Trắc nghiệm 4/5 bài thi

Thứ Hai, 06/02/2017, 22:46 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây, ngay trong những ngày đầu năm mới Đinh Dậu, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế thi THPT quốc gia năm 2017. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được giao cho các Sở GD-ĐT chủ trì và mỗi tỉnh, thành phố sẽ có 1 cụm thi, thay vì 2 cụm do hai cơ quan tổ chức như năm 2016; các thí sinh tự do được lựa chọn địa điểm thi phù hợp.

Điểm đổi mới đáng lưu ý nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay là lần đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan với hầu hết các môn thi (gồm: Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội), riêng môn Ngữ văn thi tự luận. Thay vì 8 môn như năm 2016, thí sinh năm 2017 sẽ thi 5 bài, gồm 3 bài độc lập bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp tự chọn, gồm Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh hệ giáo dục THPT; Lịch sử, Địa lý với thí sinh hệ Giáo dục thường xuyên). Các bài thi tổ hợp có điểm từng môn thành phần để phục vụ xét tuyển đại học theo khối thi truyền thống. Điểm của bài thi tự luận và các bài thi trắc nghiệm được quy về thang điểm 10 đối với toàn bài và cả đối với các môn thành phần của bài thi tổ hợp. Nhằm giúp cho thí sinh có thêm cơ hội đạt điểm cao trong việc xét công nhận tốt nghiệp, quy chế năm nay cho phép các thí sinh thi cả hai bài thi tự chọn. Trong trường hợp này, bài thi nào có kết quả cao hơn sẽ được lấy để xét công nhận tốt nghiệp THPT (do phần mềm máy tính thực hiện).

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập, những năm gần đây ngành GD-ĐT đã có nhiều nỗ lực, đưa ra nhiều giải pháp khoa học về thi cử, về dạy và học của nhiều cấp học. Riêng việc thi cử, xét tuyển vào đại học, cao đẳng cũng đã phải trải qua nhiều cách thức. Trước đây, các trường đại học tổ chức thi tuyển riêng, từ năm 2002 đến 2014 thực hiện “3 chung” (chung đợt thi, chung đề và dùng chung kết quả); từ 2015 thực hiện “2 trong 1”. Để khắc phục những bất cập, tồn tại qua hai năm thực hiện “2 trong 1”, điểm khác biệt khi đăng ký dự thi năm nay so với năm 2016 là thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) cùng lúc với đăng ký dự thi (ĐKDT). Theo đó, quy chế năm nay quy định cho thí sinh ĐKXT đồng thời với đăng ký dự thi và cho điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều này giúp thí sinh vừa có thông tin tham khảo về mức ĐKXT vào trường mà mình định xét tuyển để cố gắng phấn đấu, vừa có quyền chốt ĐKXT sau khi biết điểm thi và nếu cần thiết thì vẫn có cơ hội để điều chỉnh nguyện vọng. Mặt khác, các trường đại học, cao đẳng có thông tin về việc đăng ký xét tuyển của thí sinh để xác định phương án tuyển sinh phù hợp. Việc mở ra quy định cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi THPT vừa có lợi cho thí sinh vừa phù hợp với phương án tuyển sinh của từng trường, tránh được tình trạng hồ sơ ảo từ “2 trong 1” diễn ra như năm 2016 vừa qua. Bên cạnh đó, với việc giữ lại “điểm sàn” thêm một năm cũng là tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học, cao đẳng có thêm sự chủ động trong lộ trình tiến tới thực hiện xóa bỏ điểm sàn trong việc tuyển sinh hàng năm.

Việc Bộ GD-ĐT sớm ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia và các quy định mới trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 cho thấy những đổi mới cần thiết và kịp thời của ngành GD-ĐT; Tạo điều kiện thuận lợi để các trường THPT, nhất là các bậc phụ huynh và các em học sinh lớp 12 năm học 2016-2017 chủ động trong việc học và ôn tập kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Đồng thời, giao quyền chủ động cho Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố trong việc kiểm tra, đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT; các trường đại học, cao đẳng thực hiện tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục đại học quy định.

HOÀNG LÊ

;