Quy hoạch đô thị - tạo động lực phát triển theo hướng bền vững

Kỳ 2: Quy hoạch đô thị phát triển bền vững

Thứ Sáu, 03/12/2021, 22:53 [GMT+7]
In bài này
.

Nhằm tăng cường khả năng dự báo, chất lượng của các đồ án quy hoạch, đáp ứng yêu cầu huy động nguồn lực xã hội, khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng, thúc đẩy phát triển bền vững, BR-VT đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch sẽ tạo sự kết nối giữa các đô thị, các ngành, các vùng kinh tế, tạo động lực phát triển cho BR-VT và khu vực Đông Nam Bộ. Trong ảnh: Đường Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu được quy hoạch 6 làn xe cùng những khu dân cư hiện đại hai bên đường.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch sẽ tạo sự kết nối giữa các đô thị, các ngành, các vùng kinh tế, tạo động lực phát triển cho BR-VT và khu vực Đông Nam Bộ. Trong ảnh: Đường Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu được quy hoạch 6 làn xe cùng những khu dân cư hiện đại hai bên đường.

KHAI THÁC THẾ MẠNH TỪNG VÙNG

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ngoài lĩnh vực khai thác dầu khí, BR-VT còn là một trong những trung tâm năng lượng, công nghiệp, du lịch, cảng biển của cả nước. Do vậy, việc quy hoạch xây dựng và có chương trình phát triển đô thị cụ thể, gắn với thế mạnh phát triển kinh tế của từng vùng để hoạch định chiến lược, phân bổ nguồn lực phát triển phù hợp cho từng giai đoạn là nhiệm vụ quan trọng.

TP. Vũng Tàu, được xác định là đô thị loại I, với thế mạnh là du lịch biển, trung tâm cấp vùng về dịch vụ thương mại; dịch vụ cảng biển và dịch vụ dầu khí quan trọng của quốc gia… nên các quy hoạch của thành phố đều gắn với các lợi thế này. Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, thời gian tới, TP. Vũng Tàu sẽ tiếp tục xây dựng đô thị theo hướng đô thị thông minh, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương, tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thân thiện môi trường. Thành phố sẽ huy động các nguồn lực trong đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, quy hoạch, thiết kế đô thị nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

TP. Bà Rịa là đô thị loại II, trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh, trung tâm dịch vụ - thương mại, trung tâm giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học cấp khu vực. Để xứng tầm là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh và hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 trở thành đô thị loại I, TP. Bà Rịa đã đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo lợi thế của mình. Một trong những giải pháp đó là lập các đồ án như: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung 1/10.000 TP. Bà Rịa giai đoạn đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phủ kín quy hoạch phân khu trên toàn bộ diện tích địa giới hành chính thành phố; Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… để có định hướng phát triển đô thị phù hợp.

Ngoài quy hoạch xây dựng, tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2015-2025. Năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 58,8%, tốc độ tăng dân số bình quân khoảng 1,42%/năm. Các vùng có tỷ lệ đô thị hóa cao tập trung tại các đô thị động lực như: TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa, TX. Phú Mỹ và các thị trấn ven biển như Long Điền, Long Hải, Phước Bửu. Sự hình thành và phát triển các đô thị cả về chất và lượng đã góp phần phục vụ cộng đồng, phát triển khu đô thị mới và tạo động lực phát triển công nghiệp, dịch vụ, cảng biển dọc Quốc lộ 51 và hành lang phát triển dịch vụ - du lịch ven biển phía Đông.

TÍCH HỢP, KẾT NỐI CÁC QUY HOẠCH

Sau 30 năm hình thành và phát triển, diện mạo đô thị trên địa bàn tỉnh ngày càng hiện đại, văn minh và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, các quy hoạch và đầu tư xây dựng đô thị, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh vẫn bị chi phối, chia cắt theo địa giới hành chính huyện, thị xã, thành phố. Điều này dẫn đến thiếu tính tác động lan tỏa, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển giữa các ngành, các lãnh thổ huyện, thị xã, thành phố, giữa các đô thị, các khu vực phát triển.

Ngày 23/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1442/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh BR-VT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được coi là chìa khóa quan trọng giúp BR-VT cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đó cũng là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý để BR-VT hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển bền vững, bảo đảm yêu cầu kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, để tỉnh có thể hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển theo hướng bền vững cần phát triển đô thị theo mô hình kết nối các đô thị lớn hiện hữu của tỉnh hiện nay thành cụm đô thị hiện đại (đô thị nén phát triển bền vững) thoát ly hoàn toàn hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mô hình đó là: Phú Mỹ - Bà Rịa - Vũng Tàu - Long Điền, phát triển thành vùng đô thị trung tâm cho toàn tỉnh với quy mô dân số, mật độ dân cư đáp ứng tiêu chuẩn đô thị loại I theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo tiền đề để phát triển tỉnh thành đô thị trực thuộc Trung ương trong tương lai.

Khu vực này cần xác lập quy hoạch chung đô thị đối với vùng trung tâm nội thành, trên cơ sở đó tập trung đầu tư các công trình hạ tầng sử dụng chung toàn đô thị có quy mô đủ lớn, hiện đại để tạo sự kết nối, chia sẻ giữa các trung tâm đô thị, cụm đô thị. Còn các đô thị nhỏ phía Đông Bắc sẽ là đô thị vệ tinh, sinh thái gắn với hoạt động dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và sản xuất nông nghiệp hữu cơ để cung cấp cho nhu cầu dân cư đô thị, tạo vành đai xanh, kết nối hài hòa giữa đô thị trung tâm và vùng nông thôn.

Về giao thông cần phát triển đa dạng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối (mặt đất, trên cao, ngầm) giữa các cụm đô thị, trung tâm đô thị; đầu tư các dự án tái định cư theo hướng có quy mô đủ lớn với hệ thống hạ tầng đô thị đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu tái định cư tổng thể cho từng địa bàn với tiêu chuẩn cao cũng như đáp ứng được chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.

"Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ chủ trì lập kế hoạch để hoàn thành nâng loại đô thị theo lộ trình đề ra tại Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2015-2025. Sở tiếp tục nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng của tỉnh để tăng cường quản lý từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt đồ án, thường xuyên rà soát để kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy định cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo từng giai đoạn. Sở cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các quy hoạch với nhau, xây dựng lộ trình cho công tác lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng cho dự án trọng điểm. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phát triển không gian đô thị tỉnh theo hướng thông minh, bền vững, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng”, ông Tạ Quốc Trung nói.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1 đồ án quy hoạch vùng tỉnh; 2 quy hoạch vùng huyện; 11 đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị; 59 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. Các khu chức năng chính trong đô thị đã được phê duyệt trong các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, đồng thời từng bước phủ kín quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để làm công cụ quản lý đô thị theo quy hoạch.

 

;
.