Vừa chống dịch, vừa ổn định sản xuất, kinh doanh

Thứ Ba, 29/06/2021, 19:25 [GMT+7]
In bài này
.

“6 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số chỉ tiêu kinh tế của tỉnh mặc dù có tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chưa đạt so với Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Do đó, để hoàn thành tốt kế hoạch năm, các ngành, địa phương cần có giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế. Tất cả phải bảo đảm mục tiêu vừa ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế”.

UBND tỉnh chủ trương thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa duy trì ổn định sản xuất kinh doanh.  Trong ảnh: Sản xuất nước tại nhà máy nước hồ Đá Bàng (huyện Đất Đỏ).
UBND tỉnh chủ trương thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa duy trì ổn định sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất nước tại nhà máy nước hồ Đá Bàng (huyện Đất Đỏ).

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm 2021. Cuộc họp được tổ chức bằng hình thức trực tuyến kết nối với điểm cầu 8 huyện, thị xã, thành phố và 33 điểm cầu xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

NHIỀU CHỈ TIÊU KINH TẾ ĐẠT KHÁ

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại ở một số địa phương làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng chịu nhiều tác động, phải điều chỉnh kế hoạch để ứng phó với dịch bệnh; đời sống sinh hoạt của nhân dân ít nhiều bị xáo trộn. Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn có một số điểm sáng.

Ông Nguyễn Văn Đặng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn 41.475 tỷ đồng, đạt 62,93% dự toán, tăng 13,04% so với cùng kỳ; trong đó thu từ dầu khí 9.500 tỷ đồng, đạt 75,4% dự toán; thu thuế xuất, nhập khẩu 11.340 tỷ đồng, đạt 64,43%... Đặc biệt, thu ngân sách nội địa đạt 20.635 tỷ đồng (57,79% dự toán). Với số thu này, ngân sách địa phương được hưởng hơn 12.502 tỷ đồng, đạt 64% dự toán.

Một điểm sáng nữa của kinh tế trong 6 tháng qua là dù chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng dịch vụ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng trưởng vượt mức bình quân năm theo Nghị quyết HĐND tỉnh. Các chỉ tiêu liên quan như: doanh thu dịch vụ vận tải kho bãi và hỗ trợ vận tải, dịch vụ cảng, khối lượng luân chuyển hàng hóa, khối lượng luân chuyển hành khách... đều đạt kết quả tốt. Tổng khối lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng đạt 58,2 triệu tấn (bao gồm hàng hóa thông qua bằng phương tiện thủy nội địa). Trong đó, hàng hóa thông qua bằng tàu biển đạt 39,5 triệu tấn, tăng 8,1%. Riêng hàng container thông qua bằng tàu biển đạt 17,1 triệu tấn, tăng 17,5% (tương ứng 2,5 triệu TEU, tăng 32,6%).

Bên cạnh đó, trong khi nhiều DN trong nước phải ngưng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng, thì lượng vốn đầu tư vẫn tiếp tục đổ vào BR-VT. Trong 6 tháng qua, đã có 12 dự án tăng vốn với tổng số tiền đầu tư đăng ký thêm 67,68 triệu USD. Tỉnh cũng đã thu hút thêm 14 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 198,3 triệu USD; chấp thuận 3 hồ sơ góp vốn mua cổ phần với số vốn góp 60,5 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh cũng chấp thuận chủ trương đầu tư 33 dự án đầu tư trong nước, tổng số vốn gần 12.917 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn 8 dự án với vốn đăng ký tăng thêm gần 4.594 tỷ đồng.  

Sản xuất thép tại Nhà máy thép miền Nam (TX. Phú Mỹ).
Sản xuất thép tại Nhà máy thép miền Nam (TX. Phú Mỹ).

TÌM GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DN

Bên cạnh những điểm sáng, một số chỉ tiêu kinh tế chưa đạt so với Nghị quyết HĐND tỉnh. Cụ thể, chỉ tiêu sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) mặc dù tăng 8,44% so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn chỉ tiêu bình quân cả năm (Nghị quyết 8,8%). Giá trị sản xuất nông nghiệp cũng tăng 3,86% nhưng không đạt chỉ tiêu (Nghị quyết tăng 4,02%); giá trị sản xuất ngư nghiệp 6 tháng tăng 3,33% (Nghị quyết là 4,2%)…

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương phân tích, sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm không đạt so với Nghị quyết HĐND đề ra là do một số công ty sửa chữa tàu, đóng tàu, đóng mới giàn khoan không có đơn hàng mới, chỉ sản xuất theo các đơn hàng đã ký kết trước đây. Bên cạnh đó, lượng phân ure của Nhà máy Đạm Phú Mỹ giảm do đơn vị này thực hiện kế hoạch bảo trì máy móc, thiết bị… Trong khi đó, ngành nông nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, hàng quán đóng cửa, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng đã phải kêu gọi người dân hỗ trợ tiêu thụ như: cá, trái cây…

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đại diện các sở, ngành cũng đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm tạo điều kiện hỗ trợ DN, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay đối với các DN, để DN có nguồn vốn phục vụ tái sản xuất, duy trì sản xuất trong thời gian dịch bệnh. Đồng thời cơ cấu lại thời gian giãn nợ cho các cơ sở có vốn vay ngân hàng….

Ngành du lịch ảnh hưởng nặng nề

Ngành du lịch được dự đoán tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Sau đợt tái bùng phát lần thứ 4 vào cuối tháng 4/2021 đến nay, 151 DN du lịch trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã phải ngừng hoạt động kinh doanh (riêng tại huyện Côn Đảo các cơ sở lưu trú du lịch hầu hết tạm ngừng hoạt động). Các chỉ tiêu của ngành sau khi tăng trong tháng 3 và 4 đã giảm sâu vào tháng 5, tháng 6 dẫn đến doanh thu lưu trú và lượt khách lưu trú 6 tháng đầu năm tuy tăng so với cùng kỳ năm 2020, nhưng chỉ đạt 30,14% và doanh thu đạt 32,58% kế hoạch năm.

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. BR-VT đã có ca nhiễm COVD-19 trong cộng đồng nên hoạt động du lịch sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Hiện tại, ngành du lịch đang kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn; yêu cầu các đơn vị chủ động vệ sinh, khử trùng tại các cơ sở lưu trú, lữ hành, phương tiện vận chuyển khách du lịch, các khu du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch, các cơ sở vui chơi giải trí; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nguồn khách đến từ vùng dịch. Ngành cũng thường xuyên rà soát, có văn bản triển khai đến các DN lữ hành về việc tổ chức các tour du lịch đưa khách từ tỉnh BR-VT đến các tỉnh, thành phố có dịch, nhằm chủ động kiểm soát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, không để lây lan trong cộng đồng.

Ông Trịnh Hàng cho biết thêm, sau làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, Sở đã ban hành Kế hoạch số 827/KH-SDL ứng phó, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong ngành du lịch. Ngành đã kích hoạt cấp độ có ca bệnh dương tính áp dụng trong cơ quan, DN du lịch và du khách; ban hành Quyết định thành lập BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong ngành du lịch. Tiếp nhận và có văn bản đề xuất Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 cho phép 1 khách sạn đăng ký làm cơ sở các ly tập trung có thu phí tại địa bàn TT. Long Hải, huyện Long Điền (khách sạn Gold Star có quy mô 28 phòng).

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 khách sạn cách ly có thu phí, bao gồm: khách sạn DIC Star-Cap Saint Jacques, khách sạn Hoa Phượng Đỏ, khách sạn Ngọc Hân, khách sạn Cao Su, khách sạn Minh Đạm và khách sạn Hà Sơn.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, BR-VT đã có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng nên một số kế hoạch, định hướng, chỉ tiêu cần phải đánh giá lại để phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, cập nhật các dự án thu hút đầu tư để xây dựng danh mục sản phẩm ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý việc thực hiện các chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cung cầu hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình kết nối cung cầu năm 2021. Nhiệm vụ của tỉnh trong 6 tháng cuối năm vẫn là “thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa ổn định sản xuất, kinh doanh”.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo dõi tình hình thực tế những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đề xuất các giải pháp phù hợp, hỗ trợ DN khắc phục khó khăn, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp; hỗ trợ các DN vận tải, du lịch; ưu tiên tiêm vắc xin cho người dân để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Ông Nguyễn Văn Thọ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, phân loại, xử lý các dự án chậm triển khai theo quy định; thu hồi các dự án chậm đầu tư do nguyên nhân của nhà đầu tư; tăng cường công tác hậu kiểm; chấn chỉnh, xử lý các dự án thực hiện không đúng với cam kết theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: PHAN HÀ-QUANG VŨ

;
.