DN bán lẻ đẩy mạnh thương mại điện tử

Thứ Năm, 15/04/2021, 18:27 [GMT+7]
In bài này
.

Cùng với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ số, thương mại điện tử (TMĐT) và mua sắm trực tuyến (online) cũng trở thành thói quen của người tiêu dùng. Đây là cơ hội để DN xây dựng chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, từ đó mở rộng thị trường, phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Với nhiều phần mềm điện tử, người dân có thể thanh toán tiền hàng mà không phải mang theo tiền mặt. Trong ảnh: Người dân thanh toán tiền qua hệ thống điện tử của Lotte Mart Vũng Tàu.
Với nhiều phần mềm điện tử, người dân có thể thanh toán mà không cần dùng tiền mặt. Trong ảnh: Người dân thanh toán tiền qua hệ thống điện tử của Lotte Mart Vũng Tàu.

DN NHANH CHÓNG VÀO CUỘC

TMĐT phát triển, đòi hỏi các DN nhanh chóng nắm bắt các xu hướng để tiếp cận khách hàng tốt hơn và đem lại hiệu quả kinh doanh cao hơn. Các DN trong lĩnh vực bán lẻ như VinMart, Saigon Co.op, Lotte… đã nhập cuộc với nhiều hình thức mua sắm trực tuyến, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.

Ứng dụng SpeedL của Lotte Mart ra đời phục vụ khách hàng từ năm 2017, cho phép người dùng lựa chọn thoải mái hàng ngàn mặt hàng tại siêu thị online thông qua thiết bị di động thông minh (smartphone). Người tiêu dùng có thể thanh toán tiền mặt khi giao hàng; thanh toán thông qua thẻ ATM, thẻ tín dụng hoặc ví điện tử…

Bà Ngô Minh Tuyến, Giám đốc Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu cho hay, trước đây, kênh bán hàng trực tuyến trên SpeedL của siêu thị chỉ dao động trong khoảng chục đơn hàng thì nay đã tăng gấp 20 lần. “Nhiều người đã hình thành thói quen mua sắm trực tuyến và sẽ tiếp tục duy trì thói quen này trong thời gian tới. Để cạnh tranh với các kênh TMĐT, Lotte không ngừng đổi mới, đa dạng các mặt hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm và có nhiều ưu đãi cho khách hàng khi mua sắm”, bà Tuyến nói.

Mới gia nhập thị trường vài năm gần đây, nhưng hệ thống VinMart và VinMart+ cũng đã đẩy mạnh các kênh bán hàng online. Hiện tại, chuỗi bán lẻ này đang bán hàng trực tuyến qua 3 kênh: website VinMart.com, mua hàng trên ứng dụng di động và đặt hàng qua điện thoại hay còn gọi là “đi chợ hộ”. Qua 3 kênh bán hàng trực tuyến này, hàng hóa được giao chỉ từ 2 giờ đồng hồ sau khi khách hàng lên đơn. Với hệ thống hơn 4.000 VinMart/VinMart+ và điểm bán MEATDeli, khách hàng ở bất cứ đâu cũng có thể đặt hàng trực tuyến, đỡ phải đi lại mà không lo thiếu hàng hóa.

Trong khi đó, 800 điểm bán của Saigon Co.op cũng đã tăng cường đặt hàng và giao hàng qua điện thoại và trên các ứng dụng facebook, zalo… Khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục này và liên hệ siêu thị (gọi điện trực tiếp hoặc chụp hình gửi qua Zalo, Viber, tin nhắn...) theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, hàng sẽ được giao tại nhà.

Chị Đặng Thùy Linh (chung cư DIC Phoenix, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Sau thời gian mua sắm trên chợ online SpeedL, tôi rất an tâm khi mua các mặt hàng tươi sống như, rau củ quả, thịt cá cho gia đình. Chợ online có gần 3.000 mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng có thể lựa chọn thoải mái. Trải nghiệm mua sắm trên một số chợ online uy tín như Lotte, Co.op, VinMart… tôi thấy chất lượng, hàng hóa đa dạng, ứng dụng rất dễ dùng, giao diện thân thiện. Hơn nữa, đi chợ online cũng tiết kiệm khá nhiều tiền, bởi liên tục có các chương trình khuyến mại, thời gian giao hàng dao động trong 3 giờ”.

THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN TMĐT

Theo Sở Công thương, qua khảo sát, 100% DN thường xuyên sử dụng email để phục vụ cho mục đích kinh doanh; hơn 45% DN có website và sử dụng trang thông tin điện tử nhằm quảng bá hình ảnh và sản phẩm, 100% siêu thị và trung tâm mua sắm lớn và hiện đại trên địa bàn tỉnh như: Co.op Mart, MM Mega Market, Imperial, Lotte, VinMart+… đều sử dụng website để quảng bá hình ảnh, sản phẩm và cho phép người tiêu dùng thanh toán trực tuyến khi mua sắm. Có những DN đã đầu tư rất lớn cho TMĐT. Đến nay, trong các giao dịch thanh toán, 100% siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt để mua hàng; 70% DN cung cấp điện, nước, viễn thông, truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của cá nhân, hộ gia đình theo hình thức không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình sử dụng các phương tiện mua sắm, tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt… Không chỉ phát triển hạ tầng TMĐT trong các dịch vụ mua sắm, dịch vụ công trực tuyến, thời gian qua mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận và hoàn tất đơn hàng phục vụ TMĐT đã bao phủ khắp tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực bưu chính, vận tải.

Theo đánh giá của Sở Công thương, phát triển TMĐT đã góp gần thúc đẩy thương mại của tỉnh phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi thông qua các trang TMĐT, các DN vẫn có thể quảng bá sản phẩm, kết nối, ký kết các hợp đồng tiêu thụ hàng hóa với đối tác. Tỉnh đã phê duyệt kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 nhằm đưa TMĐT thành một trong những lĩnh vực tiên phong của kinh tế số, góp phần tăng hiệu quả kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2025, 100% siêu thị, trung tâm thương mại và cơ sở phân phối hiện đại thực hiện lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán, cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng... “Sở Công thương sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát các thương nhân, tổ chức, cá nhân, các chủ sở hữu website ứng dụng TMĐT bán hàng hoặc kinh doanh trên website, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT của các thương nhân, tổ chức có dấu hiệu lợi dụng hoạt động TMĐT để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương nói.

Bài, ảnh: VÂN ANH

;
.