Tiếp sức cho DN phục hồi sản xuất kinh doanh

Thứ Sáu, 13/11/2020, 20:15 [GMT+7]
In bài này
.

Thông thường, cuối năm các ngân hàng tăng lãi suất hoặc tung các chương trình khuyến mãi nhằm huy động vốn. Thế nhưng, năm nay thì ngược lại, hơn một tháng trở lại đây, lãi suất huy động tiếp tục giảm. Cùng với đó, các ngân hàng cũng hạ lãi suất, tung ra các gói vay ưu đãi. Đây được coi là cơ hội để các DN tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

DongA Bank đang triển khai nhiều gói vay ưu đãi cho khách hàng DNNVV.  Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại DongA Bank Vũng Tàu.
DongA Bank đang triển khai nhiều gói vay ưu đãi cho khách hàng DNNVV. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại DongA Bank Vũng Tàu.

LÃI SUẤT HUY ĐỘNG GIẢM SÂU

Ghi nhận trên thị trường cho thấy tín hiệu giảm lãi suất huy động mới diễn ra mạnh mẽ. Từ đầu  tháng 11/2020, một số ngân hàng trong khối NHTM có vốn Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất huy động. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên điều chỉnh giảm thêm lãi suất huy động. Theo đó, gửi tiền kỳ hạn 6-9 tháng nhận lãi suất 4%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 6%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm về 5,7%/năm và kỳ hạn 36 tháng chỉ còn 5,4%/năm. Các mức lãi suất mới này đã giảm từ 0,2 - 0,4% so với biểu lãi suất hồi tháng 10 vừa qua.

Ở khối NHTMCP, các ngân hàng ACB, VIB, NamABank, LienVietPostBank, HDBank, ABBank, SCB, VietCapitalBank, MB… cũng thực hiện giảm lãi suất tiền gửi. Trong đó, MB có mức điều chỉnh giảm mạnh nhất, với mức giảm từ 0,15-1,9%/năm. Cụ thể, kỳ hạn 12 tháng giảm từ mức 7,2% trong tháng 10/2020 xuống còn 5,3%/năm trong tháng 11/2020 (giảm 1,9%/năm); hay kỳ hạn 24 tháng cũng giảm từ 7,4%/năm trong tháng 10/2020 xuống còn 5,67%/năm trong tháng 11/2020 (giảm 1,73%/năm); lãi suất tiền gửi từ 36 - 60 tháng hiện chỉ còn 6,3%/năm. ACB áp dụng mức lãi suất tiền gửi 3,4%/năm đối với kỳ hạn 2 tháng, 3,6%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng, 5% đối với kỳ hạn 9 tháng và 6,3% đối với kỳ hạn 15-36 tháng. Trong khi đó, HDBank giảm từ 0,15-0,45%; SHB, ABBank và SCB đều có mức giảm từ 0,2-1% đối với các kỳ hạn ngắn và trung hạn.

Trước đó, đầu tháng 10/2020, các ngân hàng giảm mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Đặc biệt một số ngân hàng còn điều chỉnh mạnh tới 0,7%, đưa lãi suất xuống sâu dưới mức 4%/năm.

Trên thực tế, trước khi NHNN có quyết định điều chỉnh trần lãi suất huy động từ ngày 1/10, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của phần lớn ngân hàng thương mại cũng đã ở dưới mức 4%/năm. Với quyết định điều chỉnh lần này, đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm đến nay, NHNN đã có quyết định giảm lãi suất điều hành, với biên độ mỗi lần giảm đều khá lớn (0,5%).

Kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo, Thống kê (NHNN) cũng cũng cho biết, các ngân hàng kỳ vọng  mặt bằng lãi suất huy động - cho vay giảm thêm 0,1% trong quý IV/2020.

DN vận tải được vay gói ưu đãi của ngân hàng vì bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19. Trong ảnh: Khách tìm hiểu giá vé và hành trình tại nhà xe Minh Phúc.
DN vận tải được vay gói ưu đãi của ngân hàng vì bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19. Trong ảnh: Khách tìm hiểu giá vé và hành trình tại nhà xe Minh Phúc.

CƠ HỘI TIẾP CẬN VỐN PHỤC VỤ SẢN XUẤT

Theo phản ánh của các ngân hàng, hiện nay, nguồn vốn cho vay tại các ngân hàng rất dồi dào, chỉ chiếm 2/3 nguồn vốn huy động. Ông Trần Thiên Trí, Phó Giám đốc NHNN, chi nhánh BR-VT cho biết: Tính đến cuối tháng 10, tổng nguồn vốn huy động từ nền kinh tế đạt 151.700 tỷ đồng, trong khi đó tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế đạt 101.500 tỷ đồng. Để tăng khả năng cạnh tranh trong hoạt động cho vay trên thị trường những tháng cuối năm, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch COVID-19,  hiện nay các NHTM đang tung ra các gói vay với lãi suất ưu đãi  để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tại DongA Bank - Chi nhánh Vũng Tàu, ông Nguyễn Việt Hoàng, Giám đốc cho biết: DongA Bank đang có chương trình giảm lãi suất cho vay tối đa 0,5% cho các DNNVV bị ảnh hưởng dịch COVID-19, hoạt động trong các lĩnh sản xuất và cung ứng các mặt hàng thiết yếu lương thực- thực phẩm; trực tiếp nuôi trồng thủy sản - nông - ngư nghiệp; các DN hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn - vận tải. Ngoài ra, DongA Bank đang triển khai gói ưu đãi tín dụng “An tâm cuộc sống”. Với gói vay này, khách hàng được hưởng ưu đãi với lãi suất chỉ từ 0,75%-0,85%/tháng. Chương trình được được thực hiện đến hết năm 2020.

Trong khi đó, tại HDBank - Chi nhánh Vũng Tàu cũng đang giảm sâu lãi suất gói Swift SME 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng có nhu cầu bổ sung nguồn vốn với lãi suất chỉ từ 6,2%/năm. Theo ông Nguyễn Gia Hồng, Giám đốc HDBank Vũng Tàu, bên cạnh lãi suất ưu đãi, HDbank còn miễn, giảm nhiều loại phí giúp DNNVV giảm thiểu tối đa chi phí…

Theo đánh giá của NHNN, mặt bằng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng có xu hướng giảm so với cuối năm 2019. Hiện lãi suất huy động phổ biến ở mức  0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,5-4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 4,5-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,5%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm; đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ngắn hạn phổ biến ở mức 7,5-9,5%/năm ở khối NHTM Nhà nước, 8-10%/năm ở khối NHTM cổ phần. Lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 8-10%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở mức 9,5-11%/năm ở khối NHTM Nhà nước, 10-12%/năm ở khối NHTM cổ phần.
(Nguồn: NHNN, Chi nhánh BR-VT)

Một số ngân hàng có vốn nhà nước khác cũng công bố giảm lãi suất cho vay, đưa ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, phù hợp góp phần gỡ khó cho DN có thêm vốn để tái sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, Agribank giảm thêm 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, đưa lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa chỉ còn 4,5%/năm và lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Từ nay đến hết ngày 30/6/2021, Agribank cũng triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng DNNVV với tổng quy mô lên đến 35.000 tỷ đồng. Vietcombank, chi nhánh Vũng Tàu cũng đang triển khai gói vay ưu đãi cho các DNNVV với mức lãi suất từ 5,8-6% (tùy thời gian vay). Chương trình được thực hiện từ nay đến 28/2/2021.

Theo các chuyên gia ngân hàng, việc giảm đồng loạt lãi suất ngân hàng là động thái tích cực tiếp tục hỗ trợ các DN, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng đây không phải yếu tố quan trọng nhất. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất không phải là rào cản của tăng trưởng tín dụng mà là do sức cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu. Do vậy trong thời gian tới, việc hấp thụ được hay không còn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh cũng như quá trình phục hồi kinh tế thế giới.

 Bài, ảnh: PHAN HÀ

 
;
.