Kiểm soát, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại

Thứ Hai, 24/08/2020, 19:42 [GMT+7]
In bài này
.

Từ đầu năm đến nay, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, với nhiều vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Do đó từ nay đến cuối năm, các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng này nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng làm việc với đại diện cửa hàng Nguyễn (KP.Hải Bình, TT. Long Hải, huyện Long Điền) về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng chức năng làm việc với đại diện cửa hàng Nguyễn (KP.Hải Bình, TT. Long Hải, huyện Long Điền) về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

HÀNG GIẢ, HÀNG KÉM CHẤT LƯỢNG TRÀN LAN

Theo Ban Chỉ đạo 389/ĐP về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là BCĐ 389/ĐP), trên địa bàn tỉnh gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhiều người lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh bất hợp pháp, buôn bán hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ, tính năng phát trực tiếp (livestream) ngày càng được nhiều người bán hàng, từ cá nhân đến DN tận dụng để quảng cáo và bán hàng trực tiếp...

Điển hình là ngày 10/8, Đồn Biên phòng Phước Tỉnh phối hợp Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP tỉnh), Công an TT.Long Hải phát hiện một ô tô chở hàng hóa từ cửa hàng “Nguyễn”  (đường Điện Biên Phủ, TT. Long Hải, huyện Long Điền) có nghi vấn nên kiểm tra. Tài xế không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc hàng hóa trên xe. Kiểm tra tại cửa hàng, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục mặt hàng là kính mắt, giỏ xách, vali, giày, dép, quần áo... có nhãn hiệu nước ngoài như Gucci, Chanel, Hermes... Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Vũ Minh Trí, chủ cửa hàng đi vắng, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (vợ ông Trí) không cung cấp được các hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp và nguồn gốc liên quan đến số hàng hóa trên. Qua đấu tranh khai thác, bà Thủy khai nhận số hàng trên được mua từ chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Lớn và chợ An Đông (TP. Hồ Chí Minh) về bán lại để kiếm lời. Hàng ngày, bà Thủy đem các mặt hàng trên livestream trên mạng để bán cho khách. Khi khách đặt hàng thì gần 10 nhân viên tại cửa hàng sẽ ghi lại địa chỉ của khách để chuyển giao hàng. Trung bình mỗi ngày vợ chồng bà bán ra khoảng 60 triệu đồng tiền hàng, chỉ tính riêng trong tháng 7 thu hơn 1,7 tỷ đồng.

Trước đó, qua thẩm tra, xác minh thông tin từ nguồn tin báo của cơ sở về dấu hiệu vi phạm pháp luật, ngày 13/7, Đội quản lý thị trường số 1 (Cục QLTT tỉnh) đã tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng tạp hóa Online Famshop tại địa chỉ 28/11 đường 30/4, phường 9, TP. Vũng Tàu. Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng do bà Nguyễn Hồ Minh Tâm làm chủ đang hoạt động kinh doanh hàng gia dụng nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định. Qua kiểm tra, Đội đã xác định hành vi vi phạm là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc có tổng giá trị 17,5 triệu đồng và 2.641 sản phẩm nhập lậu, tổng giá trị hàng hóa hơn 35 triệu đồng.

Một trường hợp nữa đã được cơ quan chức năng phát hiện xử lý là vụ việc xảy ra vào ngày 10/5. Cụ thể tại khu vực biển cách Vũng Tàu khoảng 13 hải lý về phía Tây Nam, Tổ công tác của Đoàn Trinh sát số 2 - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện tàu LA 05058 TS do ông Huỳnh Văn Hùng (SN 1974, HKTT tại tỉnh Long An) làm thuyền trưởng, có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, tàu đang vận chuyển khoảng 50 tấn đường cát không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp.

TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN

Theo ông Lê Quang Hải, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ 389/ĐP, các đối tượng luôn tìm mọi cách để thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động theo hướng ngày một tinh vi và rất manh động. Đặc biệt, càng về những tháng cuối năm, nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng sẽ tác động trực tiếp đến sự biến động của giá cả và cung cầu dẫn đến tình trạng gian lận thương mại sẽ diễn biến phức tạp và nhiều mặt hàng như: hàng điện tử, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồng hồ, túi xách, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chức năng, bánh kẹo, rượu bia nhập lậu cũng sẽ gia tăng về số lượng.

“Để làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đòi hỏi các lực lượng: Công an, BĐBP, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển… cần tăng cường tuần tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm mà các đối tượng thường vận chuyển trên biển là hàng tiêu dùng, thực phẩm, thuốc lá điếu, rượu, bia, xăng dầu. Các tuyến, điểm “nóng” về buôn lậu như các tuyến giao thông tiếp giáp liên tỉnh, khu vực chợ đầu mối, khu trung tâm thương mại, siêu thị, bến xe, bến tàu, cơ sở sản xuất hàng hóa, vùng biển từ phao số “O”, khu vực cảng biển cần được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ”, ông Hải nói.

Theo Đại tá Phùng Văn Hoài, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, việc đấu tranh với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hoạt động mua bán trái phép xăng, dầu trên biển. Việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa chủ yếu diễn ra vào ban đêm nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng hoặc lợi dụng khi thời tiết trên biển xấu, sóng to, gió lớn để tập kết, sang mạn, vận chuyển, giao nhận hàng lậu ở trên biển hoặc khu vực ven biển. Ngoài ra, các đối tượng còn lắp đặt các thiết bị hiện đại trên tàu để phát hiện lực lượng chức năng, đồng thời cắt cử người canh chừng từ xa. Khi phát hiện có lực lượng chức năng, các đối tượng nhanh chóng điều khiển phương tiện để trốn thoát. Do đó, để công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng tới đạt hiệu quả cao, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát tại các khu vực trọng điểm; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân bao che hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Trong 7 tháng năm 2020, các lực lượng chức năng của tỉnh (Công an, BĐBP, Hải quan, Quản lý thị trường…) đã kiểm tra 666 vụ, phát hiện 157 vụ vi phạm trong hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... Trong đó có 7 vụ kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, 78 vụ kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, 51 vụ gian lận thương mại, 5 vụ buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu, 24 vụ kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc xuất xứ.


MINH NHÂN – PHƯƠNG ANH

;
.