Khơi thông thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Thứ Sáu, 11/06/2021, 17:53 [GMT+7]
In bài này
.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ nông sản của nông dân trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Trước tình trạng đó, sáng 11/6, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp cùng các sở, ngành, đoàn thể nhằm bàn giải pháp tiêu thụ nông sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Thanh long tại huyện Xuyên Mộc cũng đang thời kỳ rộ mùa, song việc tiêu thụ gặp khó khăn, giá xuống mức chạm đáy.
Thanh long tại huyện Xuyên Mộc cũng đang thời kỳ rộ mùa, song việc tiêu thụ gặp khó khăn, giá xuống mức chạm đáy.

NHIỀU MẶT HÀNG GIẢM GIÁ MẠNH

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết, từ đầu năm tới nay, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh khó tiêu thụ do các cửa khẩu, nhà hàng, khách sạn tạm thời đóng cửa. Cụ thể, khoảng 70% cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và, sông Dinh, Mỏ Nhát, Rạch Chanh bị ảnh hưởng. Trong đó, cá lồng bè đến kỳ thu hoạch còn tồn khoảng 200 tấn, hàu nuôi lồng bè khoảng 1.490 tấn, tôm kẹt (tôm hùm tre) trên 12 tấn. Bên cạnh đó, các loại trái cây đang đến thời kỳ rộ mùa như xoài, bưởi da xanh, bơ, thanh long, dưa lưới, chôm chôm… cũng tồn đọng hàng trăm tấn. Thậm chí, có nhà vườn để trái chín rụng đầy gốc vì càng thu hoạch càng lỗ.

Do khó tiêu thụ nên giá các loại nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Trong đó, sầu riêng bán tại vườn chỉ còn 27-29 ngàn đồng/kg, sầu riêng hạt lép Ri6 50 ngàn đồng/kg, bơ 15 ngàn đồng/kg, thanh long ruột đỏ chỉ còn từ 5-7 ngàn đồng, thanh long ruột trắng chỉ còn 1 ngàn đồng/kg, xoài có giá từ 5-10 ngàn đồng/kg, giảm 25-30 ngàn đồng/kg… Các loại thủy sản nước ngọt cũng chỉ còn 40-45 ngàn đồng/kg, giảm 15-20 ngàn đồng so với cùng kỳ năm ngoái; thủy sản nuôi lồng bè như cá chim, cá bớp chỉ còn 110-200 ngàn đồng/kg giảm 20-50 ngàn đồng so với giá trước khi có dịch; hàu 13-25 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 7 ngàn đồng/kg so với trước khi có dịch và tôm kẹt chỉ còn 700-900 ngàn đồng/kg, giảm 400 ngàn đồng/kg so với thời điểm trước dịch.

TỔ CHỨC ĐIỂM TIÊU THỤ NÔNG SẢN

Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, đoàn thể, hội đã cùng nhau đóng góp ý kiến, đưa ra phương án cụ thể trước mắt đồng thời tìm giải pháp căn cơ lâu dài để giúp nông sản tỉnh nhà phát triển bền vững. Trong đó, Sở NN-PTNT là đơn vị chủ trì lập phương án và tổ chức các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, ngành nông nghiệp đã và đang rà soát, nắm bắt và tiếp nhận thông tin sản phẩm nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ. Sau khi có đầy đủ thông tin, ngành sẽ kích hoạt các điểm tiêu thụ nông sản an toàn thông qua việc cung cấp thông tin, kết nối tiêu thụ với Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội chế biến rau quả, các ngành hàng Việt Nam, gửi văn bản phối hợp tiêu thụ với các hội, đoàn thể. Bên cạnh đó, Sở cũng thông báo và đăng ký nhu cầu mua sản phẩm đến các tổ chức công đoàn, công chức, viên chức, người lao động, nhà hàng, bếp ăn tập thể trong tỉnh; bán hàng qua các kênh tiêu thụ điện tử, giao hàng tận nơi. Cùng với đó, Sở sẽ làm việc với các doanh nghiệp có nhu cầu sơ chế, chế biến, bảo quản đông lạnh để cung cấp cho các kênh phân phối hiện đại, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn…

Về lâu dài, Sở NN-PTNT cũng đề ra giải pháp như: Áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp (thiết lập hệ thống thông tin dữ liệu về quy mô, sản lượng, thời điểm thu hoạch, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc…) để đưa lên website của Sở, cung cấp thường xuyên cho hệ thống bán lẻ, hệ thống phân phối lớn để kết nối tiêu thụ với các cơ sở sản xuất nông, thủy sản của tỉnh. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển các chuỗi sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm có sự quản lý chặt chẽ từ yếu tố đầu vào đến hoạt động sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ. Ngoài ra, triển khai tốt việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng an toàn dịch bệnh; đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, trong đó ưu tiên xúc tiến thương mại ngành nông nghiệp…

Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, ông Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho rằng, việc hỗ trợ tiêu thụ cần thống nhất, tập trung, không tổ chức đơn lẻ. Trong đó, mỗi địa phương có số lượng nông sản cần tiêu thụ bố trí từ 1-3 điểm bán hàng để người tiêu dùng trực tiếp đến mua. Quá trình thực hiện cần gắn với chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại chỗ. Ngoài ra, cần tận dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, các trang bán hàng trực tuyến để phân phối nguồn hàng tới tay người tiêu dùng. Đoàn Thanh niên tỉnh sẽ kêu gọi tình nguyên viên tham gia tại các điểm bán hàng và trực tiếp đi giao hàng. 

Bà Vương Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, trong quá trình triển khai, các đơn vị cần tính toán kỹ lưỡng về kho chứa hàng, kho bảo quản. Đặc biệt là đối với các mặt hàng tươi sống như cá, tôm hay các loại trái cây có thời gian sử dụng ngắn ngày. Đồng thời cần nghiên cứu sắp xếp các điểm bán hàng phù hợp để thuận lợi cho người tiêu dùng và phân công rõ ràng, cụ thể các đơn vị, đối tượng bán, giao nhận….

Bà Trần Thị Thu Hường, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP. Vũng Tàu cho rằng, ngoài kêu gọi các đoàn thể, DN, cán bộ, công nhân viên chức tiêu thụ nông sản, tỉnh cần có phương án kêu gọi các hiệp hội, DN, siêu thị cùng chung tay hỗ trợ nông dân. Đặc biệt, siêu thị là một trong những điểm bán hàng dễ tiếp cận với người tiêu dùng, đồng thời có kho lạnh bảo quản tốt cho các mặt hàng nông sản nên cần kêu gọi các đơn vị này vào cuộc. Ngoài ra, cần đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, để tạo kênh phân phối, tiêu thụ nông sản hiệu quả.

Ý kiến này được các đại biểu tham dự cuộc họp nhất trí cao. Về lâu dài, để sàn thương mại điện tử trở thành một kênh bán hành ổn định, bền vững, các đơn vị chuyên môn cần tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân để có thể tự bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử về sau.

Đồng thuận với các ý kiến tại cuộc họp, ông Nguyễn Kế Toại, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho biết, sẽ phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền sâu rộng trong toàn tỉnh. UBMTTQVN tỉnh cũng sẽ kêu gọi các tổ chức, DN, cơ sở chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Công Vinh đề nghị Sở NN-PTNT tiếp thu ý kiến đóng góp của đại diện các sở, ngành, đoàn thể, gấp rút hoàn thành bản cam kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản để các sở, ngành, địa phương ký cam kết thực hiện trong tuần tới. Các huyện, thị, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân rà soát thống kê toàn bộ nông sản, thủy sản, đặc biệt là các loại nông sản chủ lực đang thời kỳ rộ mùa để phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể vận động cán bộ, công nhân viên chức, DN cùng tham gia hỗ trợ tiêu thụ. Song song đó, các đoàn thể vận động các cơ sở, DN vận tải hỗ trợ giao, nhận hàng đi và đến các điểm bán, người tiêu dùng. Sở NN-PTNT phối hợp các đơn vị tổ chức chặt chẽ, sau 1 tuần triển khai sẽ đánh giá hiệu quả của chương trình để có hướng thực hiện tiếp theo.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

;
.