Gắn xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững

Thứ Tư, 30/09/2020, 20:44 [GMT+7]
In bài này
.

Ðích đến của xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao mức sống của người nông dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, việc thực hiện các tiêu chí giảm nghèo gắn với xây dựng NTM là nội dung quan trọng được huyện Long Điền quan tâm thực hiện.

Hộ ông Phạm Văn Hiền (ấp An Đồng, xã An Nhứt) cho thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng từ bán hoa lan.
Hộ ông Phạm Văn Hiền (ấp An Đồng, xã An Nhứt) cho thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng từ bán hoa lan.

NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN TỪ NHIỀU NGUỒN LỰC

Năm học 2020-2021 là năm học thứ 5, thầy và trò Trường TH Võ Văn Kiệt (xã Phước Tỉnh) được học trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp, không còn phải học trong những lớp học xuống cấp như trước đây.

Trường được xây dựng trên diện tích 21.063m2, với 28 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng, khu hiệu bộ, sân chơi, sân bóng rổ, bóng đá và nhà thi đấu đa năng… đáp ứng nhu cầu học tập và vui chơi của học sinh. Bà Lê Thị Thắm, Phó hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết, từ khi xã có trường mới, HS đi học đông đủ hơn. Các em được học 2 buổi/ngày, trường học có các phòng chức năng nên chất lượng dạy và học được nâng lên.

Trường TH Võ Văn Kiệt là một trong những công trình được xây dựng từ nguồn vốn đầu tư cho xã NTM. Các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã Phước Tỉnh như điện, đường, trường, trạm đều phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Ngoài ra, người dân trong xã còn được hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Trong đó, vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP là 246 tỷ đồng, đóng mới 3 tàu dịch vụ hậu cần nghề, 11 tàu lưới rê, 2 tàu chụp mực… Ông Châu Thành Vĩnh (ấp Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh), chủ của cặp tàu khai thác công suất lớn là một trong số những hộ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 để đóng mới tàu cá, mua sắm ngư lưới cụ, nhờ đó gia đình ông đã vươn lên trở thành hộ khá giả trong vùng.

Theo ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh, để thực hiện giảm nghèo bền vững, địa phương đã lồng ghép các chương trình mục tiêu, dự án giảm nghèo, thông qua việc vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; phối hợp tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề lao động nông thôn như trồng rau an toàn, học lái xe, thuyền viên, may công nghiệp… cho hơn 900 người dân; huy động nguồn lực ưu tiên xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn, gắn với triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là phát huy thế mạnh về khai thác hải sản của địa phương. Nhờ đó, đến nay xã Phước Tỉnh có hơn 4.300 lao động có việc làm ổn định, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 59 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 0,89%.

Trong 5 năm qua, huyện đã cấp hơn 72.500 thẻ BHYT cho hộ nghèo; miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 11.400 HS, với số tiền gần 7,5 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 45 căn nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 50 căn nhà cho hộ nghèo, với số tiền gần 3 tỷ đồng. Huyện còn tạo điều kiện cho 15.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và cả những hộ đã thoát nghèo được vay hơn 400 tỷ đồng; phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, giới thiệu việc làm cho gần 40.000 lao động... Đến nay, gần 90% hộ nghèo đầu giai đoạn 2016-2020 đã thoát nghèo và đáng ghi nhận hơn là thoát nghèo bền vững.

 

GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG LÀ ĐÍCH ĐẾN

Còn tại xã An Nhứt, một xã thuần nông của huyện Long Điền đã triển khai hiệu quả Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp. Trong số 47 hộ trên địa bàn xã được hỗ trợ vốn theo Nghị quyết 05, hộ ông Đinh Văn Lẹ, ở ấp An Hòa đã thành công với mô hình trồng nấm bào ngư xám.

“Nhờ Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, gia đình tôi có điều kiện mở rộng trại trồng nấm lên 300m2. Hiện mỗi ngày gia đình tôi thu hoạch từ 100-120kg nấm bào ngư xám. Nấm được bỏ mối tại các chợ trong và ngoài huyện với giá từ 30-32 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 1 triệu đồng mỗi ngày”, ông Lẹ phấn khởi nói.

Theo Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh, đối tượng được hỗ trợ vốn là hộ gia đình hoặc nhóm hộ (từ 3 hộ trở lên) trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mỗi hộ được hỗ trợ 50% vốn đầu tư để mua cây, con giống, vật tư, máy móc… Ông Nguyễn Tường Thành, Phó Chủ tịch UBND xã An Nhứt cho biết, chính sách này thực sự đã tạo thêm động lực để bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai có hiệu quả nhiều mô hình sản xuất như trồng hoa lan, trồng nấm, rau an toàn, mua sắm máy cày, máy gieo mạ… mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Đến nay, thu nhập của người dân đạt hơn 60 triệu đồng/năm, tăng gần gấp hai lần so với trước năm 2015.

“Từ khi bắt tay xây dựng NTM, các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện đã triển khai nhiều chính sách, dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững; tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính quyền và nhân dân tại địa phương, An Nhứt là xã đầu tiên của huyện Long Điền được công nhân đạt chuẩn NTM nâng cao”, ông Nguyễn Tường Thành nói.

Dù còn gặp những khó khăn riêng trong xây dựng NTM, nhất là đối với mục tiêu nâng cao chất lượng sống cho người dân, nhưng với sự quyết tâm, đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, huyện Long Điền đã và đang tạo bước chuyển biến rõ nét trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

 
;
.