Phát triển kinh tế nhờ vốn hỗ trợ nông dân

Thứ Sáu, 25/06/2021, 20:02 [GMT+7]
In bài này
.

Nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (QHTND) đang trở thành kênh tín dụng hấp dẫn, mang lại hiệu quả tích cực cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều mô hình kinh tế tại huyện Châu Đức đã phát huy hiệu quả. Trong ảnh: Mô hình nuôi cá nước ngọt của gia đình ông Nguyễn Văn Tuân (thôn 1 xã Suối Rao, huyện Châu Đức).
Từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều mô hình kinh tế tại huyện Châu Đức đã phát huy hiệu quả. Trong ảnh: Mô hình nuôi cá nước ngọt của gia đình ông Nguyễn Văn Tuân (thôn 1 xã Suối Rao, huyện Châu Đức).

PHÁT HUY HIỆU QUẢ NGUỒN VỐN

Gia đình ông Trần Lưu Thụy, ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức bắt đầu chuyển đổi sang trồng 2 sào cây nha đam thay cho vườn tiêu già cỗi năng suất thấp từ năm 2018. Sau gần 2 năm chuyển đổi, mô hình đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, muốn phát triển mô hình này cần nguồn vốn lớn hơn. Ông đã tìm đến QHTND huyện và được vay 100 triệu đồng để mở rộng diện tích lên 1ha. Với số tiền này, ông đầu tư trang thiết bị hệ thống tưới, giống, vật tư… Sau gần 1 năm, vườn nha đam của ông cho thu hoạch bình quân 1,5 tấn/sào/tháng. Sản phẩm được Công ty Nha đam Việt Nam bao tiêu đầu ra. Hiện nay, thu nhập bình quân của gia đình ông từ 150-170 triệu đồng/năm. Ngoài gia đình ông Thụy, 6 hộ còn lại trong đợt vay vốn cùng ông cũng có thêm nguồn để đầu tư nhân rộng mô hình sản xuất nên đều có thu nhập ổn định và làm giàu từ cây nha đam.

Sự tiếp sức từ nguồn vốn vay ưu đãi của QHTND chính là đòn bẩy giúp các hộ nông dân thêm tự tin để triển khai hiệu quả những mô hình phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Năm 2018 gia đình ông Lê Văn Út (xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) được QHTND huyện cho vay 50 triệu đồng để đầu tư 9 hồ nuôi lươn thương phẩm và 1 hồ ươm lươn giống. Không chỉ tạo điều kiện để ông có vốn đầu tư, Hội Nông dân còn giúp ông tham gia các lớp khuyến nông, kỹ thuật chăn nuôi, tham quan các mô hình nuôi lươn hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, mô hình nuôi lươn của gia đình ông cung cấp ra thị trường trung bình 300-400kg lươn thương phẩm/tháng và hàng chục ngàn con lươn giống, mang lại nguồn thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. “Nhờ nguồn vốn từ QHTND, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. So với việc trồng tiêu trước đây, mô hình nuôi lươn mang lại hiệu quả cao hơn, chi phí đầu tư thấp và nhàn hơn”, ông Út chia sẻ thêm.

Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, từ nguồn vốn QHTND các cấp, nhiều mô hình kinh tế trên địa bàn huyện như trồng nha đam, đu đủ, nuôi cá nước ngọt, nuôi dê… đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho hội viên.

SỬ DỤNG VỐN ĐÚNG MỤC ĐÍCH

Trong 6 tháng đầu năm, QHTND các cấp đã tổ chức kiểm tra thẩm định, giải ngân 30 dự án cho 238 hộ vay với số tiền gần 13,5 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn QHTND, các địa phương đã giải quyết được phần nào khó khăn về vốn mua thiết bị máy móc, vật tư, con, cây giống cho các hộ nông dân khó khăn về vốn. Qua đó góp phần phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân. Hội Nông dân các cấp đã xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế địa phương.

Thực hiện Thông báo số 02/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt và cấp hỗ trợ kinh phí bổ sung nguồn QHTND giai đoạn 2021-2025 là 50 tỷ đồng. Riêng với đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động QHTND”, đến nay tổng nguồn vốn QHTND tỉnh hơn 77,431 tỷ đồng.


Ông Trần Văn Mảng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, trong quá trình triển khai nguồn vốn, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với địa phương để sử dụng và quản lý nguồn vốn hiệu quả. Đặc biệt là trong khâu chọn đối tượng cho vay, ngành nghề phù hợp với địa phương và đầu ra sản phẩm. Đến nay, các hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh sử dụng nguồn vốn vay từ QHTND đều đúng mục đích; tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tương trợ, trao đổi kinh nghiệm trong các hộ tham gia dự án; phát huy hiệu quả đồng vốn; nộp phí và trả gốc đúng hạn. Bên cạnh đó, cán bộ, hội viên, nông dân cũng tích cực ủng hộ vốn cho quỹ phát triển, giúp cho nhiều nông dân đang thiếu vốn có nhu cầu vay để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, từng bước vượt qua khó khăn, phấn đấu trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

;
.