáng hàng ngày, chị Cao Thị Hải (240/48C, Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) đã  có mặt tại chợ Chí Linh, chọn mua các loại nguyên liệu thịt heo, tai heo, mộc nhĩ… về làm các món giò lụa, giò thủ, xúc xích để kịp giao cho khách đã đặt từ hôm trước. Chị Hải là công nhân may của Công ty TNHH Hikosen Cara (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu). Do ảnh hưởng của dịch  COVID-19 nên chị tạm thời nghỉ việc. Thời gian rảnh rỗi ở nhà, chị thử sức với nghề mới là làm các món ăn và bán online để có thêm thu nhập. “Lúc đầu cứ tưởng làm cho vui nhưng không ngờ đơn hàng ngày nào cũng có, nhờ vậy, bình quân mỗi ngày tôi cũng kiếm được 200-400 ngàn đồng tiền lãi, đủ để trang trải cho gia đình”, chị Hải nói thêm.

Kinh doanh online đang trở thành cứu cánh cho rất nhiều ngành nghề, đặc biệt là trong ngành hàng dịch vụ ẩm thực. Bán thức ăn online còn là công việc dễ kiếm ra tiền cho những người lao động tạm thời “thất nghiệp” trong mùa dịch. Chị Lê Bích Ngà (07, Đồ Chiểu, Phường 1, TP.Vũng Tàu) cho biết, dù “thất nghiệp” nhưng chị luôn bận rộn chuẩn bị các mặt hàng nông sản sạch, chế biến nhiều món ăn bán online để kiếm thêm thu nhập. Vốn là người biết nấu ăn ngon, cộng với sự khéo léo, chị đã chế biến rất nhiều món ăn phù hợp khẩu vị của nhiều đối tượng như: bí sữa chưng yến, bí sữa nhồi thịt, mì Quảng, bông atiso hầm chân giò, chả lụa ớt xiêm xanh, sữa chua phô mai hoặc trà xanh và các món ăn vặt như: bánh béo, bánh bột lọc trần. Ngoài ra, chị Ngà còn nhận đi chợ giùm khách các mặt hàng nông sản của Đà Lạt như: cà rốt, bông atiso, khoai tây, cà chua, bí sữa, bí đỏ… Đây là các  món ăn ít “đụng hàng” nên “bếp” của chị Ngà luôn đắt khách. Trước đây chị chỉ bán cho khách đến mua tại cửa hàng, nay do dịch nên chị bán thêm online, nhờ đó lượng đặt hàng nhiều gấp đôi. Bình quân mỗi ngày chị Ngà kiếm được từ 300-500 ngàn đồng từ bán thức ăn online.

Dạo quanh các trang Facebook, Zalo, các sản phẩm rao bán rất đa dạng: rau câu, bánh chưng, bánh da heo, các loại chè, khô gà lá chanh, chà bông, các loại cá một nắng, cá nướng, chân gà ngâm sả tắc, xoài lắc… Nhiều người còn nhanh ý chế biến nhiều loại gia vị có khả năng tăng sức đề kháng như sả, tắc, lá chanh, tỏi cô đơn để tăng giá trị sản phẩm.

Chị Ngà chuẩn bị các mặt hàng nông sản để gói giao cho khách. Ảnh: THỤY NHIÊN
Chị Ngà chuẩn bị các mặt hàng nông sản để gói giao cho khách. 

TÌM MUA Ở NHỮNG NƠI UY TÍN

Việc kinh doanh các loại thức ăn online không những giúp người bán có thêm nguồn thu nhập mà theo các khách hàng dịch vụ này là giải pháp giúp người tiêu dùng hạn chế đi mua sắm ở chợ, siêu thị, tránh tập trung đông người trong mùa dịch COVID-19. Chị Nguyễn Thu Hương (Trung tâm Đô thị Chí Linh, Phường 10, TP.Vũng Tàu) cho biết, bây giờ dịch vụ đặt thức ăn online rất phát triển, các món ăn đa dạng, “thượng vàng hạ cám” gì cũng có từ: vịt quay Bắc Kinh, gà ác tẩm thuốc bắc, gà bó xôi, bò bít tết… Hầu hết các món ăn được họ chọn lựa khá kỹ nên chất lượng bảo đảm. “Gia đình tôi thường thích tổ chức các hoạt động ăn uống tại nhà thay vì tới nhà hàng nhưng lại ngại nấu nướng. Vì thế mỗi lần tụ tập, tôi thường đặt sẵn các món ăn tại một số mối quen để được ship tận nhà. Dịch vụ rất nhanh gọn và tiện lợi. Thời gian này do dịch bệnh, các dịch vụ bán online này đã giúp người dân hạn chế ra ngoài, góp phần bảo đảm an toàn dịch bệnh”, chị Hương nói. 

Việc đặt thức ăn online hiện tại được xem là biện pháp hữu ích để hạn chế người dân ra đường. Tuy nhiên, có một thực tế là những người bán thức ăn online chủ yếu qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, hầu hết không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm, về hạn sử dụng, thành phần, nguồn gốc nguyên liệu. Theo đó, người bán chỉ cam kết chất lượng bằng miệng. Còn việc khách hàng mua thực phẩm online hầu như bằng niềm tin là chính. Do đó, người tiêu dùng cần cân nhắc hơn trong mua sắm, cần chọn mua thực phẩm ở những nơi uy tín, người quen, có nguồn gốc rõ ràng để có thể bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình.

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN 

.
.
.