ĐẢNG VỮNG MẠNH - NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH MỌI THẮNG LỢI - Kỳ 3: Quyết sách mới đưa kinh tế phát triển vượt bậc

Thứ Tư, 24/11/2021, 23:15 [GMT+7]
In bài này
.

Ngay sau khi tỉnh BR-VT được thành lập vào tháng 8/1991, Đảng bộ tỉnh đã tiến hành tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 1992-1996. Tại Đại hội này, nhiều quyết sách về kinh tế đã được đề ra.

 Việc lựa chọn và đưa công nghiệp là ngành kinh tế then chốt đã khẳng định hướng đi đúng đắn của Đảng bộ tỉnh.Trong ảnh: Một góc dự án Hyosung. Ảnh: THANH NGA
Việc lựa chọn và đưa công nghiệp là ngành kinh tế then chốt đã khẳng định hướng đi đúng đắn của Đảng bộ tỉnh.Trong ảnh: Một góc dự án Hyosung.

Công nghiệp giữ vai trò chủ đạo

Ngày 25/9/1991, Đảng bộ tỉnh BR-VT được thành lập theo Quyết định số 64/QĐ-TW của Bộ Chính trị và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/11/1991 dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh lúc bấy giờ.

Được sự chấp thuận của Trung ương, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I diễn ra từ ngày 2 đến 7/4/1992. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế BR-VT đến năm 1995 là “Phấn đấu xây dựng tỉnh BR-VT có nền kinh tế phát triển theo cơ cấu công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, mở rộng kinh tế đối ngoại…”.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Khánh nhớ lại: “Cần nhấn mạnh rằng, thắng lợi của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I là sự nhất trí cao trong việc xác định cơ cấu kinh tế “công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp”. Chủ trương mới, đúng đắn về cơ cấu kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh, khai thác được tiềm năng, phát huy đúng thế mạnh; phát triển kinh tế ngành đi đôi với chuyển dịch cơ cấu hợp lý sẽ tạo bước đột phá mạnh mẽ về tăng trưởng kinh tế”.

Việc lựa chọn và đưa công nghiệp là ngành kinh tế then chốt, đứng đầu trong cơ cấu kinh tế cho thấy tầm nhìn của Đảng bộ tỉnh, trên cơ sở nhận thức sâu sắc tiềm năng, thế mạnh và triển vọng hướng tới tương lai của BR-VT.

Trước đó, báo cáo số 04/BC-TU ngày 21/11/1991 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhận định: BR-VT nằm trong vùng kinh tế Nam Bộ đang phát triển, gần trung tâm kinh tế lớn là TP. Hồ Chí Minh và gần KCN Biên Hòa, lại là cửa ngõ thông thương ra biển của vùng kinh tế Đông Nam Bộ; với thềm lục địa có nhiều khoáng sản quý như dầu mỏ, khí đốt… Hai lợi thế trên giúp tỉnh có điều kiện và cơ hội để hình thành và phát triển kinh tế công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng… Những lĩnh vực chủ yếu như khai thác dầu khí, cảng biển, vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, dịch vụ du lịch khẳng định thế mạnh của BR-VT về công nghiệp, dịch vụ. Thực tiễn chứng minh đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn và có cơ sở vững chắc từ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Việc xác lập cơ cấu kinh tế đúng đắn, điều chỉnh tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp theo hướng tích cực, khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế, là một trong những tiền đề quan trọng nhất để kinh tế của tỉnh liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tiềm lực kinh tế ngày càng gia tăng vững chắc. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 1992-2010 không tính dầu khí, tăng bình quân 19,85%/năm. Nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn của cả nước đã có mặt ở BR-VT như năng lượng, luyện kim, hóa chất, phân NPK, nhựa PVC...

Đến nay, tỉnh đã hình thành 15 KCN. Trong ảnh: KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ với hạ tầng đồng bộ, hấp dẫn nhà đầu tư thứ cấp
Đến nay, tỉnh đã hình thành 15 KCN. Trong ảnh: KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ với hạ tầng đồng bộ, hấp dẫn nhà đầu tư thứ cấp

Hình thành các KCN

Cuối những năm 1980, chủ trương của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kinh tế trì trệ. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II về “thành lập các KCN tập trung”, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban nghiên cứu, chuẩn bị dự án thành lập KCN tập trung. Ngày 29/7/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 485/TTg thành lập Ban Quản lý các KCN BR-VT (BIZA). Trong số các KCN được quy hoạch, KCN Mỹ Xuân A và KCN Đông Xuyên là 2 KCN được lựa chọn phát triển đầu tiên vào năm 1996.

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh khẳng định, kể từ khi thành lập đến nay toàn tỉnh có 15 KCN với tổng diện tích 8.802ha. Ra đời muộn hơn so với các KCN khác trong vùng từ 3 - 5 năm, nhưng nếu xét trên tiêu chí quy mô diện tích thì BR-VT thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển KCN. BIZA đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, mời gọi thu hút nhà đầu tư, cải tiến khâu giải quyết các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện tốt cho các DN triển khai dự án, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kể từ khi KCN đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thành lập vào năm 1996 (KCN Đông Xuyên), đến nay toàn tỉnh có 15 KCN với tổng diện tích 8.802ha. Ra đời muộn hơn so với các KCN khác trong vùng từ 3 - 5 năm, nhưng nếu xét trên tiêu chí quy mô diện tích thì BR-VT thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển KCN.

Hầu hết các KCN đã được thành lập có vị trí nằm liền kề với các sông lớn, thuận tiện trong việc chuyên chở hàng hóa bằng đường thủy như KCN Đông Xuyên (nằm sát bên sông Dinh, phù hợp với khả năng phát triển hệ thống cảng từ 10.000 tấn trở xuống. Các KCN còn lại thuộc địa bàn TX. Phú Mỹ  nằm liền kề với hệ thống sông Thị Vải - Cái Mép có khả năng đón tàu có trọng tải đến 200.000 tấn. Việc bố trí, quy hoạch kề cận với hệ thống cảng đã tạo cho các KCN tỉnh có lợi thế lớn về phát triển công nghiệp nặng so với các KCN khác trong vùng Đông Nam Bộ, do khai thác được các tiện ích hạ tầng từ hệ thống cảng biển nước sâu, thuộc nhóm cảng biển số 5 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 791/QĐ-TTg. Từ đó, nhiều dự án quy mô sản xuất và vốn đầu tư lớn đã chọn đầu tư vào các KCN ở BR-VT để hưởng lợi thế từ hệ thống cảng nhằm giảm chi phí vận chuyển, nâng cao khả năng cạnh tranh sản xuất kinh doanh.

(Còn nữa)

NGÔ GIA

;
.