MỞ LẠI HỒ SƠ VỤ BẠO LOẠN DETROIT

Kỳ 2: Những hệ lụy về sau

Thứ Sáu, 19/06/2020, 22:41 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng thứ Hai, 24/7, cuộc bạo loạn vẫn tiếp tục. 16 người đã chết, phần lớn là cảnh sát. Họ bị giết bằng súng bắn tỉa. Trước tình hình vượt quá tầm kiểm sót, ông Romney, thống đốc bang Michigan đề nghị Tổng thống Lyndon B. Johnson gửi quân đội đến Detroit. Ngay hôm sau, gần 12.000 lính xuất hiện trên đường phố với xe tăng và xe bọc thép, quyết lập lại trật tự…

Những gì còn lại sau vụ bạo loạn.
Những gì còn lại sau vụ bạo loạn.

CHƠI HÀNG NÓNG

Sáng thứ Hai, cuộc biểu tình bạo loạn lên đến đỉnh điểm khi các băng nhóm da đen ở Detroit bắt đầu sử dụng “hàng nóng”. Với những loại vũ khí như súng trường bắn tỉa, súng săn, súng ngắn, họ từ những chung cư, những góc đường, nã đạn vào lực lượng thực thi pháp luật. Chỉ trong ngày hôm đó, 16 người đã thiệt mạng và hơn 900 người của cả 2 phe bị thương. Vẫn theo Sheila, làm việc cho một quán cà phê ở đường 12 tường thuật trên kênh truyền hình địa phương: “Tôi thấy Joy- người da đen mà tôi biết vì anh ta hay đến chỗ tôi uống cà phê - cầm khẩu shortgun (loại súng săn, mỗi viên đạn chứa 12 hòn bi thép) đứng sau cửa sổ một căn hộ chung cư trên lầu 2, nhắm vào cảnh sát. Bùm một phát, Joy biến mất còn dưới mặt đường, 3 hoặc 4 cảnh sát đổ vật xuống, máu me đầm đìa”. Thống kê của cảnh sát Detroit sau này cho thấy những kẻ bạo loạn đã cướp 2.498 khẩu súng trường, 38 khẩu súng ngắn và 279 khẩu súng săn cùng hơn 5.000 viên đạn các loại tại các tiệm bán súng trong thành phố.

Cảnh sát lục soát, thu khẩu súng ngắn từ một người biểu tình.
Cảnh sát lục soát, thu khẩu súng ngắn từ một người biểu tình.

Cũng trong ngày thứ Hai, cảnh sát ghi nhận 483 đám cháy trên toàn Detroit. Và không chỉ cướp phá những cửa hàng của người da trắng, nhiều cửa hàng của người da đen cũng không nằm ngoài sự hung hãn của đám đông. Thomas Hardy, chủ hiệu thuốc Hardy nói: “Tôi đứng ngay trước sân. Và mặc dù họ nhìn rõ tôi cùng màu da với họ nhưng họ vẫn tràn vào, đập vỡ các tủ kính, lấy đi nhiều loại thuốc trị bệnh đắt tiền”. Một cửa hàng khác chuyên kinh doanh quần áo thời trang và là điểm mua sắm yêu thích của những thiếu nữ da đen cũng bị đốt cháy. Khi chủ nhân của nó đứng ra ngăn cản thì nhận được câu trả lời: “Màu da không phải là vấn đề”.

Nửa khuya 24/7, Tổng thống Johnson cho phép sử dụng quân đội liên bang theo Luật chống nổi dậy, ban hành năm 1807. Đến sáng thứ Ba 25/7, 4.700 lính nhảy dù từ Sư đoàn 82 và Sư đoàn 106, phối hợp với 8.000 binh sĩ thuộc Lực lượng vệ binh quốc gia và 360 cảnh sát bang Michigan vào Detroit nhằm tái lập trật tự. Chỉ trong 3 ngày, họ bắt được 26 tay súng bắn tỉa, các vụ bạo loạn bị dập tắt. Trong số 10.000 người trực tiếp tham gia bạo loạn, có 33 người chết, tất cả đều là người da đen, hơn 800 người bị thương, 7.200 người bị bắt. Trong đó đáng kể nhất là cái chết của cô bé Tanya Blanding, 4 tuổi. Khi xe tăng và vệ binh quốc gia tiến đến căn hộ trong chung cư nơi Tanya cùng  gia đình sinh sống, họ nhìn thấy một chớp lửa lóe lên sau cánh cửa kiếng. Nghĩ rằng đó là súng bắn tỉa, cả vệ binh lẫn xe tăng đều cùng khai hỏa. Tanya trúng đạn chết lúc 1 giờ 20 phút sáng trong lúc ánh chớp lửa chỉ là một người trong nhà bật cái bật lửa Zippo để hút thuốc.

Về phía lực lượng chống bạo loạn, 16 người da trắng thuộc cảnh sát bang Michigan, cảnh sát Detroit và lính cứu hỏa TP.Detroit chết, 367 bị thương. Hơn 2.000 tòa nhà và gần 600 xe hơi các loại bị đốt cháy, 5.000 người mất nhà cửa, 2.059 doanh nghiệp bị cướp phá. Tổng thiệt hại lên đến 50 triệu USD (tương đương 600 triệu USD hiện nay).

NHỮNG HỆ LỤY

Trong khi tiến hành chống bạo loạn, người ta ghi nhận ngoài lính nhảy dù hành động chuyên nghiệp, cẩn trọng và có kỷ luật vì họ được huấn luyện kỹ lưỡng thì ngược lại, cảnh sát và vệ binh quốc gia lại gây nhiều tai tiếng. Đã có những đơn tố cáo từ những phụ nữ bị bắt, rằng họ bị cảnh sát sờ mó vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể khi chụp hình, lấy dấu vân tay. Một số cư dân trong các chung cư tuy không tham gia biểu tình, bạo loạn nhưng vẫn bị đánh khi cảnh sát khám nhà họ để tìm vũ khí.

Ngay sau khi xảy ra bạo loạn, một cuộc điều tra xã hội học đã được tiến hành. Theo đó, phần lớn người da đen ở Detroit đều phẫn nộ trước hành vi lạm quyền của cảnh sát da trắng. Bất cứ phụ nữ da đen nào ra đường vào ban đêm đều bị xem là gái mại dâm. Những người mà cảnh sát gọi là “có nhân dạng không thích hợp” bị bắt giữ, đánh đập. Hơn nữa, người da đen than phiền rằng cảnh sát không giải quyết những khiếu nại của họ một cách nhanh chóng như với người da trắng, rằng cảnh sát kiếm tiền từ những băng nhóm tội phạm da đen thay vì ngăn chặn và triệt hạ. Riêng với cuộc đột kích vào câu lạc bộ  Speakeasy - nguyên nhân dẫn đến vụ bạo loạn - 97% người da đen khi được hỏi đã trả lời từ những năm 1920, các câu lạc bộ đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống xã hội dành cho người da đen ở Detroit bởi lẽ tại nhiều quán bar, nhà hàng, sàn nhảy cùng nhiều khu vui chơi giải trí khác, họ bị phân biệt đối xử.

Theo các nhà xã hội học, cuộc bạo loạn Detroit là chất xúc tác cho tình trạng bất ổn ở nhiều nơi khác trên toàn nước Mỹ. Không lâu sau đó, những vụ việc tương tự đồng thời nổ ra tại Pontiac, Flint, Saginaw, Grand Rapids, cũng như ở Toledo và Lima, bang Ohio, thành phố New York và Rochester, bang New York, Cambridge, bang Maryland, Englewood, bang New Jersey, Houston, bang Texas và Tucson, bang Arizona...

VŨ CAO (Theo Criminal History)

;
.