Cây cầu dẫn đến hư không

Thứ Sáu, 23/12/2022, 18:38 [GMT+7]
In bài này
.

Được xây dựng từ năm 1930, đến năm 1996 Chính phủ Honduras tiến hành cải tạo lại cầu Choluteca bằng cách xây mới nhằm đáp ứng điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Việc thi công do nhà thầu Nhật Bản Hazama Ando tiền hành, hoàn tất năm 1998. Thế nhưng cơn bão Mitch lúc đổ bộ vào vùng này đã biến cầu Choluteca thành cây cầu kỳ dị nhất thế giới.

Cầu Choluteca sau trận bão Mitch.
Cầu Choluteca sau trận bão Mitch.

Kể từ lúc được thông xe vào tháng 6/1998, cầu Choluteca là niềm tự hào của đất nước Honduras. Dài 848m, cao 15m so với mặt đất cùng 4 làn xe bắc qua con sông Choluteca, nó được xem là cây cầu hiện đại nhất, là kỳ quan của kỹ thuật xây dựng và kiến trúc. Theo tính toán của các kỹ sư nhà thầu Hazama Ando dựa trên thông số khí tượng thủy văn, dòng chảy, lưu lượng nước trong cả mùa khô lẫn mùa lũ, họ tin rằng nó sẽ vượt qua những cơn bão và những trận cuồng phong xảy ra thường xuyên, người dân Honduras có thể yên tâm qua lại mà không phải lo sợ.

Vậy mà chỉ đến tháng 10, cơn bão Mitch khi đổ bộ vào Honduras với lượng mưa lên đến 1.905mm, kéo dài suốt 4 ngày đêm đã khiến 5.657 người chết, 8.058 người mất tích, 12.000 người bị thương, gần 3 triệu người mất nhà cửa, tổng thiệt hại lên đến hơn 6.500 tỉ USD nhưng cầu Choluteca vẫn đứng vững. Chỉ có một điều là do sức tàn phá của cơn bão Mitch, cát đã bồi lấp toàn bộ chiều dài của cầu, còn con sông Choluteca bị đẩy sang một bên, cách đầu cầu phía hữu ngạn gần 15m!

Từ đó, cầu Choluteca đứng chơ vơ, lạc lõng, bị cô lập giữa mênh mông biển cát vì không có đường để đi vào và cũng chẳng có lối để đi ra. Dần dà người Honduras gọi nó là “cây cầu dẫn đến hư không” bởi lẽ muốn qua sông, người dân phải đi bằng thuyền còn nếu sử dụng xe hơi, họ cũng phải ngược lên phía thương nguồn gần 40km!

Tuy nhiên trong cái rủi lại có cái may nhưng tiếc thay, may mắn lại chẳng kéo dài. Hình ảnh cầu Choluteca sau cơn bão Mitch trở nên nổi tiếng. Khách du lịch từ nhiều nơi trên thế giới ùn ùn kéo đến thành phố Choluteca chỉ để chiêm ngưỡng cây cầu. Một công ty du lịch nhanh chóng nắm lấy cơ hội bằng cách tổ chức những tour ngắm cầu bằng trực thăng, mỗi tour kéo dài 15 phút với giá 100USD/ người.

Và bởi vì toàn bộ làng mạc, dân cư, đường xá ở cả hai bên đầu cầu đều đã bị phá hủy, dẫn đến hơn 10.000 dân phải di dời đi nơi khác nên sản phẩm du lịch cũng chỉ dừng lại ở việc nhìn ngắm. Vì thế chỉ sau vài mùa, chẳng còn ai đến nữa, hoang vu lại trở về với hoang vu. Cũng chính vì sự kiện cầu Choluteca nên trong tiếng Anh xuất hiện một thành ngữ: “Don’t be the Choluteca bridge - Đừng biến mình thành cây cầu Choluteca”. Câu thành ngữ này mang ý nghĩa “Không tự để mình trở thành cô độc”.

Về phía Chính phủ Honduras, thoạt đầu các nhà khoa học đã nghĩ đến việc nắn lại dòng chảy của con sông Choluteca như trước khi bão Mitch ập vào nhưng qua tính toán, ngoài khối lượng cát phải múc đi với chi phí khoảng 1,5 triệu USD thì số liệu quan trắc thủy văn cho thấy chỉ sau 6 năm, cát sẽ lại bồi lấp như cũ và cầu Choluteca sẽ lại tiếp tục “dẫn đến hư không” mặc dù nơi đây có những điểm du lịch rất nổi tiếng, chẳng hạn như khu vực sinh sản của loài rùa Ridley, Hội chợ công, nông nghiệp Trung Mỹ được tổ chức hằng năm trước khi bão Mitch ập đến, khu dự trữ sinh quyển San Marcos de Colon được UNESCO công nhận và vùng biển Playa Grande, nơi truyền thuyết cho rằng tên hải tặc khét tiếng Fracis Drake đã chôn dấu phần lớn số vàng bạc châu báu cướp được.

Cầu Choluteca hiện tại.
Cầu Choluteca hiện tại.

Từ đó, cầu Choluteca lại tiếp tục bị bỏ mặc cho mưa nắng. Mãi đến năm 2000, khi tuyền đường cao tốc Liên Mỹ nối Choluteca với El Salvador hoàn thành thì người ta mới nghĩ đến việc khôi phục lại cây cầu, nhất là khi sân bay Choluteca được xây dựng và người dân cũng bắt đầu tìm đến định cư.

Năm 2003, việc tái thiết cầu Choluteca chính thức khởi công dựa trên nền móng của cây cầu cũ. Ngoài 2 đường dẫn ở hai bên đầu cầu, các kỹ sư xây dựng nối liền hai bờ bằng một cầu mới, đi qua con sông Choluteca rồi dẫn vào cao tốc Liên Mỹ với tổng chi phí gần 1,1 tỉ USD, trong đó Chính phủ Mỹ viện trợ không hoàn lại 530.000USD. Đến ngày 16/5/2005, cầu Choluteca hoàn thành.

Hiện tại, hai bên bờ sông Choluteca đã hình thành những khu nghỉ dưỡng xinh đẹp với những ngôi biệt thự ẩn mình sau những rặng cây. Theo số liệu của ngành du lịch Honduras thì năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, đã có 1,8 triệu lượt khách quốc tế tìm đến nơi này. Phần lớn đều muốn nhìn thấy nhưng đổi thay của cầu Choluteca, từ “cây cầu dẫn đến hư không” biến thành “cây cầu đi vào vườn địa đàng trên mắt đất…”.

VŨ CAO (Theo Traveller)

;
.