Cảng biển vẫn giữ nhịp tăng trưởng

Thứ Sáu, 28/08/2020, 20:10 [GMT+7]
In bài này
.

Dù hoạt động hàng hải vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng lượng hàng hóa thông qua cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) vẫn tăng trưởng tốt. Các DN cảng kỳ vọng, nhịp độ tăng trưởng này vẫn duy trì trong thời gian tới khi EVFTA có hiệu lực.

Hiện hàng hóa xuất khẩu đi tới bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ  ngày càng thuận tiện, chỉ từ 17-20 ngày.  Trong ảnh: Bốc xếp hàng XNK tại cảng TCIT.
Hiện hàng hóa xuất khẩu đi tới bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ ngày càng thuận tiện, chỉ từ 17-20 ngày. Trong ảnh: Bốc xếp hàng XNK tại cảng TCIT.

HÀNG ĐI MỸ CHỈ CÒN 17 NGÀY

Từ đầu năm đến nay, hàng container thông qua cảng biển đạt hơn 2,3 triệu TEUs, tăng 17%. Theo các DN cảng biển, dù hoạt động hàng hải chưa thoát khỏi ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên, một số cảng trong cụm CM-TV vẫn có khối lượng hàng hóa tăng cao như: TCIT tăng 20%, TCTT tăng 80%, SSIT tăng 90%...

Ngày 19/8, tàu mẹ CSCL Uranus trọng tải 156 ngàn tấn, sức chở 18 ngàn TEUs chuyên đi tuyến Á, Âu đã cập cảng Tân Cảng CM-TV để xuất nhập hơn 1.600 TEUs hàng hóa. Chỉ trong vòng 2 giờ, cảng TCTT đã xếp dỡ xong toàn bộ hàng hóa trên để tàu CSCL Uranus tiếp tục hành trình. Ông Phạm Duy Phương, Phó Tổng Giám đốc TCTT cho biết, để đạt được kết quả trên, TCTT đã đầu tư các trang thiết bị xếp dỡ hiện đại, năng suất giải phóng hàng cao, giảm giờ tàu nằm cầu và giảm chi phí cho các hãng tàu. 7 tháng năm 2020, TCIT đạt tốc độ tăng trưởng 25% so với 2019. Từ năm 2017 đến nay TCTT luôn đón trên 100 chuyến tàu mẹ/năm.

Để tăng hiệu quả kinh doanh vận tải, xu thế vận tải container toàn cầu hiện nay là tăng trọng tải và sức chở của “tàu mẹ” trên các tuyến hàng hải quốc tế, cho nên việc sớm đưa vào quy hoạch các cảng có khả năng đón tàu trên 22.000 TEUs tại khu vực CM-TV sẽ giúp giảm thiểu chi phí chuyên chở và đạt được lợi thế kinh tế. Quy hoạch các bến cảng cần đồng bộ với phát triển hệ thống các khu dịch vụ hậu cần sau cảng và có quy hoạch dự trữ quỹ đất để đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo thuận lợi cho các DN, rút ngắn thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa, giảm thiểu chi phí logistics. Phải gắn quy hoạch cảng với quy hoạch các KCN, quy hoạch phát triển kinh tế của vùng và địa phương có cảng.
Đại tá NGUYỄN NĂNG TOÀN
Phó Tổng Giám đốc TCT  Tân Cảng Sài Gòn

Thông tin từ Hiệp hội Cảng biển cho biết, từ đầu năm đến nay, cụm cảng CM-TV có thêm 3 chuyến tàu mẹ cập cảng, nâng tổng số tàu mẹ lên 25 chuyến/tuần so với năm 2019. Trong đó, có 15 chuyến trực tiếp đi châu Âu và Hoa Kỳ. Ngoài ra, hiện hàng hóa xuất khẩu đi tới bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ  ngày càng thuận tiện, chỉ từ 17-20 ngày, rút ngắn hơn từ 3-5 ngày so với 1 năm trước. Việc gia tăng tần suất các chuyến tàu mẹ cập cảng CM-TV đã giúp các DN xuất nhập khẩu trong nước tiết kiệm chi phí, thời gian trong việc vận chuyển hàng tới châu Âu, bờ Đông, bờ Tây của nước Mỹ và ngược lại. Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc cảng Quốc tế Cái Mép - CMIT cho biết, cách đây 5 năm, CM-TV chỉ có 8 chuyến tàu mẹ/tuần, nếu DN bị lỡ 1 chuyến tàu thì phải đợi 1 tuần sau mới có lại. Do đó, việc có 15 chuyến tàu hàng tuần đi thẳng bờ Đông và bờ Tây rất quan trọng, đem lại sự cạnh tranh cho các cảng biển Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Tàu Yang Ming trọng tải 160 ngàn tấn cập cảng TCIT.
Tàu Yang Ming trọng tải 160 ngàn tấn cập cảng TCIT.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ KHAI THÁC

Mặc dù hệ thống cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng trên địa bàn có rất nhiều tiềm năng, lợi thế, kết quả đạt được trong thời gian vừa qua rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng trên địa bàn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực chưa cao. Theo đánh giá, những con số thể hiện sự tăng trưởng trên còn có thể cao hơn nữa, nếu CM-TV có các yếu tố đồng bộ đi kèm. Ông Vũ Hồng Hùng, Giám đốc Tân Cảng Cái Mép-Thị Vải (TCTT) cho biết, trong những năm gần đây, các DN tại CM-TV đã đầu tư nâng cấp trang thiết bị hạ tầng cảng, hệ thống công nghệ thông tin. Hầu hết các DN đang vận hành các chương trình quản lý, điều hành sản xuất tiên tiến như TOPX, TOPOVN, OTM… giúp giảm 55% thời gian tàu nằm bến cho các hãng tàu; giảm 3/4 thời gian giao nhận hàng hóa cho khách hàng; giảm 60% các vụ việc mất an toàn lao động, an toàn giao thông…. “Thời gian tới, lượng hàng ở CM-TV tiếp tục tăng ở mức 2 con số. Do vậy, TCTT nói riêng và cụm cảng CM-TV nói chung đã sẵn sàng chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để nâng cao hiệu quả khai thác. Theo đó, TCIT sẽ  tiếp tục đầu tư hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Ngoài ra, các DN cảng cũng kiến nghị Nhà nước cần hỗ trợ, tuyến luồng nạo vét -16m, để thường xuyên đón tàu cỡ lớn; tạo hành lang cho các nhà đầu tư, các KCN xây dựng các nhà máy sản xuất các ngành công nghiệp”, ông Vũ Hồng Hùng nói.

8 tháng năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt gần 485,3 triệu tấn; trong đó, lượng hàng container thông qua cảng đạt hơn 13,9 triệu Teus, tăng lần lượt 6% và 8% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tháng 8/2020, khối lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt gần 57,3 triệu TEUs, tăng 2%; trong đó, hàng container đạt hơn 1,7 triệu TEUs, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, theo ý kiến của các chủ đầu tư các KCN, song song với phát triển cảng, cần phải có trung tâm logistics, phải có các ICD (cảng cạn) và kết nối hạ tầng đồng bộ;  phải quy hoạch làm sao để CM-TV trở thành lõi và các vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, sông Cửu Long để nâng cụm cảng lên cạnh tranh khu vực mới phát huy vai trò của CM-TV, nếu không được đánh mất lợi thế cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, nếu có cao tốc từ Biên Hòa về CM-TV thuận tiện, thông thoáng, ít trạm thu phí, cùng với cầu Phước An kết nối thì chắc chắn nhiều DN logistics sẽ chọn thông quan ngay tại CM-TV để chở hàng đi thẳng về nhà máy.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
;
.