Vào mùa nấm mối

Thứ Hai, 21/06/2021, 20:24 [GMT+7]
In bài này
.

Hằng năm, từ cuối tháng 4 âm lịch, khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, cũng là lúc người dân ở các xã trên địa bàn huyện Châu Đức, Xuyên Mộc bắt đầu mùa “săn” nấm mối.

Khách mua nấm mối trước cổng Bưu điện Ngãi Giao, huyện Châu Đức.
Khách mua nấm mối trước cổng Bưu điện Ngãi Giao, huyện Châu Đức.

“SĂN” NẤM MỐI TỪ NỬA ĐÊM

Anh Nguyễn Văn Nam - người có hơn 7 năm kinh nghiệm săn nấm mối ở Châu Đức cho biết, thời gian phát triển của nấm diễn ra rất ngắn. Nấm mọc từ trong đêm, đến khoảng 5-6 giờ sáng thì mọc rộ, và chỉ trong vòng 3-4 tiếng đồng hồ sau, nấm sẽ nở bung. Vì vậy, việc hái nấm phải diễn ra vào sáng sớm. Việc tìm kiếm nấm mối cũng khá vất vả vì nấm mọc nơi rất khó thấy, thường phải bới tìm trong đám lá ủ mục quanh các gốc cao su, điều… “Không phải cứ mưa xuống là có nấm mối. Những hôm trời đang nắng gắt bỗng đổ mưa to rồi nắng trở lại khiến tiết trời oi bức thì lúc đó nấm mới mọc rộ. Những người đi săn lâu năm mới nhận biết được điều này”, anh Nam chia sẻ.

Nấm mối có màu trắng, gốc hơi vàng. Khi tai nấm chưa nở, mũ nấm màu nâu sáng cụp xuống giống dạng búp. Mũ nấm khi nở xòe hình tròn như cái dù và chuyển sang màu trắng. Nấm mối chỉ mọc vươn lên khỏi mặt đất chừng 4-5cm, người hái nấm phải quan sát kỹ và bới lá tìm nấm.

Anh Lê Ngọc Hiền, một người đi săn nấm mối ở xã Bình Giã, huyện Châu Đức chia sẻ, thời gian sống của nấm mối ngắn ngủi. Do đó, người hái nấm phải tranh thủ đi thật sớm để nấm không bị hư hại. “Không phải ai đi săn cũng gặp được nấm, người đi cả mùa chỉ tìm thấy vài kg, có người nhổ được cả chục kg một đêm. Cũng tùy duyên nữa, bởi có khi bước qua, thậm chí giẫm lên ổ nấm mà không hay biết”, anh Hiền nói.

Khi phát hiện ụ nấm mối, người săn nấm dùng tay gạt lớp đất mặt sẽ lộ ra những cây nấm búp. Thân cây nấm cắm dưới đất cứng, dùng cành cây vót nhọn thọc xuống bẩy cây nấm lên. Lấy hết ụ nấm, người săn nấm mối đánh dấu vị trí để năm sau trở lại. “Dùng cây gỗ đào nấm thì năm sau nấm mới mọc trở lại ngay vị trí đó, còn ai dùng dao, xẻng hay bất cứ dụng cụ gì bằng kim loại để đào thì năm sau nấm sẽ không mọc”, anh Hiền giải thích.

Những ngày nấm nở rộ, giới đi săn chuyên nghiệp đổ xô vào rừng hái nấm. Giới săn nấm mối có luật bất thành văn là ai phát hiện ổ nấm đầu tiên thì người đó được nhổ, người đến sau không được nhổ dù chỉ một cây.

KIẾM TIỀN TRIỆU MỖI ĐÊM

Theo những người săn nấm mối, năm nay mặc dù đang vào mùa nhưng số lượng nấm ít hơn năm ngoái. Lý giải về việc nấm mối ngày càng khan hiếm, anh Hiền cho biết, nấm mối rất “khó tính”, chỉ mọc ở những nơi đất sạch, nếu đất đã qua canh tác bằng phân hóa học, thuốc trừ sâu thì không có nấm.

Nấm hái về được bán cho thương lái ở các điểm cố định như đối diện Bưu điện Ngãi Giao (huyện Châu Đức), chợ Hòa Long (TP. Bà Rịa). Ngoài ra, thương lái còn thu mua nấm từ các tỉnh khác như Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận. Các thương lái cho biết, nấm mối là nấm tự nhiên nên nguồn hàng không ổn định. Có ngày chỉ đáp ứng đủ nhu cầu cho khách lẻ và nhà hàng, nhưng cũng có ngày không mua được kg nào. Do đó, lượng hàng bán ra rất hạn chế và giá tăng giảm tùy vào nguồn cung.

Bà Lê Thị Mỹ Hương, một thương lái buôn nấm mối tại thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức cho biết, đa số nấm mối đang bán tại BR-VT được thu mua từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận. Vào thời điểm rộ mùa, mỗi ngày bà gom và bán từ 2-3 tạ nấm. “Nghề buôn nấm cực, vốn bỏ ra nhiều nhưng được cái nấm mối “hiếm” nên có bao nhiêu bán cũng hết, có lúc không đủ cho khách mua”, bà Hương chia sẻ.

Nấm mối là loại nấm mọc tự nhiên, không thể gieo trồng hàng loạt, mỗi năm chỉ mọc một lần duy nhất. Vì vậy, nấm mối có mức giá không hề rẻ. Hiện giá bán nấm mối dao động từ 500-850 ngàn đồng/kg (tăng 100-150 ngàn đồng/kg so với năm ngoái). Loại 500 ngàn đồng/kg là nấm đã bung nở, còn nấm búp dao động từ 750-850 ngàn đồng/kg, tùy loại. Giá nấm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như hình dáng, tai nấm nở xòe có giá thấp hơn so với nấm còn nguyên búp.

Để phục vụ nhu cầu của “thượng đế”, tại các điểm bán nấm mối cũng hình thành nghề gọt nấm. Khách mua nấm xong sẽ thuê một nhóm chị em phụ nữ 5-7 người làm nghề gọt nấm (làm sạch nấm) với tiền công 20-30 ngàn đồng/kg. Mỗi ngày, người gọt nấm thuê có thể kiếm được 200-300 ngàn đồng.

Chị Nguyễn Thị Lan Hương, một người dân từ TP. Vũng Tàu cho biết, năm nào cũng vậy, vào mùa nấm mối chị lại chạy xe lên huyện Châu Đức mua 2-3kg nấm mối, phần để ăn và phần dành biếu người thân. “Nấm mối có thể coi là ngon nhất trong các loại nấm mà tôi từng ăn. Nấm mối ngọt hơn nấm rơm, hương vị không chê vào đâu được”, chị Hương nói.

Bài, ảnh: NHUNG HOA

;
.