Đừng "rước họa vào nhà"

Thứ Sáu, 24/05/2019, 18:42 [GMT+7]
In bài này
.

Được nhập về từ các cửa khẩu giáp biên với Trung Quốc, tôm hùm đất còn được gọi là tôm hùm đỏ đang là mối lo.

Sinh vật ngoại lai này được xác định là không có giá trị kinh tế cao và có thể trở thành “đại họa” cho nông nghiệp Việt Nam. Tôm hùm đất ăn tạp, có thể ăn cả động vật sống, động vật chết lẫn thực vật, gây phá hoại mùa màng hay phá hủy chuỗi thức ăn. Chưa kể, tôm hùm đất thích nghi tốt với môi trường, phát triển nhanh và chúng còn có đặc tính nguy hại là thích đào hang sâu để trú ẩn nên có thể làm hỏng nền đất hay gây xói mòn bờ sông, bờ suối...

Phải nói thêm rằng, tôm hùm đất từng được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (đây là đơn vị duy nhất đã từng được cấp phép nhập loài tôm hùm đất) để nuôi thử nghiệm trong giai đoạn từ 2008-2010 với mục đích đánh giá khả năng phát triển thành đối tượng nuôi cũng như các nguy cơ xâm hại. Sau nghiên cứu, Viện đã khuyến cáo không nuôi vì những tác hại từ sinh vật này như đã kể trên. Viện cũng chứng minh rằng, thực tế, ở một số quốc gia đang nuôi tôm hùm đất như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… cũng đang gặp phải vấn đề tôm đào hang hốc, phá hoại đê điều, đê bao, làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và thủy sản do mức độ ăn tạp, phát triển nhanh của sinh vật này.

Chính vì vậy, từ năm 2013, loài thủy sinh này đã bị đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu, cấm nuôi, kinh doanh nhưng gần đây lại được rao bán rầm rộ trên thị trường và các mạng xã hội. Đáng chú ý, hầu hết tôm hùm đất trên thị trường đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhập lậu về Việt Nam và được bán với giá trên dưới 200.000 đồng/kg.

Trước thực trạng đó, Bộ NN-PTNT đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố; Tổng cục Hải quan và Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị tăng cường kiểm soát loài tôm hùm đất do thời gian gần đây có tình trạng loài tôm này được đưa vào Việt Nam tiêu thụ làm thực phẩm. Khi phát hiện tôm hùm đất phát tán ra môi trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm này theo quy định. Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu các đơn vị tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài tôm hùm đất với môi trường và sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sự phát tán của loài sinh vật này ra môi trường tự nhiên. Việc kinh doanh, tiêu thụ tôm hùm đất là vi phạm quy định pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản, công văn của Bộ NN-PTNT nêu rõ.

Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, lực lượng quản lý thị trường chốt chặn các đường mòn, lối mở, điểm tập kết thu mua thủy sản tại các tỉnh biên giới Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng và Quảng Ninh... Hoạt động kinh doanh trên mạng cũng sẽ được giám sát. Các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh thủy sản, nhà hàng, khách sạn tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng được thanh, kiểm tra, giám sát và sẽ xử lý nghiêm các vi phạm khi phát hiện. Trong khi đó, thời gian qua, tại các tỉnh, thành giáp biên như Lào Cai, Lạng Sơn… tôm hùm đất nhập lậu đã bị phát hiện và tiêu hủy không ít và hiện tại, theo phản ánh từ truyền thông, thực phẩm lạ này vẫn được bán ở một số nhà hàng và tiếp tục rao trên mạng, nhất là loại kích cỡ lớn còn sống hoặc đã được cấp đông.

Liệu tôm hùm đất đã bị phát tán ra môi trường tự nhiên hay chưa thì chưa được khảo sát cụ thể; nhưng nguy cơ phát tán là khó tránh khỏi. Việc cần làm ngay là song song với ngăn chặn nhập lậu, lưu thông trên thị trường và tuyên truyền để người dân hiểu thì việc khoanh vùng, tiêu diệt tôm hùm đất cũng rất quan trọng. Đồng thời, cần khuyến cáo người dân nếu phát hiện nơi nào trên địa bàn có nuôi hoặc kinh doanh tôm hùm đất phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kiểm tra và xử lý theo quy định.

Những bài học về các loài ngoại lai có hại vẫn còn đó, chúng ta cần tỉnh táo, kiên quyết để không “rước họa vào nhà”. Chúng ta cũng nên nhớ rằng, theo Điều 246, Bộ luật Hình sự 2015, người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

SƠN TRÀ

;
.