Anh hùng LLVTND Nguyễn Thanh Đằng và 300 trận đánh làm chùn bước kẻ thù - Kỳ cuối: Anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng

Chủ Nhật, 15/09/2019, 19:25 [GMT+7]
In bài này
.

Trong những năm 1968-1969, địch dùng máy ủi, xe bọc thép càn quét nhằm phong tỏa và hủy diệt căn cứ Hắc Dịch của ta. Khi đó, Tỉnh ủy và Huyện ủy chỉ đạo phải chặn đứng kế hoạch của địch. Nguyễn Thanh Đằng cùng 2 đồng đội đã xung phong nhận nhiệm vụ. Ông sử dụng hỏa lực B40 liên tục nhiều ngày đánh phá địch. Sau nhiều trận phá hủy xe ủi, bẻ gãy kế hoạch phong tỏa của địch, riêng ông đã tiêu diệt 1 xe tăng M113 và làm hư hỏng 2 xe ủi. Với thành tích này, một lần nữa ông được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Trường THCS mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thanh Đằng (ấp Nam, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa).
Trường THCS mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thanh Đằng (ấp Nam, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa).

Trong những năm 1969-1971, tình hình chiến trường Châu Đức gặp muôn vàn khó khăn do biệt kích Úc liên tục đánh phá từ cơ sở đến các khu căn cứ. Lực lượng ta bị tiêu hao nặng nề. Đơn vị phải luôn di dời căn cứ; cuộc sống bộ đội và du kích rất vất vả, phải ăn củ nần, rau rừng thay cơm. Trước khó khăn bủa vây, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Châu Đức vẫn không hề nao núng, giữ niềm tin và càng thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm. Khi đơn vị chuyển căn cứ về phía Đông lộ 2, biệt kích Úc lại tăng cường càn quét và bao vây khu căn cứ. Tình hình ngày càng trở nên khó khăn ác liệt hơn, LLVT huyện vẫn trong tình cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, Huyện ủy đặt ra nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tìm đường giải vây, tìm kiếm lương thực cứu đói cho LLVT. Lúc này, Nguyễn Thanh Đằng là Đại đội trưởng, Đại đội 41 Công binh bộ đội địa phương huyện Châu Đức, đã xung phong cùng với đồng đội nhận nhiệm vụ dẫn đường. Qua 2 ngày trên đường đi giải vây cứu đói, sáng 4/3/1971, nhóm của ông bị lọt vào vòng phục kích của biệt kích Úc. Nguyễn Thanh Đằng đã chiến đấu dũng cảm đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh.

Nguyễn Thanh Đằng là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ cách mạng. Ông dũng cảm trong chiến đấu và mưu trí, linh hoạt trong chỉ huy; luôn giành phần khó khăn cho bản thân, khiêm tốn, giản dị trong sinh hoạt và luôn được đồng đội tin yêu, mến phục. Ông đã tham gia chỉ huy và chiến đấu hơn 300 trận, góp phần cùng đơn vị tiêu diệt hơn 3.500 tên địch, phá hủy hơn 20 xe bọc thép M113, xe ủi và hàng trăm vũ khí các loại. Với những thành tích ấy, Nguyễn Thanh Đằng được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, 4 năm là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 1 năm là Chiến sĩ thi đua cấp Quân khu, 25 Bằng khen, Giấy khen và 2 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Ngày 6/11/1978, liệt sĩ Nguyễn Thanh Đằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”.

Hiện nay, tại xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) có một ngôi trường và một tượng đài mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - liệt sĩ Nguyễn Thanh Đằng. Thầy Trần Văn Đảo, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thanh Đằng cho biết, nhà trường luôn chú trọng giáo dục truyền thống cho HS về quá trình chiến đấu, hy sinh của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thanh Đằng. Đặc biệt, từ 10 năm nay, nhà trường đã duy trì giải thưởng danh dự mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân - liệt sĩ Nguyễn Thanh Đằng cho HS có điểm trung bình cao nhất trong toàn trường với số tiền thưởng 1 triệu đồng/năm học. Bên cạnh đó, vào dịp lễ, Tết, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà gia đình liệt sĩ Nguyễn Thanh Đằng; phân công HS trực nhật, dọn dẹp tại Tượng đài liệt sĩ Nguyễn Thanh Đằng. “Thông qua các hoạt động này, giúp các em hiểu rõ, ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho cuộc sống tươi đẹp hôm nay”, thầy Trần Văn Đảo nói.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

;
.