NHIỄM COVID-19 KHI LEO NÚI EVEREST

Kỳ 2: Con số có thể chưa dừng lại

Thứ Sáu, 04/06/2021, 21:33 [GMT+7]
In bài này
.

1. Trong lúc ấy, sau đợt gia tăng số người nhiễm COVID-19 kinh hoàng ở Ấn Độ, các bác sĩ tại Nepal đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lớn vì số lượng các ca nhiễm COVID-19 hàng ngày đạt mức kỷ lục, các bệnh viện đã không còn giường cho bệnh nhân và nguồn ôxy cũng cạn kiệt. Tiến sĩ Jyotindra Sharma, Giám đốc Bệnh viện Phẫu thuật và Y học nâng cao ở Kathmandu cho biết: “Hiện tại không có chỗ nằm nào ở bất kỳ bệnh viện nào đang điều trị cho bệnh nhân COVID. Chúng tôi đang ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng”. Tất cả các bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 đều phải kê thêm giường để có thể tiếp nhận được nhiều người hơn trong lúc nhiều bệnh nhân khác vẫn nằm trong danh sách chờ đợi để được nhập viện. Tiến sĩ Sharma nói: “Nếu tình hình diễn biến theo hướng cực đoan, bệnh nhân có thể chết trên đường phố vì không thể ngay lập tức tăng thêm công suất cho các cơ sở điều trị”.

Trại Căn cứ giờ đây im lìm, ai ở lều nấy.
Trại Căn cứ giờ đây im lìm, ai ở lều nấy.

Tại Bệnh viện Đại học Y khoa Tribhuvan do Chính phủ Nepal điều hành, một số bệnh nhân COVID-19 nằm trên những chiếc giường kê ngoài hiên nhà, mũi, miệng  được chụp mặt nạ oxy. Họ là những người may mắn vì những người khác bị từ chối vì không còn đủ không gian hoặc thiết bị. Tiến sĩ Bishal Dhakal, người đã trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Coronavirus kể từ đầu đại dịch nói: “Chúng tôi không còn cách nào để chuẩn bị cho chu đáo vì thiếu nguồn lực và năng lực. Chính phủ đã nhiều lần cam kết tăng số giường bệnh và đẩy mạnh các biện pháp chữa trị, phòng ngừa. Tuy nhiên vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể...”.

Hồi tháng trước, một lệnh phong tỏa đã được áp dụng tại các thành phố và thị trấn lớn và Nepal đã tạm ngừng các chuyến bay nội địa lẫn quốc tế. Điều ấy đã khiến hơn 300 nhà leo núi - bao gồm cả những người phục vụ hậu cần cho các nhóm leo núi bị kẹt lại. Erlend Ness, nhà leo núi người Na Uy đã ngủ 2 đêm trong lều của mình tại Trại Căn cứ vào tháng trước đến giờ vẫn không chắc chắn về lý do gì khiến anh bị nhiễm bệnh khi anh trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP: “Tôi đã được sơ tán đến Kathmandu và đã được kiểm tra. Kết quả là tôi dương tính với COVID-19. Tôi nghĩ mình không phải là người duy nhất nên mọi người còn ở Trại Căn cứ cần biết nguy cơ này”.

Ngay lập tức, Gina Marie Han-Lee, đồng đội leo núi của Erlend Ness quyết định từ bỏ giấc mơ chinh phục đỉnh Everest. Cô viết trên trang Facebook: “Tôi đáp trực thăng rời Trại Căn cứ về Kathmandu chỉ sau Erlend Ness một ngày. Tình hình lây nhiễm ở đó  giống như trước cơn bão. Đó là một quyết định đau lòng nhưng tôi phải đặt sức khỏe của mình lên hàng đầu. Coronavirus là thứ mà tôi không muốn kết bạn”.

Tuy vậy, Chính phủ Nepal vẫn chưa chính thức xác nhận có trường hợp nào dương tính với COVID-19 khi leo núi Everest. Rudra Singh Tamang, người đứng đầu bộ phận du lịch của Nepal nói: “Một số người được sơ tán có thể đã có kết quả dương tính sau khi làm xét nghiệm ở Kathmandu. Họ không xét nghiệm tại Trại Căn cứ nên chúng tôi không thể biết họ bị nhiễm ở đâu”. Trong khi đó, một bác sĩ ở Trại Căn cứ nói với hãng tin AFP: “Chúng tôi chỉ được phép mở phòng khám chứ không mở phòng xét nghiệm vì thiếu các thiết bị cần thiết. Chúng tôi đã yêu cầu nhưng vẫn chưa được đáp ứng”. Nhà leo núi Williams Coffer nói tiếp: “Trước khi xảy ra chuyện lây nhiễm, có gần 700 người cắm trại ở Trại Căn cứ. Tối nào cũng vậy, những bữa tiệc chung giữa các nhóm với nhau luôn ồn ào, náo nhiệt. Chẳng ai cảm thấy mình cần phải đeo khẩu trang nhưng từ khi có ngưới nhiễm, tiệc tùng cũng biến mất. Ai nấy đều tự bảo vệ thân mình bằng cách ở yên trong lều, hạn chế tối đa sự tiếp xúc với người khác. Nó tạo ra một áp lực tâm lý rất lớn…”. Tashi, người dân tộc Sherpa làm nhiệm vụ dẫn đường cho các nhóm leo núi thuộc tổ chức Seven Summit Treks, là đơn vị lớn nhất phụ trách leo núi Everest ở Nepal cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện tất cả các biện pháp để có thể để đảm bảo rằng không có bất kỳ sự lây nhiễm nào nữa. Mọi sự thăm viếng từ lều này sang lều kia, giữa nhóm này với nhóm khác đều không được khuyến khích”.

2. Tháng 1 năm nay, Nepal mới bắt đầu thực hiện đợt tiêm chủng đầu tiên với 1 triệu liều vắc xin AstraZeneca do Ấn Độ tặng nhưng khi đại dịch ở quốc gia này bùng nổ, Chính phủ Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu vắc xin nên cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Nepal có nguy cơ trở thành tồi tệ. Việc tiêm chủng sẽ được tiếp tục khi Trung Quốc viện trợ cho Nepal 800.000 liều vắc xin Sinopharm đồng thời Nepal đang đàm phán với Nga để được cung cấp vắc xin Sputnik V.

Trong một diễn biến có liên quan, ngành du lịch Trung Quốc đã hủy bỏ việc cấp phép leo núi Everest từ lối đi phía Bắc nằm bên phía lãnh thổ Trung Quốc vì lo ngại sự lây nhiễm dịch bệnh từ nước láng giềng Nepal. Việc đóng cửa đã được xác nhận trong một thông báo từ Tổng cục Thể thao Trung Quốc. Trước đó, nước này đã cấp phép cho 38 người, là công dân Trung Quốc được leo núi Everest vào tháng 5 năm nay. Động thái này phản ánh mức độ thận trọng mà Trung Quốc đã thực hiện trong việc đối phó với đại dịch. Chưa hết, Trung Quốc cho biết họ sẽ thiết lập một dải phân cách để ngăn người Trung Quốc tiếp xúc với bất kỳ ai thuộc phía Nepal.

Và không chỉ những người leo núi Everest đối đầu với Coronavirus, một số người leo lên những ngọn núi khác ở Nepal cũng gặp phải vấn đề. Một báo cáo cho biết những người leo núi Dhaulagiri, ngọn núi cao thứ 7 trên thế giới đang ở trong tình trạng bấp bênh sau khi ít nhất 3 thành viên trong nhóm xét nghiệm dương tính với COVID-19, 9 người đã được sơ tán đến Kathmandu. Những người còn lại đang được kiểm tra. Một bác sĩ cùng đi với nhóm này cho biết việc hít thở vốn đã khó khăn ở độ cao lớn nên bất kỳ sự bùng phát Coronavirus nào giữa những nhà leo núi đều có thể gây ra những nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe. Harshvardhan Joshi, nhà leo núi Ấn Độ đang ở một trại trên lưng chừng núi Dhaulagiri nói: “Chúng tôi rất sợ hãi, có rất nhiều tin đồn và chúng tôi không biết điều gì đang thực sự xảy ra”.

Việc sơ tán những người nhiễm virus từ những trại hiểm trở trên núi Everest còn đặt ra một thách thức rất lớn về mặt hậu cần. Một phi công trực thăng người Nepal giấu tên cho biết khách hàng chỉ phải trả 1.500USD cho một chuyến bay tham quan núi Everest nhưng nếu khách gọi cấp cứu, số tiền này sẽ là 5.000USD mặc dù đường bay chỉ dài bằng 1/6…

VŨ CAO 

(Theo Traveller)

;
.