Đổi mới mô hình chăn nuôi để tăng thu nhập

Thứ Hai, 04/03/2024, 19:45 [GMT+7]
In bài này
.

Có lợi thế về đất đai, nguồn thức ăn tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, nông dân huyện Châu Đức đã mạnh dạn đổi mới, tìm hướng đi riêng trong chăn nuôi, trồng trọt.

Anh Nguyễn Trần Chuân (bên trái), thôn Sơn Thuận, xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức) tận dụng các loại lá cây trong vườn làm thức ăn cho dê, giảm được khá nhiều chi phí trong chăn nuôi.
Anh Nguyễn Trần Chuân (bên trái), thôn Sơn Thuận, xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức) tận dụng các loại lá cây trong vườn làm thức ăn cho dê, giảm được khá nhiều chi phí trong chăn nuôi.

Phát triển đàn dê, bò

Cách đây hơn 10 năm, vợ chồng anh Nguyễn Trần Chuân, thôn Sơn Thuận, xã Xuân Sơn chọn cây tiêu để phát triển kinh tế. Thời gian qua, giá tiêu lao dốc, anh Chuân bỏ bê chăm sóc nên vườn tiêu hơn 3 sào bị bệnh rồi lụi dần. Từ đó anh mạnh dạn thay đổi tư duy, tìm cho mình một hướng đi mới từ mô hình nuôi dê sinh sản và dê thịt.

Nhận thấy lợi thế trong thôn có nhiều diện tích vườn có thể hái lá, lượm trái rụng, trồng bắp, trồng cỏ thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, năm 2022, anh quyết định đầu tư 1 chuồng trại, mua 5 con dê sinh sản về nuôi. Năm 2023, anh Chuân được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh để làm thêm 1 chuồng dê, bổ sung dê giống. Nhờ chăm sóc tốt, đàn dê nhà anh Chuân  lúc cao điểm phát triển gần 30 con lớn nhỏ.

Chỉ tay vào bầy dê đang nhai cỏ trong chuồng, anh Chuân vui vẻ cho biết, trước Tết Nguyên đán 2024, anh bán bớt 8 con dê đực tơ, kiếm được 15 triệu đồng. Trong chuồng hiện còn 10 con dê sinh sản và 6 con dê con vừa sinh cách đây nửa tháng.

“Nhờ nguồn vốn vay của Quỹ hỗ trợ nông dân đã mở hướng để nông dân phát triển kinh tế. So với các loại vật nuôi khác, nuôi dê chi phí đầu tư ban đầu ít, không tốn nhiều tiền mua thức ăn, khả năng kháng bệnh cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt. Một năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 1 - 3 con, nếu chăm sóc tốt thì sau 6 tháng nuôi, dê đạt trọng lượng từ 35 - 40kg. Hơn nữa, giá bán tương đối ổn định, trên 100.000 đồng/kg dê hơi, nhu cầu tiêu thụ của thị trường khá lớn nên không phải lo đầu ra”, anh Chuân cho biết thêm.

Cách đó không xa, cũng tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ HTND (các năm 2021 và 2023), gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, ở thôn Quảng Giao, xã Xuân Sơn có thêm thu nhập từ nuôi bò vỗ béo bán thịt. Khi kinh tế gia đình đã ổn định, vợ chồng chị Hằng tiếp tục mở rộng mô hình sang chăn nuôi dê.

“Việc chăn nuôi bò không tốn kém nhiều chi phí cho thức ăn mà có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như cỏ, cây bắp, cây chuối, rơm rạ… Chỉ tính trong vòng 4 năm nay, riêng từ chăn nuôi bò mỗi năm gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng, chưa tính đến thu nhập từ dê”, chị Hằng chia sẻ.

Bà Võ Ngọc Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết, tổng đàn dê, bò trên địa bàn xã gần 14 ngàn con. Quỹ HTND đã và đang trở thành điểm tựa, giúp hội viên nông dân có điều kiện đầu tư mở rộng chăn nuôi, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao trong năm 2023.

Nguồn vốn Quỹ HTND đúng địa chỉ, đúng mục đích

Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, trong quá trình cho vay, các cấp Hội Nông dân đã khảo sát nhu cầu vay vốn chăn nuôi hay trồng trọt, ưu tiên lựa chọn các hộ nông dân có khát vọng và ý chí làm giàu, cần cù lao động, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay.

Do đó, Quỹ HTND hoạt động hiệu quả, số tiền cho vay từ vốn Quỹ HTND các cấp được hộ vay sử dụng đúng mục đích, các hộ vay đều có khả năng trả vốn, trả phí đầy đủ; đồng thời duy trì và nhân rộng được những mô hình có hiệu quả kinh tế cao, tạo được mối liên kết giữa các nhóm hộ vay vốn trong sản xuất.

Nhằm kịp thời hỗ trợ vốn giúp hội viên nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và thực hiện tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND, trong 2 tháng đầu năm 2024, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã chủ động phối hợp với Hội Nông dân huyện Châu Đức giải ngân 7 dự án, gồm: nuôi dê sinh sản, nuôi gà ta thả vườn, chăm sóc cây ăn quả trên địa bàn các xã Đá Bạc, Kim Long, Láng Lớn, Bình Ba, Xuân Sơn, với số tiền 3,5 tỷ đồng/69 hộ vay.

Đến nay đã có 782 lượt hộ hội viên nông dân vay từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân TW, của tỉnh với số tiền hơn 25 tỷ đồng để triển khai 72 dự án; Quỹ HTND huyện cũng đã giải ngân cho 28 dự án với tổng số vốn hơn 10 tỷ đồng cho 239 hộ vay. Nhờ được vay vốn từ Quỹ HTND, nhiều hộ hội viên khó khăn, thiếu vốn đầu tư phát triển kinh tế đã xây dựng được các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Thực tế cho thấy, Quỹ HTND không chỉ giúp hội viên có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn thay đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có ở các địa phương.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG - NGUYỄN THẮNG

;
.