Khối FDI đang lĩnh xướng công nghiệp hỗ trợ

Thứ Tư, 24/03/2021, 19:24 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều năm qua, BR-VT đã chủ trương thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Nhưng trong số 88 DN công nghiệp hỗ trợ đang hoạt động tại địa phương hiện nay, phần lớn những cái tên khẳng định được vai trò trong chuỗi sản xuất toàn cầu, hầu hết là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Quy trình sản xuất với máy móc hiện đại bên trong Nhà máy sản xuất hạt nhựa PP của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina.
Quy trình sản xuất với máy móc hiện đại bên trong Nhà máy sản xuất hạt nhựa PP của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina.

Thời gian qua, CNHT đã được tỉnh đặc biệt quan tâm và định hướng là một trong những ngành ưu tiên phát triển. Nhờ đó, số lượng và chất lượng của các DN CNHT ngày càng được cải thiện rõ rệt. Một số DN CNHT ngày càng tích cực sử dụng các công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia.

Công ty TNHH C&H Tech Vina (KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ) là một ví dụ. Ông Kim Sung Kyun, Giám đốc Công ty TNHH C&H Tech Vina thông tin, hiện các sản phẩm về linh kiện điện tử của C&H Tech Vina đã tham gia vào chuỗi sản xuất của tập đoàn Samsung. Để trở thành đối tác của Samsung, DN phải đầu tư máy móc hiện đại. Ngoài ra, Samsung còn yêu cầu các DN trong chuỗi phải chú trọng đến cả môi trường lao động, hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện.

Ông Lee Hee Bok, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Pavonine VINA (KCN Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, TX.Phú Mỹ) cho biết, hiện DN đang sản xuất các sản phẩm là phụ kiện điện tử, điện lạnh như khung tivi, chân đứng tivi, khung tủ lạnh bằng nhôm cao cấp… cung cấp cho các đối tác trong và ngoài nước. Để tham gia được vào chuỗi cung ứng, DN đã đầu tư máy móc, cải tiến mẫu mã, tạo dựng thương hiệu, chuẩn hóa sản phẩm của mình theo tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay, công suất nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, điện lạnh và gia dụng đã được nâng từ 800 ngàn sản phẩm/năm lên 2 triệu sản phẩm/năm.

Toàn tỉnh hiện có 88 DN CNHT, tập trung vào các nhóm ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp hóa chất và công nghiệp vật liệu. Tính đến cuối năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành CNHT chiếm khoảng 24,08% giá trị sản xuất CN toàn ngành. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút đầu tư và triển khai xây dựng được các dự án quy mô lớn như: Tổ hợp Hóa dầu miền Nam với vốn đầu tư 5,4 tỷ USD; Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam của Tập đoàn Hyosung với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; nhà máy sản xuất tôn mạ kẽm, tôn mạ màu và ống thép màu, quy mô 600.000 tấn/năm; dự án đầu tư xây dựng nhà máy kính nổi siêu trắng; nhà máy giấy Marubeni… Sản phẩm của các dự án này là nguồn nguyên liệu, nhiên liệu dồi dào cho các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo hạ nguồn, nhờ đó sẽ tác động tích cực thu hút, thúc đẩy nhiều dự án sản xuất sản phẩm thuộc ngành CNHT đầu tư vào tỉnh trong tương lai.

Theo đánh giá của Sở Công thương, quy mô của các DN CNHT còn nhỏ, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Sản phẩm CNHT còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm CNHT còn nhiều bất cập. Tình trạng nhập siêu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng rất lớn, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các DN FDI cung cấp. Các DN CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ; thiếu nguồn lực để đổi mới; lĩnh vực sản xuất khá giống nhau, cả về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Để thúc đẩy ngành CNHT phát triển tương xứng với tiềm năng, theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung rà soát các dự án sản xuất, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng công nghiệp lớn phục vụ cho xuất khẩu. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa các dự án CNHT vào vận hành, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu, nâng cao vị trí của DN CNHT trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, tỉnh cũng có các giải pháp tạo điều kiện phát triển CNHT; tập trung nâng cao năng lực khoa học và công nghệ cho DN CNHT, nhằm tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của DN CNHT; hỗ trợ các DN CNHT để tăng khả năng liên kết và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; khuyến khích DN có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho DN trong nước tham gia sâu chuỗi cung ứng…

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

;
.