70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG (14/5)

Khẳng định vai trò ngành kinh tế chủ lực

Thứ Năm, 13/05/2021, 18:37 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, ngành công thương BR-VT đã bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển mũi nhọn công nghiệp – một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh.

DN làm thủ tục cấp C/O tại Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Vũng Tàu, đặt tại Sở Công thương.
DN làm thủ tục cấp C/O tại Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Vũng Tàu, đặt tại Sở Công thương.

PHÁT TRIỂN ĐÚNG ĐỊNH HƯỚNG

Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng hơn 58% trong cơ cấu kinh tế của BR-VT, trong 5 năm qua, ngành công nghiệp có bước phát triển nhanh, tạo được nhiều sản phẩm mới giá trị cao. Giá trị sản xuất, chỉ số sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt ước tăng bình quân 8,56%/năm. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác. Đến nay, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 87% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí.

Đánh giá về kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương cho biết, đa phần dự án đầu tư trong 5 năm trở lại đây đều sử dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm làm ra có chất lượng và sức cạnh tranh tốt trên thị trường. Đồng thời có sự kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu. Một số ngành hiện đang sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trong cả nước như thép, xi măng, đóng tàu... Ví dụ như giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã thu hút được một số dự án thượng nguồn, quy mô lớn, vốn đầu tư trên 1 tỷ USD là tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam, nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của Tập đoàn Hyosung. Sản phẩm của các dự án này là nguồn nguyên nhiên liệu dồi dào cho các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo hạ nguồn, hứa hẹn sẽ thúc đẩy nhiều dự án sản xuất sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào tỉnh trong tương lai. Đồng thời, các dự án khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm mới cho hàng ngàn lao động, tăng cường đóng góp ngân sách địa phương.

Trong khi đó, các chính sách phát triển thương mại nội địa được thực hiện tốt với nhiều giải pháp như: tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức hội thảo, sự kiện, hội chợ… tạo điều kiện cho các DN quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng. Các chính sách và giải pháp hỗ trợ xuất khẩu đã giúp thị trường xuất khẩu cũng như quy mô các mặt hàng đạt trên 100 triệu USD của tỉnh được mở rộng.

TRIỂN KHAI CÓ HIỆU QUẢ CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DN

Ông Nguyễn Văn Đồng cho biết thêm, năm 2021 là năm đầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021- 2025) và 10 năm (2021-2030), Theo đó, mục tiêu chủ yếu của ngành công thương BR-VT là tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đồng thời triển khai có hiệu quả công tác hỗ trợ DN nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. “Công nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh lựa chọn các dự án công nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, không thâm dụng lao động, tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và các dự án công nghiệp hỗ trợ. Trong đó đặc biệt hạn chế thu hút những lĩnh vực sử dụng không hiệu quả tài nguyên và đất đai, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường”, ông Đồng cho biết thêm.

Bên cạnh nhiệm vụ kinh tế, Sở Công thương cũng đã áp dụng CNTT, xây dựng các biện pháp để nâng cao chất lượng cải cách hành chính. Nhờ đó, hơn 60% hồ sơ được giải quyết sớm hơn thời gian quy định. Các thủ tục hành chính được niêm yết công khai, minh bạch, đúng thời gian, đúng pháp luật, nhằm phục vụ tốt cho tổ chức và công dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều năm liền, Sở Công thương đều duy trì được thứ bậc cao trong xếp hạng Bộ chỉ số CCHC.

Về phát triển thương mại, BR-VT tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các chợ trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Về hoạt động xuất, nhập khẩu, ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách và giải pháp hỗ trợ xuất khẩu như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, các chính sách chế độ mới liên quan đến xuất khẩu trên các trang thông tin đại chúng, nhằm giúp cho DN tiếp cận thông tin về thị trường xuất khẩu. Đồng thời hỗ trợ, cung cấp thông tin cho DN của tỉnh nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, các quy định của pháp luật về cạnh tranh, chống phá giá.. trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Bài, ảnh: VÂN ANH

;
.