Khẳng định tính đặc trưng của sản phẩm địa phương

Thứ Tư, 04/11/2020, 22:37 [GMT+7]
In bài này
.

21 sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng tại chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP) đã được gắn từ 3-5 sao tại Hội nghị đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP đợt 1 của tỉnh trong năm 2020, được tổ chức vào chiều 4/11 do Sở NN-PTNT chủ trì.

Việc gắn sao cho sản phẩm OCOP là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao giá trị, vị thế thương hiệu sản phẩm. Trong ảnh: Ông Bạch Kính (bên phải) Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long (TP.Bà Rịa) giới thiệu sản phẩm cho khách hàng tại Hội nghị đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP.
Việc gắn sao cho sản phẩm OCOP là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao giá trị, vị thế thương hiệu sản phẩm. Trong ảnh: Ông Bạch Kính (bên phải) Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long (TP.Bà Rịa) giới thiệu sản phẩm cho khách hàng tại Hội nghị đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP.

21 SẢN PHẨM ĐỦ ĐIỀU KIỆN “GẮN SAO”

Sau 2 năm triển khai chương trình OCOP, đây là lần đầu tiên Sở NN-PTNT tổ chức đánh giá, phân hạng, sản phẩm tham gia OCOP. Theo đó, trên cơ sở này Sở sẽ cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Mục tiêu đặt ra là đánh giá đúng, xếp hạng chuẩn các sản phẩm để nâng tầm giá trị hàng hóa của tỉnh trên thị trường.

Theo báo cáo từ Sở NN-PTNT, năm 2020 các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai chương trình. Để đánh giá đúng và bảo đảm tính khách quan, ngay khi triển khai chương trình, Sở NN-PTNT đã mời Công ty Sông Đà Kinh Bắc (tại Hà Nội) làm đơn vị tư vấn, hướng dẫn thực hiện.

Bà Vương Thị Kim Thắm, Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà Kinh Bắc cho biết: Qua khảo sát, toàn tỉnh có hơn 150 sản phẩm đáp ứng điều kiện dự thi đánh giá, phân loại. Đợt này Hội đồng đánh giá, phân loại tổ chức đánh giá cho 21 sản phẩm tiêu biểu của các địa phương. Các sản phẩm được đánh giá dựa trên các tiêu chí Quyết định 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, các sản phẩm tham gia chương trình OCOP sẽ được đánh giá ở cấp huyện trước, nếu đạt từ 50 điểm trở lên sẽ được đánh giá ở cấp tỉnh. Hội đồng cấp tỉnh tổ chức 2 vòng để đánh giá phân hạng sản phẩm. Như vậy sẽ phải trải qua 3 vòng đánh giá mới đủ điều kiện để công nhận sản phẩm OCOP. Đánh giá, phân hạng sản phẩm là bước cực kỳ quan trọng trong 6 bước của chu trình chuẩn hóa sản phẩm OCOP.

Còn theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, để được “gắn sao” OCOP, sản phẩm phải bảo đảm các yêu cầu như: Có công bố chất lượng sản phẩm; có câu chuyện sản phẩm, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; sản xuất có kế hoạch bảo vệ môi trường; sản phẩm có mẫu mã bao bì đẹp, đặc sắc... Các sản phẩm tham gia OCOP bắt buộc phải trải qua đánh giá và phân hạng một cách khách quan, chặt chẽ, đúng quy định, được tổ chức truyền thông rộng rãi để các địa phương và các hộ sản xuất, tổ chức kinh tế tham gia. Các sản phẩm được đánh giá, phân hạng qua 3 năm sẽ được đánh giá, nâng cấp sản phẩm một lần.

Tiêu bầu mây của HTX Thương mại, dịch vụ và Du lịch Bầu Mây, huyện Xuyên Mộc và đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long, TP. Bà Rịa là những sản phẩm đủ tiêu chuẩn đánh giá, phân hạng trong đợt 1 chương trình OCOP.

 

Tiêu Bầu mây của HTX Thương mại, dịch vụ và Du lịch Bầu Mây, huyện Xuyên Mộc và đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Nuôi trồng nấm Hòa Long, TP. Bà Rịa là những sản phẩm đủ tiêu chuẩn đánh giá, phân hạng trong đợt 1 chương trình OCOP.

NÂNG CAO VỊ THẾ SẢN PHẦM

Trong số 21 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, gắn sao lần này, căn cứ trên cơ sở hồ sơ và thực tế sản xuất, sự độc đáo, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Ông Lâm Ngọc Nhâm, HTX Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc) phấn khởi cho biết, đơn vị có 5 sản phẩm được lọt vào thẩm định, phân hạng cấp tỉnh gồm: tiêu xanh muối, tiêu sữa, tiêu một nắng, tiêu muối tươi và tiêu không hạt. Để các sản phẩm đạt tiêu chuẩn đánh giá trong đợt này, thời gian qua dưới sự hướng dẫn, tư vấn của ngành nông nghiệp, HTX đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, bao bì. HTX cũng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, trong số gần 1.000ha sản xuất tiêu có 15ha được sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP), gắn bảng theo dõi từ khi trồng đến khi thu hoạch và kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng phân bón, nước tưới, chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật. Không những vậy, sản phẩm còn được thực hiện đúng các quy định về nhật ký sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký mã vạch… Đối với việc sản phẩm đủ tiêu chuẩn tham gia OCOP lần này, ông Nhâm tin tưởng, việc được phân hạng và gắn sao chắc chắn sản phẩm của hợp tác xã sẽ vang xa, thị trường tiêu thụ sẽ mở rộng hơn.

Trong khi đó, ông Diệp Khanh, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH nuôi trồng nấm Hòa Long cho rằng: Việc có sản phẩm được đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP trong đợt này không những có ý nghĩa rất lớn trong việc quảng bá, giới thiệu về thương hiệu sản phẩm của địa phương mà còn là cơ hội để DN nâng cao giá trị. Qua đó tạo cơ hội để đơn vị nâng cao vị thế thương hiệu sản phẩm không chỉ trong và ngoài nước.

Kết quả đánh giá, phân hạng 21 sản phẩm đủ tiêu chuẩn đánh giá phân loại đã có  5 sản phẩm đạt 5 sao và 16 sản phẩm đạt 4 sao. Dự kiến giai đoạn 2021-2025 toàn tỉnh có khoảng 229 sản phẩm thuộc 6 nhóm ngành sẽ được đánh giá, phân hạng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, các sản phẩm được chấm điểm đã bám sát tiềm năng, lợi thế, danh mục các sản phẩm chủ lực của các địa phương. Đối với các sản phẩm OCOP đã được đánh giá xếp hạng cấp tỉnh, các chủ thể cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, nhãn hiệu để thể hiện được tiêu chuẩn vừa được Hội đồng cấp tỉnh công nhận. Đối với các sản phẩm chưa được chấm điểm, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ điều kiện tham dự trong những đợt chấm tiếp theo. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ sớm hoàn thiện hồ sơ các sản phẩm đủ điều kiện tiêu chuẩn để gửi Trung ương xét duyệt. Đồng thời, xây dựng điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP để tuyên truyền, quảng bá và nâng tầm các sản phẩm lợi thế của tỉnh; làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại, địa điểm du lịch, điểm dừng chân… để xây dựng những gian hàng trung bày sản phẩm OCOP trong thời gian gần nhất.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

 
;
.