OPEC+ chuẩn bị cho một năm 2021 với vô vàn thử thách

Thứ Tư, 16/12/2020, 19:09 [GMT+7]
In bài này
.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh (OPEC+) hồi đầu tháng đã nhất trí tăng sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ngày từ tháng 1/2021, song không đạt được thỏa hiệp về chính sách dài hạn trong thời gian còn lại của năm tới.

Một giàn khoan dầu ở Biển Bắc.
Một giàn khoan dầu ở Biển Bắc.

Trong khi đó, các làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới kèm theo những lệnh tái phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ một cách đáng kể. Dù nhiều hãng dược phẩm đã công bố kết quả thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 đáng khích lệ, nhưng việc phân phối trên toàn cầu cần có thời gian và hiệu quả sẽ chưa xuất hiện rõ rệt trong nửa đầu năm tới. Các hoạt động kinh tế sụt giảm do COVID-19 đã làm thay đổi cung cầu về năng lượng trong năm 2020 và sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong tương lai.

Trước đó, OPEC+ được cho là sẽ kéo dài các đợt cắt giảm sản lượng hiện tại cho đến ít nhất là tháng 3/2021. Những tín hiệu tích cực về một số loại vaccine ngừa COVID-19 đã thúc đẩy một đợt tăng giá dầu vào cuối tháng 11/2020. Tuy nhiên, sau đó một số nhà sản xuất bắt đầu đặt câu hỏi về sự cần thiết của yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chính sách dầu mỏ theo chủ trương của quốc gia đứng đầu OPEC là Saudi Arabia. 4 nước Nga, Iraq, Nigeria và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bày tỏ sự quan tâm đến việc cung cấp thêm dầu ra thị trường trong năm 2021. Nhiều nguồn tin từ OPEC+ cho biết liên minh này sẽ nhóm họp hằng tháng để quyết định những chính sách về sản lượng sau tháng 1/2021 và mức tăng hằng tháng được cho là khó có thể vượt 500.000 thùng/ngày.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo, thị trường năng lượng vẫn chịu một số ảnh hưởng khi những yếu tố không chắc chắn liên quan đến đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn ra. Theo EIA, hoạt động kinh tế suy giảm liên quan đến đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi về mô hình cung và cầu năng lượng trong năm 2020 và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình cung cầu năng lượng trong tương lai.

Đối với giá dầu thô, EIA dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 49 USD/thùng vào năm 2021, tăng so với mức dự báo trung bình 43 USD/thùng trong quý 4/2020. Dự báo giá dầu thô cao hơn trong năm tới phản ánh kỳ vọng của EIA rằng lượng dầu tồn kho sẽ vẫn ở mức cao và sẽ giảm khi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng và sản lượng dầu hạn chế của OPEC+.

Trong khi đó, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo giá dầu Brent sẽ giảm xuống 45 USD/thùng vào năm 2021 do nhu cầu năng lượng vẫn sẽ thấp cho đến nửa cuối năm sau, bởi tiến độ tiêm phòng COVID-19 có thể không diễn ra nhanh như mong đợi.

Mức giá dầu dự báo của Fitch Ratings đưa ra thấp hơn gần 9% so với kết quả dự báo do tổ chức Refinitiv Eikon thực hiện. 36 chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của Refinitiv Eikon dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức 49,35 USD/thùng trong năm tới.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định vaccine ngừa COVID-19 sẽ chưa có tác động đáng kể trong nửa đầu năm 2021. IEA lưu ý rằng những tiến bộ trong việc phát triển vaccine ngừa COVID-19 đã gây ra “sự phấn khích đáng kể” trên thị trường, khiến giá dầu nhìn chung tăng mạnh trong thời gian gần đây. Dù vậy, vẫn còn quá sớm để xác định khi nào và làm thế nào vaccine sẽ đưa cuộc sống và hoạt động kinh tế toàn cầu bình thường trở lại.

OPEC cũng hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay và năm 2021 do tác động của dịch COVID-19 tới kinh tế thế giới. Theo OPEC, nhu cầu đối với dầu thô trong năm 2020 sẽ giảm 9,8 triệu thùng/ngày, cao hơn mức dự báo giảm 9,5 triệu thùng được đưa ra trước đó. Trong năm 2021, nhu cầu có thể phục hồi khi tăng 6,2 triệu thùng, lên 96,3 triệu thùng/ngày, song vẫn giảm 300.000 thùng so với dự báo trước đó.

Thị trường dầu mỏ chắc hẳn sẽ khó phục hồi nếu không có hành động quyết đoán của OPEC+. Vì vậy, các quyết định sắp tới của OPEC+ sẽ ảnh hưởng lớn đến quỹ đạo ngắn hạn của thị trường “vàng đen”, đồng thời là một chỉ dấu quan trọng để đánh giá về sự gắn kết trong nội bộ OPEC+.

ANH QUÂN (TTXVN)

;
.